Theo Nature, BA.4 và BA.5 mang những đột biến độc đáo của riêng chúng là L452R và F486V trong protein đột biến của virus, có thể điều chỉnh khả năng bám vào tế bào vật chủ và một số phản ứng miễn dịch.
BA.5 cũng chính là biến chủng phụ Omicron mới vừa được phát hiện ở Việt Nam.
BA.5 và "bạn đồng hành" BA.4 đang làm tăng số ca trên khắp thế giới, tuy chưa có biểu hiện gây bệnh nặng hơn - Ảnh minh họa từ SBS
Vì sao lây nhanh?
Các quan sát sơ bộ tại các quốc gia mà BA.4 và BA.5 đã xâm nhập từ hồi tháng 5 cho thấy nó có vẻ lây nhanh hơn và dần lấn át dòng phụ Omicron chiếm ưu thế trước đó là BA.2. Các bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng lây nhanh này dường như chính nhờ các đột biến nói trên giúp chúng dễ dàng thoát miễn dịch ở khía cạnh lây nhiễm - kể cả miễn dịch từ vắc-xin và từ lần nhiễm Omicron trước đó.
Theo nhà dịch tễ học Christian Althaus từ Đại học Bern - Thụy Sĩ, sự gia tăng của BA.4 và BA.5 còn liên quan đến việc hầu hết các nước trên thế giới thời gian qua không còn duy trì nhiều các biện pháp hạn chế phòng dịch. Làn sóng do BA.4 và BA.5 là không thể tránh khỏi và chỉ hạ xuống khi có đủ số người bị nhiễm bệnh, y như làn sóng Omicron BA.2 trước.
Tin mừng: chưa có dấu hiệu tăng độc lực
Tuy thoát miễn dịch, nhưng tin tốt là 2 biến chủng phụ này dường như không tăng độc lực, tức khả năng gây bệnh nặng, khi so sánh với Omicron "gốc" và các dòng phụ trước.
Nature trích dẫn nghiên cứu sắp công bố của chuyên gia y tế công cộng Waasila Jassat từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở Johannesburg - Nam Phi, một trong những quốc gia đầu tiên đón sóng BA.4 và BA.5, cho thấy tuy số ca mắc tăng cao nhưng Nam Phi chỉ tăng nhẹ số ca nhập viện và tử vong trong làn sóng mới.
Nếu đối chiếu tương ứng theo số ca, số nhập viện và tử vong của các làn sóng trước, làn sóng Omicron mới từ BA.4 và BA.5 thậm chí có tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn một chút so với làn sóng Omicron đầu tiên.
Ở Bồ Đào Nha, nơi tỉ lệ tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường rất cao, mức độ tử vong và nhập viện trong làn sóng BA.4 và BA.5 tương tự như làn sóng Omicron ban đầu.
Hậu quả phụ thuộc vào tình hình tiêm chủng và cơ cấu dân số
Nhà dịch tễ học Christian Althaus cho rằng việc làn sóng này gây bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào 2 yếu tố: cơ cấu dân số và tình hình tiêm chủng.
Ở Bồ Đào Nha, tiêm chủng tốt tạo nên làn sóng nhẹ dù dân số già.
Ở Nam Phi, tuy tỉ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3) còn thấp, nhưng lại có lợi thế là dân số trẻ, cộng với tỉ lệ nhiễm "cao ngất trời" trong làn sóng trước, tạo nên "miễn dịch lai" - có thể không giúp chống lại việc nhiễm bệnh nhiều, nhưng chống lại tình trạng bệnh nặng tốt.
Do đó, lời khuyên chung của các chuyên gia y tế vẫn tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối tượng nguy cơ (người cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch...) cần được ưu tiên trong các liều tăng cường.