PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, chuyên gia cao cấp Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết mới tiếp nhận một nam bệnh nhân 24 tuổi bị đau rát họng kéo dài, khó nuốt thức ăn, điều trị mãi không khỏi nên muốn cắt amidan.
Trước đó, nam thanh niên đã dùng thuốc kháng sinh và kháng viêm liên tục nhưng không đỡ. Nhiệt độ cơ thể thường xuyên là 37,5 - 38 độ. Nghĩ do amidan có vấn đề nên cậu đi khám với mong muốn được chỉ định cắt amidan.
Tuy nhiên, khi thăm khám các sĩ nhận thấy niêm mạc họng nề, nhưng không đỏ. Vùng họng mũi, khẩu cái mềm và lưỡi gà có những đám tụ máu. Thanh quản nề mọng. Amidan không đỏ, không quá phát, không có giả mạc bám. Xét nghiệm máu thấy số lượng giảm.
Đi cắt amidan, chàng trai trẻ sốc nặng khi biết mình ung thư, (Ảnh minh họa)
Đánh giá lại toàn trạng thấy da bệnh nhân lạnh và trắng, người mệt mỏi, gầy sút nên các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm toàn diện. Kết quả phát hiện có hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) đã gây ra các vùng phù nề một bên là do nhiễm vi khuẩn cơ hội liên quan đến giảm số lượng bạch cầu. Bệnh nhân được xét nghiệm chuyên sâu và chẩn đoán là mắc bệnh bạch cầu cấp – một dạng ung thư máu”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay.“Ban đầu chúng tôi nghĩ đến bệnh nhân bị dị ứng đồ uống gây phù Quincke (hay còn gọi là phù mạch) vùng hạ họng nên cho chỉ định sử dụng chống dị ứng và corticoid. Trong 3 ngày đầu, các biểu hiện đau họng và nuốt vướng của người bệnh giảm, tuy nhiên đến ngày thứ 4 các biểu hiện này lại tăng.
Theo PGS Đào, bạch cầu cấp là một bệnh lý ung thư máu, do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào. Những tế bào ung thư này nhân lên rất nhanh và nếu không được điều trị sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo, liên quan đến suy tủy xương tiến triển. Nhiều bệnh nhân ung thư bạch cầu cấp tính thường gặp các triệu chứng ở miệng-họng.
Biểu hiện của bệnh ung thư máu tại họng theo PGS. TS Bích Đào hay gặp nhất là bệnh nhân dễ bị viêm họng và đáp ứng kém với kháng sinh.
Nguyên nhân là do chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài ví dụ tác nhân vi khuẩn, vì lượng bạch cầu bị giảm sút dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ.
Bệnh bạch cầu mãn tính phổ biến hơn nhiều ở người lớn tuổi. Mặc dù bệnh bạch cầu cấp tính thường được coi là bệnh ung thư ở trẻ em, song bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính thực sự phổ biến hơn nhiều ở người lớn.
Vì nhiều người không gặp phải các triệu chứng hoặc các triệu chứng phát triển trong một thời gian dài nên việc chẩn đoán sớm bệnh bạch cầu là rất hiếm.
Theo PGS. TS Bích Đào, một số dấu hiệu cảnh báo của bệnh bạch cầu bao gồm: Sốt và ớn lạnh; Mệt mỏi và suy nhược chung; Ăn mất ngon.; Đổ mồ hôi đêm; Khó chịu ở bụng; Nhức đầu; Hụt hơi; Nhiễm trùng thường xuyên…
Ngoài ra người bị bạch cầu còn xuất hiện các đỏ nhỏ dưới da; Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp); Giảm bạch cầu (số lượng bạch cầu thấp); Giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu thấp); Sưng hạch bạch huyết; Gan hoặc lá lách to…
ThS.BS Dương Thị Thủy, Bệnh viện Medlatec cho biết thêm hiện nay bệnh ung thư bạch cầu cấp dòng tủy chưa có phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo để hạn chế mắc bệnh, người dân cần tránh tiếp xúc với hóa chất, bức xạ, thuốc lá.
Những người có nguy cơ mắc bệnh như có các bất thường về di truyền (ví dụ: thể tam nhiễm 21; thiếu máu Fanconi; hội chứng Bloom; đột biến gia đình của CEBPA , DDX41 , RUNX1 ) hay các rối loạn về máu từ trước biểu hiện dưới dạng hội chứng rối loạn sản tủy, bạch cầu kinh dòng tủy, đái huyết sắc tố kịch phát về đêm, thiếu máu bất sản nên phát hiện, điều trị và theo dõi định kỳ để phát hiện ung thư bạch cầu cấp.
Đặc biệt, khi phát hiện bệnh, nên tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ để tránh biến chứng bệnh cũng như hạn chế biến chứng do điều trị.