Cuộc tình "đi bộ ngược chiều" của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Gia Chính - Thiết kế: Mạnh Quân |

Bà Huyền bẻ đôi chiếc bánh bao, đưa ông Dinh một nửa. Đó là cả bữa tối của hai ông bà. Chiếc bánh còn lại để dành cho bữa ngày mai.

Hạnh phúc trong mưa rét của vợ chồng già dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Mảnh đất trống dưới gầm đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, đoạn chạy qua hồ Hoàng Cầu, là "nhà" của đôi bạn già: Ông Tống Văn Dinh, 80 tuổi và bà Trần Thị Huyền, 71 tuổi.

Chẳng hiểu sao ông bà lại chọn nơi này làm chốn nương thân. Trụ đường sắt trên cao nhìn hoành tráng, nhưng vốn không được dựng lên để che mưa gió.

Vào những đêm mưa phùn lạnh căm, cái "gầm cầu" cao cả chục thước này mở toang đón gió bấc lồng lộng. "Không có điều kiện để sống tốt hơn", bà Huyền giải thích.

Cuộc tình đi bộ ngược chiều của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 2.

Những ngày đầu trên thành phố, sức khỏe yếu lại không có công ăn việc làm, ông Dinh "như một cái bóng vô hình, thui thủi một mình không biết nương tựa vào ai" - như lời ông kể.

Bà Huyền quê Thái Bình, ở Hà Nội đã được 50 năm. Bà nhớ lại: Từ năm 1968 bà đã làm cấp dưỡng tại ĐH Văn Hóa, đến 1976 thì nghỉ mất sức.

"Tôi ở lại thành phố kiếm sống, vì con cháu ở quê cũng nghèo" - Từ đó bà thành người vô gia cư, đi nhặt ve chai để mưu sinh qua ngày.

Đến một ngày cách đây hơn 30 năm, dòng đời run rủi cho hai ông bà gặp nhau chính tại con đường quanh hồ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Cuộc tình đi bộ ngược chiều của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 4.

"Tôi nhớ như in hôm đó, tôi và ông ấy đi bộ ngược chiều nhau, thế rồi không hiểu ông trời se duyên thế nào lại tìm đến nhau để làm bạn, tâm sự, giúp đỡ nhau vượt qua những gian khó ở mảnh đất này", bà Huyền chia sẻ.

Ông Dinh cười móm mém: "Hai người cô đơn đến với nhau để đỡ đần những lúc trái nắng trở trời".

"Tôi cảm nhận được sự chân thành thật thà của ông ấy. Kể từ đó chúng tôi chung sống với nhau bằng tình nghĩa vợ chồng chứ cũng không có đăng ký kết hôn như mọi người" - bà Huyền nói về cuộc hôn nhân "rổ rá cạp lại" nhưng đã bền chắc đến hơn 30 năm của mình.

Cuộc tình đi bộ ngược chiều của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 5.

Trên nền đất nằm cạnh cột trụ đường sắt trên cao, ngoài các loại ve chai, một cái tủ kéo đựng đồ, chiếc xe đạp cũ, một tấm bạt và chai nhựa làm bát đũa, hầu như chẳng còn đồ đạc gì.

Cứ mưa là khoảnh đất ướt hết. Mưa nhỏ thì có tấm bạt, còn mưa to nhiều ngày liền thì có bạt cũng ướt.

"Buổi tối nằm ở đây rất lạnh. Những đêm lạnh 10 độ thế này, chúng tôi phải đắp 3-4 cái chăn ", bà Huyền nói như chuyện rất bình thường.

Do sức khỏe yếu, ông Dinh thường chỉ nhặt ve chai quanh khu vực trú ngụ. Bà Huyền khỏe hơn thì đi xa hơn một chút. Vừa làm vừa nghỉ, tùy theo sức.

Tích cóp mãi, ông bà cũng sắm được một thứ tài sản: Chiếc xe đạp cũ giá 200.000 đồng. Theo lời bà Huyền, người ta vừa bán vừa cho. Chiếc xe luôn được khóa cẩn thận và chân tủ đồ ve chai dưới chân đường sắt trên cao.

Cuộc tình đi bộ ngược chiều của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 6.

"30 năm nay, chỗ nào lâu nhất thì ở được vài năm, còn cứ chuyển suốt, nên phải sắm chiếc xe cho tiện" , bà Huyền tâm sự.

Điện thoại di động dĩ nhiên là thứ xa lạ với ông bà. Mỗi khi có việc cần ông lại đi tìm bà hoặc ngược lại.

"Mỗi ngày chúng tôi đi nhặt ve chai chỉ được khoảng 50.000 đồng, không dám chi tiêu gì nhiều, việc ăn uống cũng đơn giản. Không có đồ đạc để nấu nướng, cứ lúc đến bữa tôi lại đi mua 2.000 đồng nước sôi ở quán trà đá để pha mỳ tôm", bà Huyền nói về bữa ăn hàng ngày.

Bữa tối nay ông bà ăn bánh bao của một chị tốt bụng mang cho. Một cái cho hai người. Bà Huyền bẻ đôi chiếc bánh, đưa ông Dinh một nửa. Còn một cái nữa, bà cất để dành cho bữa mai.

Thỉnh thoảng có những người mang cho ông bà ít đồ ăn, mỳ tôm. Có giấy loại hay vỏ chai, họ cũng dành phần ông bà.

Chị Hoa, một người dân ở Hoàng Cầu cho biết: "Tôi sống ở đây hơn chục năm, lúc đó đã thấy ông bà sống ở đây rồi. Ông bà chỉ nhặt ve chai, là người lương thiện. Tôi với mấy người sống quanh đây vẫn hay mang đồ ra "cứu tế" hai ông bà".

Cuộc tình đi bộ ngược chiều của hai cụ già nhặt ve chai dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 7.

"Trải qua 30 mùa đông, trời thương cho chúng tôi ít khi ốm đau. Chưa bao giờ chúng tôi ốm cùng một lúc, lúc bà ốm thì tôi chăm sóc, lúc tôi đau thì lại đến lượt bà.

Tôi đã hơn 4 lần đối diện với cái chết, lần gần nhất cách đây 15 năm. Lúc bấy giờ tôi lên cơn co giật, người cứng đờ. Cũng may có bà ấy ở bên, nếu không thì tôi chưa chắc sống được đến bây giờ", ông Dinh nhớ lại.

Vừa hơ tay lên đống lửa, bà Huyền vừa nói buồn buồn: "Mùa đông rét, chân tay đau nhức, năm nào cũng như năm nào. Nhưng không đi nhặt ve chai thì lấy gì sống. Tết cũng không được nghỉ".

Bà cho biết 30 năm qua ông bà chưa lần nào về quê. Ngày đầu năm mới, ông bà lên chùa cầu sức khỏe, an lành, xin chút đồ lễ rồi lại tiếp tục đi làm.

Quá lâu ông bà không về quê, con cháu cũng phiêu bạt mỗi người một nơi. Con bà Huyền làm công nhân cầu đường ở khu vực biên giới, còn con cháu ông Dinh vào Nam mưu sinh.

Bởi thế, cuộc sống của ông Dinh, bà Huyền càng gắn với mảnh đất dưới chân đường sắt trên cao. Được hỏi về dự định sau này, bà Huyền bộc bạch: "Giờ vẫn còn sức, chúng tôi vẫn cứ ở đây lặn lội kiếm ăn qua ngày.

Mình cứ thật thà, sống tốt, không trộm cắp, người ta thương rồi giúp đỡ thêm. Không về quê luôn, vì ở quê chẳng có gì làm".

Nói đến quê hương, bà Huyền ngập ngừng giây lát: "Sau này, ốm kiệt sức không làm được gì nữa chúng tôi mới về quê thôi".

Chừng như sợ câu chuyện đang chùng khiến ông Dinh buồn, bà Huyền khơi ngọn lửa lên, rồi nói: "Hơn 30 năm, đủ những khó khăn, tôi vẫn cảm thấy may mắn khi gặp được ông ở mảnh đất này".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại