Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam có lây nhiễm và gây bệnh ở người?

H.N (t/h) |

Cục Thú y, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, cơ quan chức năng đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Cơ quan này cũng khuyến cáo tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch.

Theo đó, tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện 2 hộ gia đình ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, có bệnh dịch tả lợn châu Phi, 5 hộ nghi ngờ có bệnh này. Còn tại Thái Bình, đã phát hiện một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.

Do chưa có vắc xin và thuốc đặc trị dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy, khi phát hiện có dịch, cơ quan thú y lập tức áp dụng hình thức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của hộ chăn nuôi. Hình thức tiêu hủy là đào hố chôn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp dập dịch theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình hình bệnh được phát hiện tại 2 địa phương, nhiều người dân rất lo lắng đến vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người.

Người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trừng chuồng nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng sản phẩm thịt lợn khi đây là loại bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Mặc dù vậy, đại diện cơ quan này cũng khuyến cáo người dân, không vì bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người mà chủ quan và vì lợi ích trước mắt vẫn tiến hành các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam có lây nhiễm và gây bệnh ở người? - Ảnh 1.

Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng

Trước thực trạng trên, Cục Thú Y- Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh.

Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào.

Cục Thú ý cũng lưu ý, thời tiết biến đổi bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trên thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/02/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 18/02/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Ngày 17/01/2019, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang không có người ở), Liên Giang, Đài Loan cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Kết quả giải trình tự gien của vi rút này tương đồng 100% với vi rút dich tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại