Điều 2 tàu tác chiến cận bờ đến biển Đông: Mỹ "nắn gân" Trung Quốc bằng thay đổi tinh tế gì?

Hải Võ |

Hải quân Mỹ đang tăng cường hiện diện ở biển Đông với việc triển khai hai tàu tác chiến ven biển (LCS) lớp Independence đến khu vực.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP), việc triển khai hai tàu tác chiến ven biển cho thấy Mỹ đang thay đổi chiến lược khu vực từ giám sát và răn đe sang củng cố năng lực tấn công.

Thông tin hải trình cho thấy, tàu USS Gabrielle Giffords rời căn cứ hải quân Changi, Singapore, vào ngày 15/11, và tàu USS Montgomery tiến hành một chiến dịch chung với hai chiến hạm của Australia từ ngày 6 đến 12/11 vừa qua.

Hai chiến hạm Mỹ được ghi nhận hoạt động trên biển Đông - một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất toàn cầu, mà Trung Quốc đang áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với 80% diện tích.

Bắc Kinh thể hiện tham vọng bành trướng quân sự trong khu vực bằng việc xây cất trái phép các tiền đồn quân sự - bao gồm sân bay, radar, tên lửa và cảng hải quân - trên những thực thể nhân tạo. Mưu đồ của Trung Quốc nhiều lần bị Mỹ thách thức, khi các tàu chiến Mỹ thường xuyên tổ chức các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) lưu thông qua các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 19/11 nói Washington đang tiến hành nhiều hoạt động tuần tra trên biển Đông hơn nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc.

Mỹ "phản đối bất kỳ ý đồ của bất cứ nước nào nhằm cưỡng ép hoặc đe dọa các nước khác để đạt được lợi ích quốc tế" - ông Esper nói trong chuyến thăm Philippines, đồng thời thúc giục các nước thực thi quyền chủ quyền của mình và đưa Trung Quốc "vào đúng quỹ đạo".

"Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi muốn gửi đi rằng không phải chúng tôi phản đối Trung Quốc, mà là tất cả chúng ta đều bảo vệ các quy định và luật pháp quốc tế, và chúng tôi cho rằng Trung Quốc cũng nên tuân thủ," bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho hay.

Hầu hết tàu chiến được Mỹ sử dụng trong các nhiệm vụ tự do hàng hải trước nay là tàu hộ vệ hoặc tàu khu trục tên lửa. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Sáng kiến tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) - liên kết với Viện nghiên cứu hải dương của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, các tàu tác chiến ven biển có những ưu thế đặc thù trong khu vực.

Các tàu LCS di chuyển được với vận tốc lên tới 50 knot (khoảng 92.6 km/h), đồng thời có thể nhanh chóng điều chỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu hay các chiến dịch săn ngầm.

Đặc biệt, tàu USS Gabrielle Giffords, trang bị các tên lửa chống hạm tối tân, có khả năng hỗ trợ tốt cho những chiến dịch của Hạm đội 7 hải quân Mỹ.

Báo cáo của SCSPI nhận định, việc Mỹ điều động các tàu LCS cho thấy đã có thay đổi tinh tế trong chiến lược biển Đông của hải quân nước này. Theo đó, các chỉ huy bắt đầu tập trung vào những cách thức thực tế nhằm củng cố năng lực tấn công trong khu vực, bằng cách "chủ động tìm kiếm sự răn đe về quân sự và sẵn sàng cho các xung đột quân sự tiềm tàng".

Dù vậy, nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông Song Zhongping nói tàu Gabrielle Giffords và Montgomery không tạo thành mối đe dọa đáng kể đối với các thực thể mà Bắc Kinh xâm chiếm phi pháp, bởi chúng thiếu khả năng tàng hình và khá mỏng manh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại