Hoảng hồn vì đi tiểu ra máu
Anh Đỗ Văn Quân (sinh năm 1985, quê Hà Đông, Hà Nội) đi khám bệnh vì phát hiện đi tiểu có máu kèm theo. Ban đầu thấy hiện tượng có máu ở nước tiểu, anh còn tưởng mình nhìn nhầm và hơi hoảng hốt.
Anh theo dõi 3 ngày liên tiếp, không phải lần nào đi tiểu cũng có máu nhưng mỗi ngày khoảng 3-4 lần đi tiểu có xuất hiện máu từ đầu bãi tiểu tới cuối. Anh Quân lên mạng tìm hiểu và giật mình khi nó được cảnh báo có thể là dấu hiệu của ung thư.
Đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu ung thư
Anh vẫn không tin nên tự mình đi kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ chẩn đoán anh Quân bị u bàng quang. Qua hình ảnh siêu âm kèm theo chụp CT bác sĩ nghi ngờ ung thư bàng quang.
Sau đó anh Quân mổ cắt u bàng quang qua nội soi. Giải phẫu bệnh chẩn đoán đó là ung thư bàng quang. Anh vô cùng sốc vì mình còn trẻ đã bị ung thư. Anh Quân không hút thuốc nhưng tiền sử nghề nghiệp của mình anh từng làm thợ sơn hơn chục năm nay.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nghề nghiệp tiếp xúc với sơn có thể là tác nhân kích hoạt tế bào ung thư bàng quang.
Hiện anh Quân đang điều trị sục hóa chất hàng tháng và dự kiến phải điều trị cả năm. May mắn, anh Quân chỉ điều trị bằng cách sục hóa chất, không phải điều trị hóa chất toàn thân.
Dấu hiệu của ung thư bàng quang
Theo PGS Trần Đức – khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…).
Tính chung cho tất cả các loại ung thư, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng hàng thứ 4 (nam giới, sau ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng) và đứng hàng thứ 7 (nữ giới). Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.
Theo thống kê của GLOBOCAN, năm 2018, toàn thế giới có 549.000 bệnh nhân ung thư mới, số tử vong do bệnh là 199.900 người.
Ung thư bàng quang hay gặp ở nam giới
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của tác giả Vũ Lê Chuyên (2013), tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2000 trường hợp phát hiện mới ung thư bàng quang, tỷ lệ nam/nữ thay đổi từ 1,2/1 lên 3,5/1.
PGS Đức cho biết, những người có nguy cơ bị ung thư bàng quang đó là những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao gấp 4 lần người không hút; Những tác nhân gây ung thư như: hóa chất amin thơm có trong các nghề nghiệp liên quan hóa chất, thuộc da, sơn, nhuộm… khiến những người làm nghề cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Dấu hiệu của bệnh đó là đi tiểu ra máu, máu có từ đầu đến cuối bãi tiểu, có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ở giai đoạn sớm. Đôi khi khối u trong bàng quang lại được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khoẻ.
Theo nghiên cứu 1.930 bệnh nhân tiểu lẫn máu cho thấy: 60% không có bất thường, ung thư bàng quang 12%, nhiễm trùng đường tiết niệu 13%, bệnh của thận 10%, sỏi tiết niệu 4%, ung thư thận 0,6% và ung thư tiền liệt tuyến 0,4%. Ung thư bàng quang gặp phổ biến hơn ở người già, chỉ có 7 bệnh nhân dưới 40 tuổi với biểu hiện đái máu vi thể.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn đã di căn xa các biểu hiện, các triệu chứng xâm lấn vào các cơ quan lân cận và triệu chứng của các cơ quan bị di căn thường rõ ràng hơn như: đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Để điều trị ung thư bàng quang, nếu giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang nông, việc điều trị cần được tiếp tục sau mổ nội soi từ 2 đến 3 tuần bằng liệu pháp bơm hóa chất chống u tái phát vào trong bàng quang, mỗi tuần 1 lần, liên tiếp trong 6 đến 8 tuần.
Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang xâm lấn cơ bàng quang, phương pháp điều trị tốt nhất là cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới bằng chính ruột non của người bệnh; có thể điều trị hỗ trợ trước hoặc sau mổ bằng truyền hóa chất toàn thân tùy vào thể trạng của người bệnh.