Căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh Persian khi các tàu khu trục USS Gonzalez và USS McFaul cùng tàu sân bay US Abramham Lincoln của Mỹ xuất hiện gần lãnh thổ Iran, gửi thông điệp khiêu khích trước thách thức của Tehran.
Trong khi đó tại vùng Levant, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu tung ra kế hoạch hòa bình đối với Israel và Palestine, còn được gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”.
“Cuồng phong” trên Vịnh Persian
Mỹ dường như đang gióng lên hồi trống trận tại Vịnh Persian, nhưng lại có động thái trái ngược khi chìa cành oliu tại khu vực cách đó vài trăm dặm. Nhà phân tích Tamara Qiblawi của CNN cho rằng, các sự kiện nêu trên giống như hai mặt của một đồng xu.
Động thái của Mỹ đều nhằm vào các bên có vũ trang mạnh mẽ trong khu vực, buộc họ chấp nhận yêu cầu cứng rắn của Washington và đồng minh. Tuy nhiên, điều này có thể đẩy cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua vào một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn.
Theo các các chuyên gia quốc tế lâu năm trong khu vực, những sự kiện gần đây trên Vịnh Persian đang đặt ra nhiều thách thức nguy hiểm. Leo thang căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các đồng minh của Washington rất dễ vượt tầm kiểm soát khi ông Trump tìm mọi cách kéo Iran vào bàn đàm phán để buộc họ nhượng bộ.
Khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, ông chỉ trích đây là một thỏa thuận tồi, rồi sau đó “thắt chặt thòng lọng” đối với nền kinh tế Iran bằng một loạt biện pháp trừng phạt.
Chính phủ Iran đã phản ứng lại với những gì mà giới chuyên gia cho là “sự kiên nhẫn chiến lược”. Các nhà ngoại giao nước này sau đó kêu gọi Châu Âu hỗ trợ duy trì thỏa thuận hạt nhân và châu Âu cũng làm mọi việc có thể để giữ lại thỏa thuận bất chấp sự rút lui của Mỹ.
Thế nhưng sự kiên nhẫn này đang dần cạn kiệt khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đe dọa Tehran có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Đến tháng 4/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với toàn bộ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran – mà trước đó từng được coi là “phao cứu sinh” cho đất nước đang phải vận lộn với hàng loạt lệnh trừng phạt này.
Tháng 5/2019, ông điều nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln cùng lực lượng đặc nhiệm ném bom tới khu vực.
Sau loạt động thái cứng rắn của Mỹ tại Vịnh Persian, Iran đã phản kháng mạnh mẽ. Iran thông báo dừng một phần cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường làm giàu uranium - một bước đi quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một loạt những “điểm nóng” trong khu vực cũng bắt đầu tăng nhiệt.
“Mục đích chính của chiến dịch gây sức ép tối đa là phong tỏa về mặt kinh tế. Bằng việc áp đặt gần 1.000 tiêu chí trừng phạt, gắn mác “tổ chức khủng bố nước ngoài” đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng (quân đội Iran) và cắt nguồn xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Mỹ hy vọng rằng Iran có thể quay trở lại bàn đàm phán”, nhà phân tích Naysan Rafati, tại tổ chức Crisis Group nhận xét.
Ông Naysan Rafati cho biết thêm: “Những gì chúng ta chứng kiến là phản ứng của Iran trên mặt trận hạt nhân và nguy cơ rủi ro luôn hiện hữu bất cứ lúc nào. Người Iran dường như muốn nói rằng, các ông có thể đẩy chúng tôi vào tình trạng kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn có 'thẻ bài' để chơi”.
Vẫn chưa rõ liệu Iran có kích hoạt mạng lưới các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn trong khu vực để hành động thay cho Tehran hay không. Chỉ biết rằng vài ngày sau tuyên bố của ông Trump hôm 8/5, UAE thông báo về vụ tấn công 4 tàu chở dầu ngoài khơi biển thành phố Fujairah, song Iran đã bác bỏ cáo buộc liên quan.
Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn cũng đã tiến hành một cuộc tấn công đầu tiên vào đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia. Trong một diễn biễn khác, một tên lửa đã được phóng tới Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, Iraq - nơi Mỹ đặt đại sứ quán.
“Chúng ta đã chứng kiến một chuỗi hoạt động gây leo thang căng thẳng. Rõ ràng, sự kiên nhẫn chiến lược của Iran đã dần được thay thế bởi sự mất kiên nhẫn chiến lược”, nhà phân tích Rafati nói thêm.
Hiện chưa có hồi kết đối với tình hình hiện nay. Tehran liên tiếp từ chối đề xuất đàm phán của Tổng thống Trump.
Hãng tin Fars ngày 26/5 dẫn lời Phó chỉ huy Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi nói rằng thương lượng với Mỹ chẳng mang lại lợi lộc gì, và cho rằng quân đội Mỹ đang hiện diện ở vùng Vịnh hiện nay là “yếu kém nhất trong lịch sử”.
Một nền kinh tế đang phải oằn mình chống chọi các lệnh trừng phạt cùng sự bất đồng về chính trị gia tăng trong nước đã buộc Iran phải hành động. Chính phủ Iran đã cảnh báo Mỹ không nên thách thức nước này và trấn an người dân rằng họ không muốn chiến tranh.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Washington không muốn chiến tranh nhưng Tổng thống Trump lại đe dọa mang đến “cái kết chính thức” cho Tehran nếu chiến tranh xảy ra.
Đánh giá về những phát ngôn nêu trên, ông Ray Mabus, cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ cho biết: “Ngay cả khi Mỹ không có mục đích kích động một cuộc xung đột vũ trang thì căng thẳng leo thang vẫn sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm.
Tôi cho rằng chúng ta đang gần sát với bờ vực chiến tranh hơn so với thời điểm các bên đàm phán về thỏa thuận hạt nhân khi mọi thứ còn đang hoạt động hiệu quả. Tổng thống Trump sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trước đây và nói ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. Song có lẽ ông đang khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn”.
Thỏa thuận thế kỷ tiếp nối bước đi sai lầm?
Trong bối cảnh diễn ra một loạt động thái quân sự đang làm nóng bầu không khí trên Vịnh Persian, con rể đồng thời là Cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã công bố phần đầu tiên trong kế hoạch hòa bình mà ông vạch ra cho người Israel và Palestine.
Các sự kiện này dù đối lập nhau, một bên là gây căng thẳng, một bên là hòa giải nhưng giới phân tích cho rằng thông điệp gửi đi về cơ bản rất giống nhau.
Mặc dù mới chỉ công bố nội dung kinh tế của kế hoạch hòa bình, nhưng ông Kushner đã gợi ý rằng người Palestine nên có sự nhượng bộ về chính trị đối với Israel.
“Các bên đang để cuộc xung đột kéo dài từ các thế hệ trước phá hủy tương lai con cháu của họ. Kế hoạch hòa bình sẽ mở ra một đường hướng giải quyết xung đột mới, thực tế và khả thi chưa từng có”, hãng tin CNN dẫn lời phát biểu của ông Kushner.
Các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump cho biết, kế hoạch sẽ thảo luận 4 nội dung chính: cơ sở hạ tầng, công nghiệp, trao quyền và đầu tư vào nhân lực, cải cách sự điều hành của chính phủ.
Tờ Hebrew dẫn một số nguồn tin tiết lộ, theo kế hoạch hòa bình, nhà nước Palestine sẽ được gọi là “Palestine mới”, được thành lập trên vùng đất Bờ Tây và Dải Gaza hiện bị Israel chiếm đóng, không bao gồm các khu định cư của người Do Thái.
Jerusalem sẽ không bị chia cắt, mà thay vào đó, trở thành thủ đô chung của cả Israel và “Palestine mới”, trong đó Israel nắm quyền quản lý về mặt hành chính và đất đai. Nhà nước Palestine mới sẽ có lực lượng quân cảnh sử dụng vũ khí hạng nhẹ, nhưng họ không được thành lập quân đội.
Thay vì đó họ phải chi trả cho sự đảm bảo an ninh từ phía Israel. Kế hoạch cũng bao gồm tổ chức một hội thảo kinh tế tại thủ đổ của Bahrain để khuyến khích đầu tư tại Bờ Tây, Dài Gaza và cả khu vực.
Sáng kiến này được công bố sau khi Tổng thống Trump đưa ra một loạt quyết định nhằm “chiều lòng” đồng minh, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, rút khỏi quỹ tài trợ cho người tị nạn Palestine.
Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình vừa mới manh nha đã bị Palestine cùng nhiều nhân vậy ủng hộ giải pháp hai nhà nước cực lực phản đối bởi có sự hoài nghi chính quyền ông Trump thiên vị với Israel, gây bất lợi cho người Palestine.
Ông Saeb Erekat Tổng thư ký tổ chức giải phóng Palestine (PLO) nêu rõ: “Tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Trump được thực thi dựa trên các quyết định và lập trường của riêng họ về Jerusalem, khu định cư, người tị nạn cùng nhiều vấn đề khác.
Giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine không phải là cải thiện điều kiện sống cho người dân đang chịu sự chiếm đóng mà tạo cơ hội cho Palestine phát triển bằng cách chấm dứt sự chiếm đóng của Israel”.
Như vậy có thể thấy, cả trong vấn đề Iran, lẫn vấn đề Palestine, Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được sự nhượng bộ lớn về chính trị, thông qua gây sức ép về quân sự đi kèm với các cam kết hỗ trợ kinh tế:
Ông Trump đang sử dụng một cây gậy rất lớn nhưng lại đưa ra củ cà rốt rất nhỏ”, chuyên gia Rafati nói.
Tuy nhiên, phản ứng cứng rắn của các bên liên quan cho thấy ông Trump sẽ khó đạt được mục đích của mình và nếu các diễn biến vượt xa tầm kiểm soát thì có thể dẫn đến những hậu quả mà các nhà hoạch định chính sách khó có thể xoay sở kịp.