Điều khiến EU không thể 'toàn tâm, toàn ý' ủng hộ Ukraine

Kiều Anh |

EU tuyên bố sẽ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine về quân sự, kinh tế và ngoại giao nhưng những thực tế địa chính trị trong nước cũng như lợi ích quốc gia từng thành viên khiến liên minh này không thể 'làm' như 'nói'.

Quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh hơn là ai sẽ chiến thắng

Nhà ngoại giao Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord dưới thời Hoàng đế Napoleon từng nói rằng: "Một nhà ngoại giao nói 'có' tức là 'có lẽ', nói 'có lẽ' tức là 'không' và nói 'không' tức là 'không".

Talleyrand đã qua đời năm 1838 nhưng cho tới ngày nay, nhận định của ông vẫn đúng. Từ những cuộc tranh luận về lệnh cấm vận năng lượng Nga hay triển vọng Ukraine gia nhập EU, các nhà ngoại giao châu Âu đều đang sử dụng nghệ thuật ngoại giao của sự "có lẽ". 

Các đại diện cấp cao của EU thường xuyên thăm Kiev và cam kết với Tổng thống Volodymyr Zelensky về sự hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ. Nhưng những hứa hẹn này hầu như khó có thể duy trì khi mà chúng mâu thuẫn với thực tế chính trị cũng như lợi ích quốc gia của các nước thành viên EU.

Điều khiến EU không thể toàn tâm, toàn ý ủng hộ Ukraine - Ảnh 1.

Pháo phòng không tự hành Gepard Đức cam kết sẽ vận chuyển cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi quá trình đàm phán về việc EU cấm vận dầu mỏ Nga vào cuối năm nay vẫn đình trệ, hiện vẫn chưa rõ liệu khi nào dòng chảy dầu mỏ từ Nga sang châu Âu sẽ chính thức dừng lại. Và thậm chí cả khi kế hoạch này diễn ra, đề xuất của EU cũng có không ít ngoại lệ, chẳng hạn như việc cho phép Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia tiếp tục nhập khẩu dầu thô Nga cho tới năm 2024 - điều có thể tạo vô số cơ hội để phá vỡ lệnh cấm vận.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với khí tự nhiên khi Ủy ban châu Âu đã đưa ra những chỉ dẫn mới về các lệnh trừng phạt, cho phép các nước châu Âu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp như Tổng thống Putin yêu cầu. Ngoài ra, quan trọng nhất, thời điểm cuối năm 2022 vẫn còn xa và khi đó lệnh cấm vận có thể đã lỗi thời.

Rõ ràng, trong những tháng gần đây, nhiều nước châu Âu quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh hơn là ai sẽ chiến thắng, đặc biệt là Đức - quốc gia dường như ủng hộ việc quay về tình trạng như trước cuộc chiến ở Ukraine. Điều đáng nói là Berlin không đơn độc trong vấn đề này. Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng, tương lai hòa bình ở Đông Âu không nên bao gồm những động thái gây hấn không cần thiết với Nga và có thể bao gồm một số nhượng bộ với Moscow về lãnh thổ.

Từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, sự ủng hộ của châu Âu dành cho Kiev không mạnh mẽ như phản ứng từ Anh và Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, chỉ tính riêng trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Mỹ đã cung cấp 4,4 tỷ USD cùng các hỗ trợ khác cho Ukraine, gấp 2 lần EU và các nước thành viên của liên minh này. Ukraine hiện nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ Mỹ, Anh và một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan. Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia có lập trường cứng rắn như Ba Lan thì nước này cũng muốn Mỹ đảm bảo sẽ tái bổ sung kho vũ khí cho họ trước khi họ cung cấp các vũ khí tiên tiến cho Ukraine.

Đức ngày càng sẵn sàng cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhưng mỗi lời cam kết đều đi cùng với những trở ngại về chính trị nội bộ cũng như khâu hậu cần, vốn có thể cần tới vài tuần hoặc vài tháng để giải quyết. Ví dụ gần đây nhất về vấn đề này là việc Đức vận chuyển pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine nhưng lại thiếu đạn dược để vận hành nó.

Mất 15 hoặc 20 năm để gia nhập EU

Với những diễn biến hiện nay, dường như việc Ukraine gia nhập EU khó có khả năng sớm diễn ra. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định họ ủng hộ động thái này nhưng họ đều hiểu rõ, ít nhất 1 trong 27 thành viên EU có quyền phủ quyết tư cách thành viên đầy đủ của Kiev. Hiện vẫn chưa rõ liệu sự phủ quyết này có thể đến từ Hungary, Áo, Pháp và thậm chí là Đức hay không nhưng Tổng thống Macron đã đưa ra những tính toán rõ ràng cho tương lai khi đề xuất cái gọi là "Cộng đồng chính trị châu Âu".

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune cũng cho biết, các quốc gia muốn trở thành thành viên EU nhưng chưa đủ điều kiện như Ukraine đều có thể tham gia dự án chính trị "Cộng đồng chính trị châu Âu" để hưởng một số đặc quyền như một thành viên chính thức. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bác bỏ ý tưởng này khi cho biết chỉ chấp nhận việc trở thành thành viên đầy đủ của EU chứ không chấp nhận một giải pháp thay thế.

Ông Clément Beaune nhấn mạnh, việc hình thành một cấu trúc an ninh châu Âu mới có thể sẽ mất một đến một vài thập kỷ và chắc chắn không thể thiếu nước Nga. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cũng cảnh báo sẽ cần rất nhiều thời gian để Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU.

"Cần phải trung thực rằng nếu nói Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu trong 6 tháng, 1 hoặc 2 năm tới thì sẽ là nói dối. Điều này là không đúng bởi để gia nhập Liên minh châu Âu, chắc chắn sẽ cần 15 hoặc 20 năm. Tôi không muốn Ukraine ảo tưởng hay bị lừa dối".

Không chỉ là an ninh mà còn là sự phân bố quyền lực tương lai

Bất chấp những tham vọng về một siêu quốc gia EU với những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, các lợi ích quốc gia vẫn chi phối những tính toán chính trị của các nước thành viên. Với Paris và Berlin, cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là vấn đề an ninh mà còn quyết định sự phân bố quyền lực tương lai của EU.

Những vị trí chủ chốt trong EU chủ yếu do các chính trị gia Tây Âu nắm giữ, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen (Đức), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde (Pháp) cho tới Cao ủy EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell (Tây Ban Nha) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (Bỉ), đã phản ánh sự mất cân bằng trong cán cân quyền lực giữa Đông và Tây Âu. 

Các chính phủ Đông Âu đã tuyên bố rõ ràng rằng tình trạng hiện tại ngày càng khiến họ không thể chấp nhận được và cuộc chiến ở Ukraine chỉ càng khiến họ cảm thấy cần thay đổi nó.

EU được hình thành quanh Đức, Pháp và cả 2 quốc gia này đều bảo vệ thành công vị thế của mình như những người ra quyết định cuối cùng ở châu Âu trong những năm qua. Các nhà hoạch định chính sách ở cả 2 quốc gia đều hiểu rõ, một EU với Ukraine là thành viên có thể dẫn đến sự hình thành trục Warsaw – Kiev cạnh tranh, điều mà cả Pháp và Đức đều không muốn. Ukraine gần gũi về văn hóa và chính trị với Ba Lan hơn là Đức, nên điều đó đồng nghĩa với việc quyền lực của Đức ở EU có thể bị suy giảm đáng kể và bị thay thế bởi ảnh hưởng của Đông Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại