Sau 1 tháng khỏi Covid-19, bà C.T.T (65 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đột ngột mất trí nhớ. Bà được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám vì nghĩ mình mắc hậu Covid-19.
Bệnh gì cũng đổ thừa cho Covid-19
Tại bệnh viện, sau khi thực hiện các xét nghiệm, bà được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.
Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ (BS) Đinh Quang Thanh, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM (quận 8), cho biết trường hợp trên của bà T. không phải cá biệt. Hiện nhiều bệnh nhân dễ nhầm lẫn "hậu Covid-19" với các bệnh lý thông thường khác.
Giải thích điều này, BS Thanh cho hay trên hệ thần kinh của con người có hệ thần kinh trung ương (hệ thần kinh điều khiển được) và hệ thần kinh tự động (hệ thần kinh không điều khiển được). Khi hệ thần kinh tự động bị kích thích sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng, càng lo lắng nhiều thì càng bị kích thích nhiều.
BSCKII Phạm Minh Thành, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), thăm khám cho bệnh nhân
"Ví dụ, khi bị mắc Covid-19 nhiều bệnh nhân lo lắng, căng thẳng (stress). Do đó, sau khi khỏi Covid-19 họ sẽ bị ám ảnh bởi những triệu chứng hậu Covid-19 như nếu kích thích ở vùng tim sẽ mệt ở vùng tim, tim đập nhanh,...; kích thích vỏ não sẽ khiến ngủ không sâu, không tập trung...; kích thích thần kinh ngoại vi khiến nhức mỏi người, tay chân... Những yếu tố trên khiến người bệnh liên tưởng đến hậu Covid-19" - BS Thanh lý giải.
Theo BS Thanh, đợt cao điểm dịch năm ngoái tại thành phố, khi đó, chủ yếu là biến chủng Delta, bệnh nhân hậu Covid-19 nhiều. Nguyên nhân bởi có nhiều bệnh nặng phải thở máy, thở ôxy dòng cao... những trường hợp này quá trình điều trị Covid-19 đã bị tổn thương phổi dẫn đến hội chứng đông đặc phổi, xơ phổi.
Tuy nhiên, hiện tại, ở TP HCM biến chủng Omicron chiếm ưu thế (80%-90%), chủ yếu người bệnh có các triệu chứng nhẹ. Bên cạnh đó, số đông đã được tiêm ngừa nên tổn thương thực thể không nhiều nhưng do quá lo lắng, hoang mang nên khi mắc bệnh thường đổ thừa hậu Covid-19. Thực tế, tình trạng hậu Covid-19 ở biến chủng Omicron không nhiều như biến chủng Delta trước đó.
Đồng quan điểm, BSCKII Phạm Minh Thành, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết không phải ai nhiễm bệnh cũng bị hậu Covid-19, đặc biệt, với biến chủng Omicron, hậu Covid-19 không còn đáng sợ như biến chủng Delta.
"Nhiễm siêu vi nào cũng vậy, giả sử sốt phát ban ảnh hưởng ngoài da sau khỏi sẽ hết, sốt do xuất huyết sẽ biến chứng gan, còn virus SARS-CoV-2 biến chứng lên phổi (thường gặp ở bệnh nhân mắc biến chủng Delta). Với biến chủng Omicron cũng có nhưng rất ít gặp tổn thương phổi. Triệu chứng thường gặp sau Covid-19 ở biến chủng Omicron chủ yếu mang hình thái rối loạn cảm xúc lo âu là chủ yếu" - BS Thành cho biết.
Theo BS Thành, nhiều bệnh nhân đến khám và cho rằng mình mắc hậu Covid-19 với những triệu chứng rất mơ hồ. Tuy nhiên khi thăm khám, xét nghiệm đều không có tổn thương thực thể. Các trường hợp này chủ yếu điều trị tâm lý như động viên, chia sẻ hoặc dùng thuốc để họ vượt qua cảm giác lo sợ
Các dấu hiệu hậu Covid-19
BS Đinh Quang Thanh cũng nhận định các biến chứng hậu Covid-19 nếu xuất hiện sẽ có một số dấu hiệu xuất hiện ở phổi, thần kinh (rối loạn lo âu, nhức đầu, mất ngủ...), rối loạn đông máu (thường gặp ở biến chủng Delta), biến chứng tổn thương thận (rất ít), rụng tóc... Biến chứng có thể xảy ra ở các cơ quan tạng nhưng với biến chủng Omicron thì ít hơn. Ở biến chủng này thường gặp nhất là trào ngược dạ dày (chiếm 50%), ít có biến chứng xơ phổi, đông máu.
BS Đinh Quang Thanh cho rằng hậu Covid-19 thường biến chứng lên phổi là chủ yếu dẫn đến các triệu chứng như đông đặc phổi, xơ phổi, viêm phổi gây nên tình trạng khó thở liên tục, khi làm việc nặng do nhu cầu ôxy tăng nhưng phổi không cung ứng đủ. Đây là những triệu chứng thực thể. Đối với những bệnh nhân mắc "bệnh ảo" ảnh hưởng thần kinh cũng sẽ xuất hiện các cảm giác như hụt hơi, khó thở nhưng bản thân người bệnh không phân biệt được.
Để vượt qua được những cảm giác này, BS Thanh lưu ý, với những bệnh nhân đã được tiêm ngừa đầy đủ, triệu chứng nhẹ khi mắc bệnh thì có thể an tâm rằng khó có thể bị biến chứng phổi hậu Covid-19.
"Nếu thuộc nhóm này không cần lo lắng đến sinh bệnh. Nếu lo lắng thì có thể đo Sp02, khi các chỉ số bình thường (97%-99%) thì chắc chắn không ảnh hưởng phổi, đây là điều đơn giản để biết mình có nên gặp bác sĩ thăm khám hay không. Tuy nhiên, để không bỏ sót thì cần quan sát nếu có các triệu chứng dai dẳng bất thường thì đến bệnh viện để được kiểm tra" - BS Thanh nói.
Riêng đối với những bệnh nhân mắc bệnh nền (đái tháo đường, huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, nội tiết...), BS Thanh cũng lưu ý tùy theo bệnh của mỗi người. Nếu khi khỏi Covid-19 cần tiếp tục theo dõi, điều trị bệnh nền định kỳ theo phác đồ của bác sĩ.
"Đối với bệnh nhân đái tháo đường khi mắc Covid-19 sẽ tăng nặng hơn so với các bệnh nền khác. Nên sau khỏi Covid-19 những bệnh nhân này cần quan sát cơ thể và thăm khám thường xuyên theo khuyến cáo để kịp thời điều trị nếu có" - BS Thanh nói.
Hai dạng thăm khám
BS Phạm Minh Thành cũng cho biết hiện bệnh nhân thăm khám với lý do hậu Covid-19 thường có 2 dạng. Thứ nhất tình trạng nhẹ, sẽ được bác sĩ tư vấn, giải thích để hiểu về bệnh thì sẽ ổn định ngay sau đó. Thứ hai là có những trường hợp phải dùng thuốc ức chế tình trạng căng thẳng. Thường bệnh nhân cũng đáp ứng nhanh, khoảng 1-2 tuần tình trạng bệnh sẽ cải thiện tích cực.