Đổ bệnh vì bụi mịn, thời tiết thay đổi

Hải Yến |

Thời tiết lạnh kèm không khí ô nhiễm bụi mịn những ngày qua khiến không ít người gánh thêm bệnh về đường hô hấp

Đến khám bệnh trong tình trạng ho khan, đau rát cổ họng, sổ mũi, ông T.T.B (40 tuổi, ở Bình Phước) cho hay trước khi đi bệnh viện, ông đã đến tiệm thuốc gần nhà mua một số loại thảo dược để uống.

70% ca mắc chủ yếu là đường hô hấp trên

"Ban đầu, thấy uống cũng đỡ đau họng nhưng sau đó lại xuất hiện thêm triệu chứng sổ mũi, ho có đờm, nghẹt mũi và sốt nên tôi phải đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm mũi xoang do thời tiết, kê thuốc điều trị ngoại trú và hẹn tái khám. Hết năm rồi, mong bệnh đừng kéo dài để còn đón Tết với gia đình" - ông B. lo lắng.

Đổ bệnh vì bụi mịn, thời tiết thay đổi - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết từ sau Giáng sinh đến nay đã có rất đông bệnh nhân đến khám các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt liên quan tai mũi họng. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận khám khoảng 200 - 220 người. Trong đó, khoảng 60%-70% ca liên quan đường hô hấp trên, chủ yếu là viêm mũi xoang, viêm họng vì ảnh hưởng do sự thay đổi thất thường của thời tiết.

Theo bác sĩ Sơn, sự thay đổi thời tiết đột ngột kết hợp độ ẩm cao cùng sự phát tán mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên. Các bệnh lý đường hô hấp trên thường có khả năng tái phát nhiều lần và đa số bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà mà không cần đến bác sĩ khám. "Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu không được điều trị kịp thời, mầm bệnh có thể xâm lấn vào đường hô hấp dưới, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng hơn và khó điều trị như viêm phế quản, viêm phổi…, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp sớm" - bác sĩ Sơn cảnh báo.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, bệnh lý viêm mũi xoang chiếm khoảng 30%-35% tổng số bệnh nhân khám mỗi năm. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Khoa Mũi xoang của bệnh viện, cho biết tỉ lệ trên cho thấy mức độ phổ biến của bệnh lý này. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường sống đang ô nhiễm nghiêm trọng, bụi mịn trong không khí tăng cao, bệnh lý viêm mũi xoang ngày càng phổ biến ở nhiều lứa tuổi.

Theo bác sĩ Hải, thời tiết lạnh và ô nhiễm không khí có thể tác động mạnh đến viêm mũi xoang. Khi nhiệt độ giảm, cơ thể sẽ sản xuất nhiều chất nhầy hơn và niêm mạc mũi sẽ bị phù nề, khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng. Đồng thời, ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn và khí thải, sẽ gây ra các phản ứng dị ứng và viêm ở niêm mạc mũi xoang. Sự kết hợp của 2 yếu tố này không chỉ làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn mà còn tăng khả năng tái phát.

Sai lầm cần tránh

Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn cũng cảnh báo một trong những sai lầm phổ biến là bệnh nhân thường tự ra ngoài mua thuốc mà không đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh. Việc tự dùng thuốc không đúng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc hoặc sử dụng thuốc không hiệu quả. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ càng nặng hơn, thậm chí gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến các cơ quan khác như thận, gan. "Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc. Khi cơ thể đã bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có thuốc để chữa trị" - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm nếu có các triệu chứng bệnh, quan trọng nhất là phải đi khám kịp thời để bác sĩ đánh giá, phát hiện các biểu hiện biến chứng nặng của viêm mũi xoang.

Bệnh viêm mũi xoang không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn làm giảm hiệu quả công việc của người bệnh với những triệu chứng như sổ mũi, nhức đầu, ho kéo dài. "Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, áp xe não, thậm chí mù lòa do ảnh hưởng đến ổ mắt và thần kinh" - bác sĩ Hải cảnh báo.

Để phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp trong mùa thay đổi thời tiết này, các bác sĩ khuyến cáo khi ra đường, đặc biệt vào sáng sớm và tối, cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, nhất là vùng cổ, ngực và chân tay tránh bị lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, để bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi bẩn và các tác nhân ô nhiễm, hãy đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Đồng thời, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên; ngủ đủ giấc; uống đủ nước sẽ giúp giữ ẩm cho niêm mạc, giúp giảm nguy cơ các vấn đề về xoang; rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch các tác nhân ô nhiễm và giữ ẩm cho niêm mạc mũi, tránh bị kích ứng. "Đặc biệt, khi có các dấu hiệu đau rát cổ họng, ho, sốt, sổ mũi…, nên đi khám kịp thời để được điều trị đúng cách, tránh các biến chứng nguy hiểm" - một chuyên gia khuyên. 

Những người bị viêm mũi dị ứng cũng cần tránh các tác nhân gây dị ứng như hải sản, thịt bò, gió lạnh và bụi bẩn. Đối với những người bị viêm mũi dị ứng kéo dài, có thể áp dụng phương pháp điều trị như giải mẫn cảm đặc hiệu. Đây là một phương pháp tiêm vắc-xin để cơ thể tạo ra kháng thể giúp giảm dần mức độ dị ứng theo thời gian.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top