Điều 4 của NATO có thể được kích hoạt sau vụ bắn tên lửa vào Ba Lan

Kiều Anh |

Điều 4 Hiến chương NATO là một cơ chế được kích hoạt trong trường hợp một thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa. Ba Lan đã đặt quân đội trong cảnh báo và đang thảo luận về việc liệu có kích hoạt Điều 4 này hay không.

Binh lính Mỹ, Anh và Ba Lan tập trận ở Nowa Deba, Ba Lan ngày 21/9/2022. Ảnh: Getty

Binh lính Mỹ, Anh và Ba Lan tập trận ở Nowa Deba, Ba Lan ngày 21/9/2022. Ảnh: Getty

Chính phủ Ba Lan vẫn đang điều tra nguyên nhân các vụ nổ xảy ra tại một ngôi làng gần biên giới với Ukraine mà Kiev cáo buộc do Nga thực hiện.

Điều 4 Hiến chương NATO là một cơ chế được kích hoạt trong trường hợp một thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa, yêu cầu tham vấn với 29 quốc gia thành viên khác và đưa ra quyết định nhất quán về động thái tiếp theo.

Điều khoản này khác với Điều 5 về phòng thủ tập thể, theo đó toàn bộ liên minh sẽ bảo vệ một thành viên khi thành viên đó bị tấn công từ bên ngoài.

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Mueller đã kêu gọi dư luận và truyền thông "không công khai những thông tin chưa được xác nhận" và cho biết ông sẽ không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào về vụ việc cho tới khi có thông báo thêm.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, 30 nước thành viên đang "tham vấn" về vụ việc ở Ba Lan và tất cả thông tin cần thiết sẽ được tập hợp lại.

Theo các hãng tin truyền thông địa phương, 2 dân thường đã thiệt mạng ở Przewodow, thuộc tỉnh Lublin của Ba Lan, ngay sát biên giới với Ukraine.

Các hình ảnh và video từ ngôi làng do truyền thông Ba Lan công bố cho thấy các mảnh vỡ tên lửa. Một số hãng truyền thông xác định đây là các mảnh vỡ của các tên lửa phóng từ hệ thống S-300 nhưng vẫn chưa có xác nhận chính thức.

Trong khi AP dẫn nguồn tin tình báo Mỹ giấu tên cho biết các tên lửa là "của Nga" thì Lầu Năm Góc cho biết hiện chưa có thông tin nào chứng minh cho nhận định này. Ba Lan cũng từ chối đổ lỗi sự việc cho Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc vụ việc ở làng Przewodow là cuộc không kích tên lửa do Nga tiến hành nhằm vào lãnh thổ NATO và đây là một cuộc tấn công vào "an ninh tập thể", đồng thời hối thúc khối này hành động để đáp trả Moscow.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các mảnh vỡ tên lửa mà truyền thông Ba Lan công bố "không có liên hệ gì với các vũ khí của Nga".

Moscow khẳng định không có cuộc không kích tên lửa nào được tiến hành gần biên giới Ba Lan và Ukraine, đồng thời nhận định, bất kỳ bài báo nào đưa tin ngược lại đều là "hành vi khiêu khích có chủ đích nhằm làm leo thang tình hình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại