Ukraine cần phương Tây viện trợ vũ khí gấp 10 lần hiện nay để chấm dứt xung đột, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik cho biết.
Kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp thêm số vũ khí trị giá 35,4 tỷ USD cho Kiev, trong khi EU và các quốc gia thành viên bổ sung thêm 13,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik nhấn mạnh như vậy vẫn chưa đủ.
“Chúng tôi rất biết ơn các đồng minh vì sự giúp đỡ quân sự của họ. Nhưng hiện tại vẫn chưa đủ. Ukraine cần gấp 10 lần như vậy để chấm dứt cuộc xung đột với Nga trong năm nay”, ông Melnik cho biết trên Twitter.
“Chúng tôi kêu gọi các đối tác của mình vượt qua mọi ‘lằn ranh đỏ’ tự tạo và dành 1% GDP cho việc chuyển giao vũ khí”, ông Melnik nhấn mạnh thêm.
Nga giành thêm 2 khu vực ở phía Tây Bakhmut trong vòng 24 giờ. Các nhóm tấn công của Nga đã kiểm soát thêm 2 khu vực ở Bakhmut, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 23/4 cho biết.
"Theo hướng Donetsk, các nhóm tấn công đã kiểm soát 2 khu vực ở phía Tây thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua. Các đơn vị thuộc Lực lượng Dù của Nga đã hỗ trợ cho các nhóm tấn công ở các quận phía Bắc và phía Nam của thành phố", ông Konashenkov nói.
Đặc công Nga cài mìn phá hủy xe tăng T-64 của Ukraine. Trang tin Avia.Pro của Nga ngày 23/4 cho biết, lính đặc công Nga thuộc sư đoàn Ivanovo đã phá hủy thành công một chiếc xe tăng T-64 bị các binh sỹ của Lực lượng vũ trang Ukraine bỏ lại khi rút lui khỏi các cứ điểm trong một khu rừng gần Kremennaya ở Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về cách thức phá hủy chiếc xe tăng vẫn chưa được công bố.
Trong video được đăng tải trên Telegram, binh sỹ đặc công của Nga đã đặt mìn vào chiếc xe tăng và sau đó kích nổ mìn để phá hủy. Hành động này nhằm ngăn chặn quân đội Ukraine có thể quay trở lại, kéo xe tăng ra khỏi chiến tuyến để sửa chữa.
Video cũng cho thấy ngay khi xe tăng phát nổ, một quả mìn khác được đặt bên kia đường cũng nổ theo. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, lính đặc công Nga đã trở về căn cứ an toàn.
Chi tiêu quân sự toàn cầu cao kỷ lục do xung đột Nga – Ukraine. Một báo cáo hàng năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, chi tiêu quốc phòng ở Tây Âu và Trung Âu đã vượt qua mức của năm cuối cùng trong Chiến tranh Lạnh.
Theo đó, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đạt mức cao kỷ lục là 2.240 tỷ USD (1.800 tỷ bảng Anh) vào năm 2022.
Chi tiêu của các quốc gia Trung và Tây Âu đạt 345 tỷ USD vào năm 2022, vượt mức vào năm 1989, năm cuối cùng xảy ra Chiến tranh lạnh. Chi tiêu quốc phòng của khu vực này cao hơn 30% so với một thập kỷ trước.
Châu Âu, bao gồm cả Nga và Ukraine, đã tăng chi tiêu quân sự lên 13% mỗi năm. Báo cáo của SIPRI cho rằng đây là "mức tăng hàng năm lớn nhất trong tổng chi tiêu quân sự của châu Âu trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh".
Chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2% lên khoảng 86,4 tỷ USD, tương đương 4,1% GDP của đất nước vào năm 2022, tăng từ mức 3,7% vào năm 2021. Ukraine là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 11 thế giới sau khi tăng 640% chi tiêu quân sự. Chi tiêu quân sự của Kiev chiếm tới 34% GDP của nước này.
Quân đội Ukraine huấn luyện quân nhân vận hành và bảo trì xe tăng Leopard tại Trung tâm huấn luyện San Gregorio ở Zaragoza, ngày 13/3/2023. Ảnh: Reuters
N ga sẽ chuyển sang thế phòng thủ trước cuộc phản công của Ukraine? Theo Newsweek, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang phải đối mặt với áp lực từ một số đồng minh trong việc chuyển chiến lược hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine sang phòng thủ khi cuộc phản công được dự đoán từ lâu của Kiev sắp xảy ra.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), được công bố hôm 22/4, nỗ lực tuyển 400.000 lính nghĩa vụ vào lực lượng vũ trang Nga sẽ chỉ làm đóng băng tiền tuyến hiện tại ở Ukraine.
ISW cho rằng bộ chỉ huy quân sự của Nga “có khả năng đang cố gắng thuyết phục” Tổng thống Putin “chuyển sang các hoạt động phòng thủ”. Các quan chức quân sự Ukaine dự đoán cuộc xung đột có thể đang chuyển sang thời điểm bùng phát quan trọng.
Nga tuyên bố "xóa sổ" 2 thành trì của Ukraine ở phía Nam Donetsk. “Ở khu vực phía Nam Donetsk, các đơn vị dẫn đầu của Nhóm chiến đấu phía Đông đã phát hiện ra lực lượng di động của đối phương. Một xe tải chở quân nhân đã bị loại bỏ bằng lựu đạn tự động và vũ khí hạng nhẹ.
Đơn vị vận hành pháo phun lửa hạng nặng TOS-1 đã xóa sổ 2 thành trì của đối phương gần khu dân cư Novodonetskoye”, ông Alexander Gordeyev nói. Theo người phát ngôn này, hệ thống tên lửa Tor cũng đã bắn hạ UAV Furia của Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn cơ quan khẩn cấp khu vực Kherson cho biết, quân đội Nga đã phá hủy 1 kho chứa đạn dược và 1 đội súng cối của Ukraine ở hữu ngạn sông Dnieper.
Trong một diễn biến khác, Hạm đội Biển Đen đã đẩy lùi một cuộc tấn công UAV trên mặt nước bên ngoài nơi neo đậu tàu của Sevastopol.
Tất cả cơ quan trong thành phố đều đặt trong tình trạng khẩn cấp. Sevastopol, nơi đặt căn cứ hải quân chính của Hạm đội Biển Đen, đã đối mặt với một số cuộc tấn công UAV trong tháng qua, được cho là do quân đội Ukraine thực hiện.
Trong khi đó, theo Trung tá đã nghỉ hưu của nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Andrey Marochko, Ukraine đã tổn thất hơn 4.000 binh lính trong tuần qua tại khu vực Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
UAV chứa thuốc nổ rơi gần thủ đô Moscow của Nga. Một máy bay không người lái (UAV) chứa thuốc nổ đã rơi ở ngoại ô phía Đông Moscow của Nga. Chiếc UAV được cho là do Ukraine thiết kế và mang 17kg thuốc nổ C4.
Theo hãng tin SHOT, đây có thể là UAV UJ-22 do Ukraine sản xuất. Được đưa vào sử dụng năm 2021, chiếc UAV cánh cố định này có tầm hoạt động khoảng 800km, gấp đôi tầm hoạt động thông thường của một chiếc UAV tự sát. UAV UJ-22 có thể mang được tải trọng lên tới 20kg. Chiếc UAV dường như đã hết nhiên liệu trước khi rơi ở khu vực Moscow.
Lãnh đạo Wagner dự đoán thời điểm Ukraine phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ tiến hành một cuộc phản công ngay sau khi các lực lượng Nga kiểm soát hoàn toàn Bakhmut, lãnh đạo lập Công ty quân sự tư nhân Wagner (PMC) Yevgeny Prigozhin cho biết.
“Ngay sau khi mất Bakhmut, ông Zelensky sẽ cần một chiến thắng lớn và ông ấy sẽ phát động cuộc phản công này vì mục đích này. Tại sao họ không thực hiện cuộc phản công trước ngày hôm nay?
Thứ nhất, vì trời mưa, mọi phương tiện đều bị sa lầy. Ngay cả xe bán tải cũng bị sa lầy chứ đừng nói đến xe tăng. Yếu tố thứ hai là ngày 9/5, [Ngày Chiến thắng ở Nga]”, ông Prigozhin cho biết trên kênh Telegram ngày 24/4.