MiG-21 Việt Nam tiêu diệt F-4 Mỹ - Đồ họa của Le Ky An
"Ác mộng" của phi công Mỹ - "Đại tá Tomb" là ai?
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, truyền thông Mỹ thường tuyên truyền về một phi công rất nổi tiếng của Việt Nam: "Đại tá Tomb" - Colonel Toon hay Tomb, thậm chí được viết với phiên âm tiếng Việt là Nguyen Toon (Nguyễn Tuân) là phi công tiêm kích huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN).
Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, nguyên sĩ quan dẫn đường KQNDVN.
Họ cho rằng "Đại tá Tomb" là phi công giỏi toàn diện, vừa bay MiG-17 vừa bay MiG-21, và đã bắn rơi 13 máy bay của Mỹ.
Các phi công Mỹ báo cáo: Họ thường xuyên thấy xuất hiện máy bay MiG-17 số hiệu 3020, trên thân có 13 ngôi sao đỏ và chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4326 cũng sơn trên thân 13 ngôi sao đỏ (thể hiện máy bay này đã bắn rơi 13 máy bay đối phương).
Máy bay trinh sát điện tử của Mỹ trong những khi thu sóng đối không của ta (KQNDVN) cũng thường nghe được từ "Toon" với tần suất được lặp đi lặp lại nhiều lần. Họ cho rằng đấy là Đại tá phi công có tên là Toon (Colonel Tomb) của Không quân Việt Nam.
Từ đó trong Không quân, Hải quân Mỹ xuất hiện truyền thuyết về phi công siêu đẳng của Không quân Việt Nam.
Họ cho rằng: Chiếc máy bay được sơn 13 ngôi sao đỏ do Đại tá phi công Toon của Không quân Việt Nam, người đã hạ 13 máy bay Mỹ, điều khiển.
Truyền thuyết về "Đại tá Tomb" đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các phi công Mỹ. Mỗi khi được thông báo có sự xuất hiện của Colonel Tomb, các phi công lái máy bay cường kích vội vàng ném bom khi chưa đến mục tiêu, còn các phi công tiêm kích rất ngại gặp MiG.
"Đại tá Tomb" là nỗi ác mộng với phi công Mỹ khi tham gia không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam. Nỗi ám ảnh của các phi công Mỹ đối với "Đại tá Tomb" kéo dài suốt từ năm 1967 đến 1972 mới chấm dứt.
MiG-17 tiêu diệt máy bay Mỹ - ảnh minh họa
Ngày 10/5/1972, Hải quân Mỹ tuyên bố Đại úy Hải quân Randy Cunningham (lái chính) và Trung úy Hải quân William Driscoll (lái phụ - dẫn đường) trên chiếc F-4 đã bắn rơi chiếc MiG-17 do "Đại tá Tomb" điều khiển.
Với các máy móc hiện đại, Mỹ có thể thu thập được qua liên lạc đối không, qua những kênh thông tin của ta; nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Biết là phía Mỹ sẽ tìm mọi cách thu thập thông tin nên chúng ta cũng có nhiều cách đối phó.
Ngay trong trận mở màn cho mặt trận trên không (ngày 03/04/1965) KQNDVN đã tổ chức biên đội 2 chiếc MiG-17 bay nghi binh để biên đội 4 máy bay MiG-17 khác bí mật tiếp cận và tấn công địch. Rồi ngành dẫn đường không quân cũng tổ chức những trận "đánh suông", "đánh giặc mồm" để lừa địch v.v…
Trong và sau chiến tranh, khi đã có tương đối nhiều thông tin, phía Mỹ cũng đưa ra nhiều giả thuyết về việc ai là "Đại tá Tomb": Đó đều là những phi công xuất sắc của Không quân Việt Nam, như Anh hùng Nguyễn Văn Cốc, Anh hùng Lê Thanh Đạo, Anh hùng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Phạm Tuân, Anh hùng Đinh Tôn… nhưng đều không có căn cứ.
Người mà phía Mỹ cũng nhắc đến nhiều là phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng MiG-17, nhưng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy chỉ bay MiG-17, chưa bay MiG-21.
Nguyên do là để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân Việt Nam, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong công tác huấn luyện bay.
Trong không quân đã có câu chuyện vui là Bác Hồ đã cho "bọc dầu" ông Bảy (tương tự như bọc dầu niêm cất khí tài).
Mặt khác, câu chuyện về "Đại tá Tomb" không thể là sự thật, vì phần lớn các phi công của ta tham gia chiến đấu đều quân hàm cấp úy, có khi chỉ quân hàm chiến sĩ, như trường hợp xuất kích chiến đấu những trận đầu tiên của phi công Phạm Phú Thái, cấp bậc lúc đó vẫn chỉ là Binh nhất.
Chiếc MiG-21 số 4326 với 13 ngôi sao đỏ tượng trưng cho 13 chiến công
Một giả thuyết nữa của Mỹ: Có thể "Đại tá Tomb" là người Nga, là phi công Liên Xô sang chiến đấu giúp Việt Nam? Giả thuyết này sẽ giúp "chữa thẹn" cho nhiều phi công Mỹ, vì với họ thua dưới tay người Nga vẫn đỡ ngượng hơn là những cánh bay Việt Nam non trẻ. Nhưng trong những lần Mỹ thu đối không của ta cũng không có ai nói tiếng Nga.
Trong những lần gặp gỡ giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ sau này, chúng ta đều khẳng định không có ai là "Đại tá Tomb" và các phi công Liên Xô sang Việt Nam chỉ tham gia bay huấn luyện hồi phục cho phi công Việt Nam, không tham gia không chiến.
Trường hợp duy nhất có phi công Liên Xô bay có thể gọi là không chiến, lại là một cuộc không chiến bất ngờ không cân sức giữa một máy bay huấn luyện MiG-21U không mang vũ khí và một tốp F-4 vũ trang đến tận chân răng.
Trong tập 2 cuốn hồi ký Lính bay, Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái viết:
"Vậy thì cứ gọi đây là một trận không chiến và đây là trận không chiến duy nhất trong chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam có mặt người Liên Xô trên buồng lái. Nhưng không phải với tư cách chiến đấu viên mà chỉ là huấn luyện viên kỹ thuật bay.
Chiếc UMiG-21 hoàn toàn bị động và thụ động đối phó với biên đội F-4. Nhưng các phi công Mỹ đã không thể làm gì được chiếc UMiG khi gặp một tay lái sừng sỏ như Đinh Tôn điều khiển.
Chỉ đến khi hết dầu, hai phi công của chiếc UMiG chủ động rời bỏ máy bay thì biên đội F-4 mới bắn rơi chiếc máy bay lúc đó đã là máy bay không người lái".
Trở lại trận không chiến ngày 10/05/1972, sau khi R.Cunningham bắn trúng máy bay của phi công Trà Văn Kiếm, truyền thông Mỹ thông báo ông ta đã hạ được "Đại tá Tomb".
Chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 của KQNDVN trong kháng chiến chống Mỹ
Để củng cố và tuyên truyền thông tin "Đại tá Tomb" đã bị hạ, truyền thông của Mỹ đã vẽ lại bức tranh với máy bay MiG-17 số 3020 bị bắn hạ trong trận không chiến.
Một số hình ảnh được vẽ tả lại trận không chiến kéo dài 3 phút này mà Mỹ đưa ra, chiếc MiG-17 có số hiệu 3020. Thực tế trong trận không chiến đấy, phi công Trà Văn Kiếm bay trên chiếc MiG-17 số 2012 và trong trận không chiến chiều 10/05/1972 không có máy bay MiG-17 nào mang số hiệu 3020 như truyền thông của Mỹ công bố.
Trong các ảnh báo chí của ta thời đấy có chụp chiếc MiG-17 số 3020 với 7 ngôi sao, chiếc MiG-21 số 4326 với 13 ngôi sao (mỗi ngôi sao sơn trên máy bay tương ứng với số máy bay Mỹ bị máy bay này bắn hạ), phía Mỹ cho rằng đây là những chiếc máy bay do "Đại tá Tomb" lái.
Tuy nhiên, trên thực tế: Không quân Việt Nam còn rất nghèo nàn về trang bị, nên không có chuyện một tổ bay có một máy bay riêng như không quân Mỹ. Những chiếc máy bay có nhiều ngôi sao đỏ, là bởi có nhiều phi công KQNDVN điểu khiển và lập công.
Trong khi đó, quân đội Mỹ có nhiều máy bay; vì vậy mỗi máy bay chỉ có một tổ bay điều khiển, sau khi hoàn thành số chuyến bay theo quy định, tổ bay đó được nghỉ phép, chiếc máy bay được chuyển cho tổ bay khác.
Trong buổi tọa đàm giữa các cựu phi công Việt Nam và cựu phi công Mỹ tại Trường Phi công Bay Việt, TP.HCM, cựu phi công Mỹ R.Cunningham đã được gặp Đại tá Nguyễn Văn Thọ, và trận không chiến ngày 10/5/1972 đã được Đại tá Thọ kể lại chi tiết diễn biến.
Sau khi được biết phi công Nguyễn Văn Thọ đã đưa máy bay của mình vào vòng ngắm và bóp cò nhưng hết đạn, ông R.Cunningham rất vui vì thoát chết.
3 phút cuối cùng của trận không chiến giữa phi công R.Cunningham và Col.Tomb (phi công Trà Văn Kiếm) mà truyền thông Mỹ đã dựng lại. Ảnh sưu tầm
Cuộc gặp gỡ với phu nhân Anh hùng Đinh Tôn
Các cựu phi công Việt Nam quyết định chọn nhà Đại tá phi công, Anh hùng LLVTND Đinh Tôn là điểm đến cuối của hành trình đi tìm sự thật về "Đại tá Tomb" của phi công R.Cunningham. Giả thuyết phi công Đinh Tôn chính là "Đại tá Tomb" xuất phát từ sự gần âm của cái tên Đinh Tôn và Tomb.
Chị Diên Hồng, phu nhân Đại tá Đinh Tôn đã niềm nở đón tiếp những vị khách từng một thời không chiến với chồng mình. Cựu phi công huyền thoại của Mỹ R.Cunningham rất xúc động khi xem lại các kỷ vật của anh Tôn và nghe một số kỷ niệm của anh chị.
Nếu ông được nghe chi tiết về chuyện đăng ký kết hôn của anh Đinh Tôn và chị Diên Hồng, có lẽ ông càng cảm phục hơn nữa về các phi công Việt Nam và những bà vợ phi công - hậu phương vững chắc của họ.
Bà Diên Hồng - phu nhân anh hùng Đinh Tôn (bìa trái) tiếp ông Randy Cunningham và các cựu chiến binh KQNDVN tại tư gia. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Trong lễ "hoàn thành đám cưới" sau 50 năm của vợ chồng phi công huyền thoại Bảy - Niên tại Lai Vung, chị Diên Hồng đã góp vui kể một câu chuyện về đăng ký kết hôn thời chiến tranh của anh Đinh Tôn và chị Diên Hồng. Những ký ức như những thước phim đưa người nghe trở về mấy chục năm trước đây.
Vào một ngày thứ Bảy, theo kế hoạch chị Hồng và anh Tôn sẽ lên Ủy ban để đăng ký kết hôn, chuẩn bị cho tuần tới làm đám cưới. Thế nhưng, đúng hôm ấy, anh Đinh Tôn lại có lệnh đột xuất phải ở lại đơn vị trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Vị hôn thê của anh - cô Thiếu úy quân y trẻ đành phải nhờ Thủ trưởng đơn vị của mình đi cùng, nếu họ bắt phải có 2 người cùng ký thì bất đắc dĩ Thủ trưởng phải "mạo" chữ ký để ký thay. Lên đến nơi, Thủ trưởng nói cô cứ vào trước một mình, còn anh ngồi ngoài hành lang, nếu họ gọi thì vào.
Trong phòng đăng ký kết hôn từng cặp đôi chờ đến lượt để vào cùng ký. Đến lượt mình, cô Thiếu úy Diên Hồng đành "đánh liều" một mình thẳng tiến tới bàn làm việc của cán bộ Ủy ban. Chị trình bày thẳng thắn: Anh phi công, chồng tương lai của cô đang trực trên sân bay.
Ông cán bộ ngần ngừ một lúc rồi cho cô Thiếu úy ký trước một mình, còn anh phi công đến thứ Bảy sau phải có mặt để ký. Rồi ông phát cho phiếu mua một số mặt hàng phục vụ đám cưới.
Ông cẩn thận hướng dẫn từng ô phiếu mua hàng cưới, gồm: vải kaki may 1 quần cho chú rể, vải may một áo dài cho cô dâu, 1 chiếc nhẫn cưới, 1 chiếc giường gỗ đôi.
Chị nói vui với ông cán bộ: chú rể chỉ có quần mà không có áo, còn cô dâu thì có áo dài mà không quần và nhẫn cưới chỉ có tiêu chuẩn 1 chiếc… Ông cán bộ chỉ biết cười trừ và khen cô Thiếu úy hóm hỉnh, vui tính: Tiêu chuẩn thế thì phải chịu thôi, ông cũng không quyết được.
Phu nhân phi công Đinh Tôn đã tặng ông Randy Cunningham tranh gạo Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Sau khi ở Ủy ban ra, chị đến cửa hàng để mua các hàng được phân phối trong phiếu mua hàng. Ông Thử trưởng thì vui quá không phải "mạo chữ ký" nên khi về thế nào lại bỏ quên xe đạp ở Vườn hoa Con Cóc, sáng mai mới nhớ, ra đến nơi vẫn còn nguyên, chiếc xe đạp thời đấy có giá trị như một chiếc xe máy loại tốt bây giờ. Nhưng thời chiến mọi người đều sống tốt đẹp, trong sáng, thật thà.
Vải cứ mua để đấy, nhẫn thì chị mua cho anh vì khi yêu nhau anh đã tặng chị 1 chiếc nhẫn rồi. Còn giường thì ưu tiên người khó khăn hơn mua trước, anh chị phải đi 20 lần vẫn chưa mua được.
Ngày cưới, cô dâu chú rể đều là lính nên mặc luôn quân phục. Chưa mua được giường thì mượn trên đơn vị 2 chiếc giường đơn bằng gỗ ghép lại, kẹt nỗi chính giữa giường lại nổi gồ lên do 2 giường đơn ghép vào nhau. Sau này thấy bất tiện, anh chị tìm được 1 cái chõng tre.
Trở lại với hành trình đi tìm "Đại tá Tomb" của ông R. Cunningham. Trước khi ra về, ông R.Cunningham thật sự cảm động khi nhận được món quà rất ý nghĩa từ chị Hồng, đấy là hai bức tranh ghép bằng hạt gạo, vẽ về cảnh làng quê Việt Nam, một dành cho ông và một dành cho người bạn gái của ông.
Sự niềm nở, chân tình, chu đáo của người phụ nữ Việt Nam làm cho ông rất khâm phục và xúc động. Có lẽ ông sẽ còn xúc động và cảm phục hơn nữa nếu biết người phụ nữ cựu chiến binh mảnh mai này, ở tuổi 80 vẫn hàng ngày lặng lẽ, âm thầm đan những chiếc áo len, mũ len để tặng trẻ em nghèo vùng núi chống rét.