Đĩa thức ăn bị chê không hợp khẩu vị và cuộc hội thoại trong bếp ai cũng nên nghe!

Trần Quỳnh |

Cuộc sống là một chuỗi dài của những cuộc hành trình tiếp nối. Thế nên người lựa chọn dừng lại sau vấp ngã sẽ là những người thất bại thực sự.

Trong một nhà hàng nọ, khi phòng ăn đang ồn ào tiếng cười nói của khách hàng thì những người đầu bếp đang dồn toàn bộ sự chăm chú của mình để bài trí từng đĩa thức ăn.

Khách hàng vừa thong thả dùng cơm, vừa vui vẻ bàn luận đủ mọi chuyện trên đời. Còn những người phục vụ lại bận rộn tựa như ong mật, liên tục đi qua đi lại, hết mang món mới ra rồi lại đem đồ ăn thừa vào phòng bếp.

Bấy giờ, trong gian bếp, một chiếc đĩa lên tiếng hỏi chiếc đĩa đầy thức ăn thừa mới được đem trở vào:

"Này, cậu có nhớ vừa rồi khách hàng ở bàn bên kia tỏ thái độ như thế nào không?"

"Đừng nói nữa, nhà kia đặt liên tiếp mấy món, tôi vốn cho rằng họ rất đói, chuẩn bị ăn ngấu nghiến, nào ngờ họ chỉ nếm có vài miếng rồi chê không hợp khẩu vị, không ăn nữa!" – Chiếc đĩa mới vào bất đắc dĩ nhìn món ăn phía trên của mình, sụt sùi khóc đáp lại.

"Cậu đừng khóc, mặc dù họ chưa ăn hết, nhưng cậu cũng được coi là đã hoàn thành sứ mệnh của mình rồi" – một chiếc đĩa khác cất tiếng an ủi.

Nghe vậy, chiếc đĩa đầy thức ăn thừa có vẻ lạc quan hơn, nhưng sau đó lại chán nản than rằng:

"Nhưng người đầu bếp này rất tốt, không hề lãng phí nguyên liệu chế biến, chăm chỉ kéo từng sợi mì… 

Tất cả chỉ vì muốn cho một chiếc đĩa tuổi đời có hạn như tôi có thể được xuất hiện trước mặt khách hàng trong vẻ ngoài hoàn mỹ nhất, thỏa mãn đam mê ẩm thực của họ. 

Chỉ cần tôi có thể tự tin mà sống cuộc đời của mình, đầu bếp cũng cũng sẽ vui vẻ. Chỉ có điều…". Nói đến đây, chiếc đĩa ấy lại không nén được bi thương, tiếp tục khóc nức nở.

Đĩa thức ăn bị chê không hợp khẩu vị và cuộc hội thoại trong bếp ai cũng nên nghe! - Ảnh 2.

Mỗi chiếc đĩa đều phải có trách nhiệm với giá trị đồ ăn, công sức của người đầu bếp và sự kỳ vọng của thực khách. (Ảnh minh họa).

Lúc này, một chiếc đĩa thuộc hàng "trưởng lão" trong gian bếp vốn im lặng từ đầu cuộc hội thoại bỗng nhiên lên tiếng:

"Cậu bé à, có lẽ chuyến đi này cậu chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng cũng đã cố gắng hết sức. Vậy thì nên buông xuống những lấn cấn trong lòng để chuẩn bị nghênh đón một hành trình mới đi thôi".

Chiếc đĩa "trưởng lão" trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:

"Ta còn nhớ, khi được an bài sống cuộc đời của một chiếc đĩa, vị thần ban sinh mệnh cho ta từng nhắc nhở: ‘Mỗi đĩa thức ăn đều phải chịu trách nhiệm với giá trị của đồ ăn’. 

Khi đã kết thúc nhiệm vụ của một chiếc đĩa, thần sẽ xem xét biểu hiện của chúng ta trong suốt quá trình đó để an bài một sinh mệnh mới, cho chúng ta tiếp tục tồn tại…"

Nghe xong câu nói ấy, tất cả những chiếc đĩa trong gian bếp đều im lặng, lại vừa gật đầu như có điều suy nghĩ.

Lúc này, một chiếc đĩa nhẵn bóng được bưng vào, đồ ăn bên trên đã chẳng còn bóng dáng. Chiếc đĩa "trưởng lão" mỉm cười và hỏi: "Lần phục vụ này có trải nghiệm rất tốt đúng không?"

Chiếc đĩa kia vừa vui vẻ, vừa hứng khởi đáp lại:

"Đúng vậy ạ! Nhìn món ăn bày bên trên mình được ăn hết sạch, cháu có cảm giác vô cùng vui vẻ. Trong quá trình ấy, đồ ăn biểu hiện hết sức hoàn mỹ, trước khi ra đi còn tươi cười nói lời tạm biệt với cháu. Đây quả là một chuyến đi tốt đẹp!"

Chiếc đĩa đã hết nhẵn ấy vui sướng kể lại, tựa như niềm hạnh phúc của đồ ăn cũng là niềm vui sướng của cậu vậy.

Câu nói của chiếc đĩa "trưởng lão" cùng chiếc đĩa mới vào đã truyền cho mọi bát đĩa trong gian bếp niềm hứng khởi và lạc quan, cũng xua tan đi không khí ảm đạm lúc ban đầu.

Vừa lúc đó, một ly trà nhỏ gần đó cũng lên tiếng hỏi:

"Nếu như mỗi chén đĩa chúng ta mang trên mình giá trị của thức ăn là điều mà thần linh đã sớm an bài, vậy thì giá trị của mọi thứ mà con người từng ăn, từng mặt, từng dùng... cũng đã sớm được sắp đặt sẵn chăng? 

Giá trị dùng hết sẽ chẳng còn, đến lúc đó dẫu có tiền cũng không mua lại được, phải không ạ?"

"Điều này thì vị thần ấy không nói cho ta. Nhưng ta nghĩ có lẽ đúng là như vậy!" – Chiếc đĩa "trưởng lão" gật gù.

Phòng ăn vẫn truyền vào những tiếng nói ồn ào, từng đĩa thức ăn lại tiếp tục được bưng ra, bê vào một cách nhanh chóng và vội vã.

Mọi vật dụng trong nhà bếp nhanh chóng tiếp tục chuyến hành trình của mình. Câu hỏi của ly trà nhỏ cũng vì thế mà tạm thời được gác lại, chờ mỗi người tự dùng cuộc đời của mình để tìm kiếm đáp án…

Đĩa thức ăn bị chê không hợp khẩu vị và cuộc hội thoại trong bếp ai cũng nên nghe! - Ảnh 4.

Ảnh: Nguồn Internet.

Mỗi chiếc đĩa đều phải chịu trách nhiệm với giá trị của đồ ăn, với công sức của của người đầu bếp, với sự kỳ vọng của thực khách... Nhưng hết thảy những trách nhiệm tưởng như nặng nề ấy lại chính là điều làm nên giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời của chúng.

Vào nhiều thời điểm trong cuộc đời, chúng ta có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi trước áp lực đến mức muốn rũ bỏ hết tất cả trách nhiệm. Cũng có nhiều lúc, chúng ta đánh mất niềm tin vào bản thân vì phụ sự kỳ vọng của người khác. 

Dù vậy, đừng quên rằng người thất bại thực sự là người lựa chọn dừng lại sau vấp ngã. Cuộc sống là một chuỗi dài của những cuộc hành trình tiếp nối. Cho dù hôm nay có mưa gió bão bùng, biết đâu ngày mai sẽ lại ngập tràn ánh nắng.

Nhân lúc cuộc đời còn cho ta những trách nhiệm, những thử thách để khẳng định giá trị của bản thân, hãy sẵn sàng trải nghiệm và lạc quan tiến bước. Bởi mọi thứ trên đời là hữu hạn, nên hãy trân trọng tất cả khi còn có thể!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại