Đình chỉ giao S-400: Động thái lạ của Nga gửi thông điệp gì tới Mỹ và Trung Quốc?

Mạnh Kiên |

Nga đã đình chỉ giao S-400 cho Trung Quốc nhưng lại đẩy mạnh cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến này cho Ấn Độ. Moscow gửi thông điệp gì đằng sau động thái này? Phải chăng Nga đang muốn bắt tay với liên minh Mỹ để chống lại "người bạn" Bắc Kinh?

Trung Quốc và Nga thường mô tả mối quan hệ giữa cả hai là “đặc biệt” và “chưa từng có”, đồng thời cam kết sẽ duy trì “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, "sự đặc biệt" trong mối quan hệ này đã được thể hiện rõ ràng cho công chúng thấy. Vào tháng 2, Moscow đã gửi vật tư y tế đến Vũ Hán, đáp lại Bắc Kinh đã chuyển cho nước láng giềng hàng triệu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác.

Đặc biệt hơn, nhà lãnh đạo hai quốc gia có một mối quan hệ sâu sắc khi đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013.

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Nga cùng "chống lại chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương" của Mỹ, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ hai nước đã đạt đến mức “chưa từng có”.

Mặc dù vậy, trong những tháng gần đây, rạn nứt vẫn xuất hiện giữa cả hai. Đó là tranh cãi về việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và sự chậm trễ trong việc chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Bắc Kinh.

Nhưng có lẽ tình tiết bùng nổ nhất trong những tuần gần đây là đề xuất bắt tay đối thủ cũ trong Chiến tranh Lạnh của Washington để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Khi được hỏi về khả năng Mỹ và Nga trở thành đồng minh trong một kịch bản khó tưởng tượng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời: "Tôi nghĩ cơ hội đó là có thể xảy ra”.

Bán vũ khí cho Ấn Độ

Trong lúc tình hình biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đang trở nên dầu sôi lửa bỏng hơn bao giờ hết, Nga đã công khai tăng cường bán vũ khí cho New Delhi ngay sau khi va chạm mới nhất xảy ra, theo SCMP.

Một tháng sau cuộc đụng độ ngày 15/6, New Delhi đã gấp rút thông qua thỏa thuận mua máy bay chiến đấu mới của Nga để nâng cấp đội bay hiện có của mình. Trung Quốc được cho là không hài lòng khi “người bạn” của mình đưa vũ khí cho đối thủ.

Tuy nhiên, theo Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga, Nga đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ từ rất lâu trước khi tranh cãi biên giới xảy ra.

Hầu hết vũ khí chiến lược của Ấn Độ, từ tàu sân bay đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đều được nhập khẩu từ Nga.

“Ngành công nghiệp quốc phòng Nga rõ ràng muốn tiếp tục ở lại thị trường Ấn Độ, thị trường vốn ngày càng cạnh tranh hơn với những đối thủ như Pháp và Mỹ”, Stefanovich nói.

Chuyên gia Rityusha Tiwary tại viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc đại học Delhi cho biết, doanh số bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ trên thực tế đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm 3,2 tỷ USD vào năm 2005.

Trong khi đó, Nga không hài lòng về các vấn đề quốc phòng liên quan đến Trung Quốc. “Trung Quốc thường dùng kỹ thuật đảo ngược công nghệ quân sự của Nga rồi sau đó bán các nền tảng bản địa dựa trên thiết kế của Nga, qua đó cạnh tranh với Nga trên thị trường bán vũ khí toàn cầu”, chuyên gia về an ninh quốc gia Alexey Muraviev từ đại học Curtin nói với SCMP.

Chính vì vậy, Nga coi việc bán vũ khí cho Ấn Độ là một cách để cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hoãn chuyển giao S-400

Đình chỉ giao S-400: Động thái lạ của Nga gửi thông điệp gì tới Mỹ và Trung Quốc? - Ảnh 1.

Nga đã đình chỉ giao S-400 cho Trung Quốc.

Một rạn nứt khác mà giới quan sát nhắc đến gần đây có liên quan đến thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.

Tháng trước, các trang tin NetEase và Sohu của Trung Quốc đưa tin về quá trình giao hàng đã bị "trì hoãn" do dịch bệnh, nhưng Moscow sau đó nhấn mạnh rằng giao hàng đã bị "đình chỉ".

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Trung Quốc đã nhận được lô S-400 đầu tiên trong năm 2018 nhưng quá trình giao hàng liên tục bị đình chỉ khi Moscow có những cáo buộc gián điệp liên quan đến Bắc Kinh.

Động thái đình chỉ của Nga đã làm người Trung Quốc khó chịu, đặc biệt khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu mới đây tuyên bố đẩy nhanh sản xuất và chuyển giao 5 hệ thống S-400 mà Ấn Độ mua vào năm 2018. (Dự kiến, tổ hợp đầu tiên trong số này sẽ được giao vào tháng 10).

Nhiều người Trung Quốc cho rằng điều này chứng tỏ Nga đang đặt lợi ích của Ấn Độ lên trước lợi ích của Trung Quốc, nước đã đặt hàng S-400 từ tận năm 2014.

Mô tả quyết định đình chỉ giao S-400 là một “tình tiết hấp dẫn”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation cho biết, động thái này đi ngược lại nhận định rằng quan hệ an ninh Trung-Nga đã tăng cường trong những năm gần đây.

Ông cũng hoài nghi về lý do sự trì hoãn giao S-400 do dịch bệnh, mà lý do va chạm với Ấn Độ dường như hợp lý hơn. “Điều này cho thấy quyết định của Moscow là để đáp trả sự cố ở biên giới”, Grossman nói.

Ông lưu ý rằng trong suốt Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là “bạn thân” của Ấn Độ, và mối quan hệ này vẫn nồng ấm cho đến ngày nay.

“Tôi cho rằng quyết định S-400 phần lớn đến từ việc Nga quyết định trừng phạt Trung Quốc vì các hành động chống lại Ấn Độ, và để chứng minh với New Delhi rằng Moscow vẫn là đối tác tin tưởng để họ dựa vào”, Grossman nói.

Tuy nhiên, điều gây chia rẽ nhất là tuyên bố gần đây trên truyền thông Ấn Độ về việc New Delhi muốn Moscow tham gia sáng kiến ​​Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, một nhóm chiến lược được nhiều người coi là nỗ lực nhằm chống lại Trung Quốc.

Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng, ý tưởng này là “một sự phản bội Trung Quốc”, điều không khác gì việc Nga gia nhập NATO. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng khả năng nói trên là khó có thể xảy ra.

Victor Gao, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nói rằng “không thể tưởng tượng nổi” trường hợp Nga sẽ “tự biến mình thành chư hầu của Mỹ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại