Bệnh nhân cho biết khoảng một năm nay chị xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, khoảng cách giữa các kỳ kinh thất thường và mất hoàn toàn ham muốn tình dục, sợ gần gũi chồng.
Mối quan hệ vợ chồng từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khiến chị lo âu, suy nghĩ nhiều dẫn đến mất ngủ.
Bác sĩ Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm y học giới tính (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết bệnh nhân bị ám ảnh, "sợ yêu", mất ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình và công việc.
Kết quả xét nghiệm nội tiết cho thấy nồng độ FSH của bệnh nhân tăng cao, báo hiệu sắp mãn kinh. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị suy giảm ham muốn tình dục giai đoạn tiền mãn kinh.
Sau khi thăm khám, loại trừ các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp nội tiết, bổ sung estrogen qua đường bôi, giúp tăng bề dày biểu mô âm đạo.
Bác sĩ cũng tư vấn bệnh nhân cần tập thể dục ít nhất 4 buổi/tuần, giải tỏa áp lực căng thẳng và dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, tập yoga, đi dạo… Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm để thúc đẩy nội tiết tố.
Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã có ham muốn tình dục trở lại, không còn tình trạng rối loạn chức năng tình dục.
Bác sĩ Ngọc cho biết rối loạn chức năng tình dục bao gồm giảm ham muốn, giảm hưng phấn, giảm cực khoái, giao hợp đau. Nữ giới có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Ước tính, trong nhóm 45-64 tuổi, cứ 8 người thì một người giảm ham muốn và cứ 15 người thì một người gặp rối loạn hưng phấn và khoái cảm. Phụ nữ sau mãn kinh khoảng 50-65% giảm ham muốn kèm rối loạn hưng phấn, 70% kèm rối loạn cực khoái và đau khi quan hệ tình dục.
Mãn kinh sớm có thể gây ra tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, tăng cân, vô sinh, loãng xương, thậm chí là nguy cơ đột quỵ... Do đó, bác sĩ khuyên nếu phụ nữ gặp tình trạng giảm ham muốn kéo dài từ 3 đến 6 tháng và không tự cải thiện được, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị.