Số ca mắc COVID-19 thế giới giảm
Theo đó, trong tuần qua (số liệu tính đến ngày 14/2), số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm 16%, tương đương hơn nửa triệu ca, còn 2,7 triệu ca. Số ca tử vong cũng giảm 10% so với tuần trước, xuống còn 81.000 người, có 5 trong số 6 khu vực trên thế giới báo cáo tỷ lệ nhiễm mới giảm 2 con số, trừ vùng Đông Địa Trung Hải là tăng 7%. Số ca nhiễm mới giảm 20% trong tuần trước ở châu Phi và Tây Thái Bình Dương, 18% ở châu Âu, 16% ở châu Mỹ và 13% ở Đông Nam Á.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca mắc mới đã giảm 5 tuần liên tiếp, giảm xuống gần một nửa, từ hơn 5 triệu ca mỗi tuần vào thời điểm ngày 4/1, nay chỉ còn 2,7 triệu ca/tuần. “Điều này cho thấy các biện pháp y tế công cộng đơn giản có hiệu quả, ngay cả khi xuất hiện các biến thể... Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phản ứng với xu hướng này như thế nào, để không bùng phát trở lại”, ông Tedros nói.
Bản cập nhật dịch tễ học còn cho biết, biến thể mới phát hiện đầu tiên ở Anh đã hiện diện ở 94 quốc gia, tăng 8 nước so với trước. Sự lây lan của các biến thể này đang diễn ra ở ít nhất 47 quốc gia. Các biến thể Nam Phi có mặt ở 46 quốc gia (tăng 2 nước), trong đó biến thể đang lây lan ở ít nhất 12 quốc gia. Trong khi đó, biến thể lần đầu phát hiện ở Brazil có ở 21 quốc gia, tăng 6 nước, và đang lây lan ở ít nhất 2 quốc gia.
Tia hy vọng mới trong đại dịch COVID-19.
Triển vọng của vắc-xin
Mới đây, Giám đốc Cơ quan Phòng chống dịch bệnh (ECDC) của Liên minh châu Âu (EU) Andrea Ammon đã đưa ra nhận định đáng lo ngại rằng, dịch COVID-19 có thể không bao giờ biến mất cho dù có vắc-xin, vì SARS-CoV-2 có vẻ thích nghi rất tốt với cơ thể con người. Vắc-xin giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nhưng lại chưa xác định được chắc chắn, liệu vắc-xin có làm giảm sự lây lan của virus hay không.
Dù thế nào, vắc-xin vẫn là một giải pháp mà tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang hướng đến. Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới và đã tiêm chủng được 55 triệu liều vắc-xin, nhưng đến nay có tới nửa triệu người Mỹ tử vong vì COVID-19. Dự kiến Mỹ sẽ tăng cường cung ứng vắc-xin cho các tiểu bang trong thời gian tới. Trong khi đó, tại châu Á, từ ngày 17/2, Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho những đối tượng có nguy cơ cao, Malaysia cũng bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin từ ngày 26/2 tới.
Với chương trình COVAX, WHO hy vọng sẽ đảm bảo cho các nước nghèo hơn cũng có thể tiếp cận vắc-xin. Chính vì thế WHO đây chấp thuận vắc-xin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí về độ an toàn đối với người sử dụng, động thái này bật đèn xanh cho triển khai phân phối vắc-xin trong thời gian tới.
Vắc-xin của AstraZeneca đang được đánh giá là “vắc-xin cho thế giới” vì rẻ và dễ phân phối hơn so với một số đối thủ, bao gồm cả vắc -xin của Pfizer/BioNTech - vốn được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 12 năm ngoái. “Với COVAX, đợt giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3, với một số lô hàng sớm hơn sẽ diễn ra vào cuối tháng 2”, một lãnh đạo của WHO cho biết. Trước đó, AstraZeneca cho biết sẽ phân phối khoảng 330 triệu liều vắc-xin tới 145 nước trước cuối tháng 3 thông qua COVAX. Việc giao hàng cho đợt phân bổ đầu tiên này sẽ diễn ra trên cơ sở luân phiên và theo từng đợt.