Việc hy hữu, và không nên, bởi dù những hình vẽ ấy đẹp hay xấu cũng là xâm phạm tài sản không phải của mình. Nhưng, mặt khác, chuyện này cũng phản ánh một nhu cầu đáng yêu có thật, lại đang rất thiếu ở thành phố này: Sự hài hước.
Hồi nhỏ, tôi sống trong một khu gia binh ở trung tâm thành phố. Khu gia binh nghèo, hàng xóm nghèo, mọi thứ đều thiếu thốn, thiếu từ cái nhà vệ sinh thiếu đến chỗ chơi của bọn trẻ, chỗ tập thể thao cho người già.
Nhưng mà cuộc sống không cau có như bây giờ. Bố mẹ tôi hay cười, hàng xóm cũng hay cười.
Bố tôi rất hay tạo ra những điều hài hước trong cuộc sống hàng ngày.
Hệ thống loa truyền thanh của Đài Hà Nội hồi đó lắp đến từng nhà, mỗi nhà một cái loa hình chữ nhật màu trắng nhưng chẳng có mấy nội dung hay ho để phát. Một ngày, bố tôi đấu cái đầu Akai của ông vào cái loa ấy, chạy băng Khánh Ly – Sơn Ca 7.
Hệ thống loa đấu nối tiếp cả khu, mấy trăm nhà cùng nghe rồi râm ran bàn tán cả tuần. Có người nháy mắt với bố tôi, có người làm đơn tố cáo. Bố tôi cười "vui mà". Mà vui thật! Sau này mỗi khi có ai đó nhắc lại chuyện này thì tôi thấy mọi người cùng cười.
Năm tôi 12 tuổi, người ta xây thêm một khu nhà cao tầng cho sĩ quan cao cấp. Khu nhà ấy xây lên nửa chừng rồi bỏ dở. Nhiều người ấm ức vì lâu không được chuyển lên khu nhà mới, nhưng mà ấm ức thì cũng chẳng giải quyết được gì.
Vì thế, có người cuối tuần dắt bọn trẻ con vào dạy vẽ tranh bằng gạch non trên những mảng tường. Đám thanh niên mang đàn vào những căn phòng xây thô cùng nhau tập rock, lũ trẻ con thì biến những ngóc ngách thành trận địa để chơi trò bắt gián điệp.
Khu nhà bỏ hoang ấy là phần ký ức tuổi thơ đáng nhớ nhất của lũ trẻ chúng tôi. Tôi nghĩ, nó chỉ thiếu dịch vụ ăn uống, bán hàng thì giống như zone 9 sau này.
Những toa tàu bị vẽ sơn vì chậm tiến độ khiến tôi nhớ đến khu nhà bỏ hoang ấy. Chẳng ai mong muốn sự phát triển bị đình trệ tiến độ.
Nhưng thực tế những công trình chậm tiến độ vẫn tồn tại trong thành phố của chúng ta. Nó thật là tồi tệ. Nhưng chúng ta vẫn có thể chọn cách đối mặt với sự tồi tệ ấy cơ mà.
Khoảng 3 hay 4 năm trước, khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thông báo chậm tiến độ lần đầu, tôi đi qua những hàng cột bê tông xám ngoét vô hồn không biết bao giờ mới hoàn thành cùng một người phụ nữ.
Rồi tôi chợt bảo: Nếu anh là chủ thành phố này thì anh sẽ dựng tượng em trên mỗi cây cột chậm tiến độ. Hàng trăm cây cột là hàng trăm tác phẩm điêu khắc về tình yêu thì tuyến đường Cát Linh – Hà Đông sẽ là một kỳ quan thu hút khách du lịch.
Người phụ nữ ấy bật cười và chúng tôi yêu nhau. Sau này, dù có còn yêu nhau hay không, mỗi khi đi qua hàng cột ấy, tôi vẫn hình dung nếu như mỗi cây cột có thể là một tác phẩm nghệ thuật đại chúng và mỉm cười.
Ai đó đã vẽ sơn lên những toa tàu nhỉ? Người đó đúng là thiếu ý thức tôn trọng tài sản của người khác. Song, tôi nghĩ đó là người hài hước và lạc quan.
Và đó là điều mà cuộc sống của chúng ta dường như đang rất thiếu, bởi ra đường, hay lên mạng vẫn thấy người nhăn nhó nhiều hơn.
Nếu không phải chỉ có những toa taù bị sơn vẽ mà tất cả những cây cột bê tông đều được vẽ thì sao? Nếu hành vi sơn vẽ lên toa tàu không phải là bộc phát mà là một ý tưởng nghiêm túc thì sao? Nếu như thành phố cho phép mở một cuộc thi vẽ tranh vui lên toàn bộ công trình Cát Linh - Hà Đông thì tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người tham gia và sẵn sàng trang trí không công cho tuyến đường đó.
Công trình chậm tiến độ này có thể chậm mãi, nhưng ít ra thành phố của chúng ta cũng có thêm một di sản vui mắt khiến bất cứ ai cũng có thể mỉm cười trong khi chờ đợi.
Tôi vẫn tin rằng cuộc sống nghèo khó và lạc hậu không bi kịch bằng cuộc sống thiếu đi sự hài hước và lạc quan.