Ông Medvedev cảnh báo thế giới tiến gần đến Thế chiến III: Trong bài phát biểu trước đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền ở Moscow, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Mỹ và các đồng minh gần như châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba khi chuẩn bị kế hoạch chống lại Nga.
"Đảng của chúng ta nên giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra là phản ứng bắt buộc và là biện pháp đáp trả trước sự khiêu khích của Mỹ. Rõ ràng là thế giới đã tiến gần đến mối đe dọa của Thế chiến III vì những gì đang xảy ra", ông Medvedev nói.
Binh sĩ Ukraine. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Serbia lo ngại xung đột ở Ukraine sẽ sớm lan rộng: Phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng Belgrade đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ, EU và NATO trong vấn đề Kosovo vì cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ sẽ sớm leo thang.
Ông Vucic cho rằng xung đột ở Ukraine "sẽ không lắng xuống mà sẽ chỉ lan rộng". "Hiện tại, không chỉ có Nga xảy ra xung đột với Ukraine. Xung đột sẽ sớm lan sang các lãnh thổ khác. Việc đất nước của chúng ta không nằm trong số đó là tùy thuộc vào chúng ta", ông Vucic nói.
Quốc gia EU vạch "lằn ranh đỏ" trong việc trừng phạt Nga: Ngoại trưởng Peter Szijjarto tuyên bố cam kết hợp tác với Nga về năng lượng hạt nhân là điều cần thiết đối với Hungary và Budapest sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với mối quan hệ đối tác này.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một quyết định đơn lẻ nào, dù nhỏ tới đâu, về hạn chế hợp tác hạt nhân với Nga, bởi nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng quốc gia của chúng tôi", nhà ngoại giao Hungary cho biết trong cuộc họp báo ở Brussels, sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU.
Ông Szijjarto nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba tham dự trực tuyến cuộc họp và "đã yêu cầu lĩnh vực hạt nhân của Nga phải bị trừng phạt". Theo ông Szijjarto, một số quốc gia thành viên ủng hộ đề xuất này nhưng Hungary sẽ không chấp nhận.
Nga nói đang trong cuộc chiến thực sự với phương Tây: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng tình hình hiện tại ở Ukraine cho thấy xung đột giữa Nga và phương Tây không còn là một "cuộc chiến hỗn hợp" mà sắp trở thành một "cuộc chiến thực sự".
"Khi chúng ta nói về những gì đang diễn ra ở Ukraine, chúng ta đang nói về thực tế rằng đây không còn là một cuộc chiến hỗn hợp, mà là một cuộc chiến thực sự phương Tây đã chuẩn bị từ lâu để chống lại Nga", ông Lavrov nói.
Quan chức DPR: Ukraine khó mở cuộc tấn công lớn dù có xe tăng của phương Tây: Các quan chức an ninh tại Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) nhận định, Ukraine sẽ không thể tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí mà phương Tây dự định cung cấp cho Kiev, ngay cả khi việc cung cấp xe tăng được nhất trí.
"Ngay cả khi chúng tôi tính tất cả số xe tăng mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine, chúng cũng chỉ là một tiểu đoàn xe tăng, theo tiêu chuẩn của phương Tây. Đó thực sự là một lực lượng hùng mạnh trên chiến trường đơn lẻ nhưng sẽ không phải là lực lượng lớn trên chiến tuyến dài 5-10km", một quan chức DPR cho biết.
"Ukraine thậm chí sẽ không sử dụng một đại đội xe tăng để thực hiện một cuộc tấn công. Điều tốt nhất họ có thể làm là sử dụng các trung đội từ 3-4 xe tăng, bởi một đại đội gồm 10 xe tăng sẽ gây chú ý khi di chuyển và có thể bị bắn hạ trước khi tham chiến. Sẽ có thể chỉ có 3-4 xe tăng trong số 10 chiếc có thể đến tiền tuyến, nơi chúng sẽ nằm trong tầm bắn của hệ thống tên lửa chống tăng và các vũ khí khác", vị quan chức này giải thích thêm.
Đức triển khai tên lửa Patriot trên lãnh thổ Ba Lan: Đức bắt đầu triển khai 2 trong 3 tổ hợp phòng không Patriot tại thị trấn Zamosc của Ba Lan, gần Ukraine, nhằm ngăn chặn tên lửa đi lạc.
"Một trong những lý do Đức giờ đây sẽ hỗ trợ sườn phía Đông của NATO ở Ba Lan bằng hệ thống Patriot là bởi chúng tôi đã nhìn thấy xung đột giữa Nga và Ukraine có thể lan sang các nước thành viên NATO nhanh như thế nào", Đại tá Joerg Sievers, người sẽ chỉ huy đơn vị phòng không của Đức tại Ba Lan, nói với phóng viên tại thị trấn Gnoien, phía Đông Đức, trước khi chuyển giao tên lửa.
Nga tuyên bố cải tổ quân đội để đối phó NATO, Ukraine: Nga cho biết nước này cải tổ quân đội nhằm đối phó với khả năng NATO mở rộng và việc phương Tây lợi dụng Ukraine để chống lại Moscow.
Đại Tướng Valery Gerasimov, Tổng chỉ huy mới phụ trách chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cho biết, những cải tổ quân sự của Nga, do Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt và công bố hồi giữa tháng 1, có thể được điều chỉnh để đáp ứng các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
"Ngày nay, những mối đe dọa như vậy phải kể đến tham vọng của NATO nhằm mở rộng sang Phần Lan và Thụy Điển, cũng như việc sử dụng Ukraine như công cụ để tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại đất nước chúng ta", ông Gerasimov nói.