Kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp thêm số vũ khí trị giá 35,4 tỷ USD cho Kiev, trong khi EU và các quốc gia thành viên bổ sung thêm 13,3 tỷ USD. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik nhấn mạnh như vậy vẫn chưa đủ.
Quân đội Ukraine huấn luyện quân nhân vận hành và bảo trì xe tăng Leopard tại Trung tâm huấn luyện San Gregorio ở Zaragoza, ngày 13/3/2023. Ảnh: Reuters
“Chúng tôi rất biết ơn các đồng minh vì sự giúp đỡ quân sự của họ. Nhưng hiện tại vẫn chưa đủ. Ukraine cần gấp 10 lần như vậy để chấm dứt cuộc xung đột với Nga trong năm nay”, ông Melnik cho biết trên Twitter.
“Chúng tôi kêu gọi các đối tác của mình vượt qua mọi ‘lằn ranh đỏ’ tự tạo và dành 1% GDP cho việc chuyển giao vũ khí”, ông Melnik nhấn mạnh thêm.
NATO yêu cầu các quốc gia thành viên phân bổ 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, báo cáo thường niên của khối, được công bố vào tháng 3, tiết lộ rằng chỉ có 7 trong số 30 thành viên của khối có thể đạt được mục tiêu đó trong năm 2022.
Sau khi Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác cam kết cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine hồi đầu năm nay, Kiev thúc giục đồng minh và đối tác viện trợ máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, nhiều nước từ chối yêu cầu này. Tổng thống Joe Biden đã khẳng định Mỹ “không” cung cấp F-16 cho Ukraine. Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh việc cung cấp máy bay chiến đấu phương Tây cho Kiev là không thực tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng các máy bay phản lực Tornado và Eurofighter sẽ “không phù hợp” với quân đội Ukraine.