Các bệnh viêm gan siêu vi và vấn đề dinh dưỡng (kỳ 2)
Vấn đề dinh dưỡng trở nên vô cùng quan trọng khi gan của chúng ta bị viêm, không còn tốt như trước nữa.
Các triệu chứng của viêm gan
Nhìn chung bệnh viêm gan virút điển hình đều có 4 giai đoạn:
Thời kỳ nung bệnh: bệnh nhân không hề cảm thấy có triệu chứng gì khác thường.
Thời kỳ khởi phát (tiền vàng da): kéo dài từ 4 - 10 ngày, có các dấu hiệu chính như sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều mặc dù không sốt cao, có dấu hiệu giả cúm và dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Lúc này xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng cao hoặc rất cao, thường gấp trên 10 lần lúc bình thường, có khi tới trên 100 lần.
Thời kỳ toàn phát (vàng da): triệu chứng vàng da rõ ràng nhất, da vàng, mắt vàng, nước tiểu vàng sẫm, có thể kèm sốt cao hoặc sốt vừa. Ngoài ra bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi tăng hơn trước, rối loạn tiêu hóa, chán ăn đặc biệt sợ mỡ. Xét nghiệm trong giai đoạn này không phải để chẩn đoán mà chủ yếu để tiên lượng bệnh, do đó cần thăm dò 4 hội chứng của gan: hội chứng hủy hoại tế bào gan, hội chứng ứ mật, hội chứng viêm và hội chứng suy tế bào gan.
Thời kỳ lui bệnh: được biểu hiện bằng đi tiểu nhiều, tới 2 - 3 lít mỗi ngày, nước tiểu màu nhạt dần và vàng da cũng đỡ dần, bệnh nhân ăn uống ngon miệng, xét nghiệm sinh hóa cho thấy chức năng gan phục hồi dần. Tuy nhiên, ở một số người, vẫn mệt mỏi kéo dài, ăn uống khó tiêu, cảm giác ấm ách vùng thượng vị hoặc đau tức, nằng nặng vùng hạ sườn phải.
Đối với viêm gan B, xuất hiện kháng thể HBs Ag. Nếu xét nghiệm thấy HBs Ag kéo dài quá 4 tháng, phải nghĩ đến viêm gan mạn tính sau viêm gan virút B.
Dinh dưỡng như thế nào?
Dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan được phân biệt tùy theo bệnh trạng của mỗi cá nhân:
Viêm gan cấp tính:
Người bị viêm gan cấp tính thường có các biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ khớp, có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ậm ạch, đầy hơi, khó chịu, chậm tiêu, buồn nôn và nôn... Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn này bệnh nhân nên ăn uống nhẹ, ăn làm nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu. Cần lưu ý, các biểu hiện trên thường dễ chịu hơn vào buổi sáng, vì vậy bệnh nhân nên ăn vào buổi sáng nhiều hơn. Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ. Cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như: cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh...
Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan. Nếu phải dùng thuốc, nên dùng càng ít càng tốt.
Viêm gan mạn tính:
Cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ. Các thức ăn cần có nhiều vitamin A (như: gan gà, gan lợn...) và vitamin C (cam, quýt, rau sống...), rau củ và trái cây cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ...). Mỗi ngày, bệnh nhân nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D (có thể sử dụng chế phẩm của sữa như sữa chua, pho-mát).
Mỗi ngày dùng 75g thịt hay cá, trứng.
Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.
Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục và giảm thiếu tối đa các chất quá béo quá ngọt.
Nên uống thêm thuốc bổ, nhưng nên tránh thuốc có chứa nhiều chất sắt.
Vitamin A: 10.000 đến 25.000 IU mỗi ngày.
Vitamin D: 5.000 đến 8.000 IU mỗi ngày.
Vitamin E: 50 đến 400 IU mỗi ngày.
Vitamin C: 100 mg mỗi ngày.
Các chất khoáng: một viên multivitamin loại ngày một viên.
Canxi 1.000 đến 2.000 mg mỗi ngày.
Cần siêu âm gan, kiểm tra chức năng gan định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng.