Hen phế quản
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản (thuộc hệ hô hấp) trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào viêm mạn. Bệnh xảy ra do phản ứng co thắt phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp khi được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Cơn hen phế quản đặc trưng bởi các dấu hiệu như khò khè, khó thở (hơi thở ngắn), đau hoặc nặng ngực, hay ho. Các dấu hiệu này xuất hiện đột ngột, thường xảy ra sau một yếu tố kích thích như: gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (như thuốc, thức ăn,...), thay đổi thời tiết, hay nhiễm virus hô hấp.
Những dấu hiệu báo trước một cơn khó thở do hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi... Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng: khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh.
Nếu nhận biết và điều trị kịp thời triệu chứng khó thở sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi và đầu ngón. Tình trạng trên nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm ôxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… và có thể tử vong.
Cơ quan hô hấp chịu nhiều tác động của thời tiết.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng
Trước đây, viêm phổi được xếp làm 2 loại: điển hình (do vi khuẩn) và không điển hình (thường do virus). Ngày nay, người ta hay phân loại viêm phổi thành viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và viêm phổi mắc phải ở bệnh viện.
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng trong mùa đông đáng chú ý nhất là: viêm phổi ở những người không có bệnh tật (tuổi dưới 60), yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là S. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, các virus hô hấp, Chlamydia pneumoniae, H. influenzae...
Viêm phổi ở những người có bệnh (tuổi trên 60), chủ yếu do S.pneumoniae, các virus hô hấp, H. influenzae, trực khuẩn gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác gây bệnh. Viêm phổi ở người cao tuổi khỏe mạnh đã nguy hiểm, viêm phổi ở người cao tuổi có bệnh nền càng nguy hiểm hơn vì khả năng chống đỡ của họ rất kém.
Viêm phế quản cấp
Mầm bệnh gây viêm phế quản cấp mùa đông thường là virus cúm Influenza A và B, hiện nay có thể là virus cúm A/H1N1 và H5N1, các virus Parainfluenza, virus hợp bào hô hấp... Khi bị nhiễm virus, cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp.
Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm (người bệnh có sốt, đau đầu, đau nhức mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Sau đó bệnh nhân xuất hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đờm, nhưng nhiều trường hợp có ho khạc đờm.
Một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có khó thở, hoặc có sốt, thậm chí có đau ngực. Hầu hết những người bị ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh không cần phải gặp bác sĩ. Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ điều gì sau đây:
Ho không cải thiện sau 7 ngày hoặc kéo dài hơn 20 ngày. Ho nặng hơn, kèm theo sốt mới, đờm đổi màu mới (có thể là dấu hiệu của viêm phổi đang phát triển). Đau ngực khi ho, khó thở hoặc ho ra máu. Ho kèm theo giảm cân không giải thích được. Ho trên bệnh nền tim, phổi mạn tính. Ho dai dẳng ở người trên 75 tuổi. Sốt dai dẳng hoặc sốt mới.
Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều xoang, bao gồm: xoang hàm, xoang sàng và xoang trán. Nguyên nhân có thể do trẻ nhiễm virus đường hô hấp trên, dị ứng hoặc nhiễm nấm.
Viêm xoang dễ nhận biết qua các dấu hiệu như ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi nhiều, nước mũi ban đầu trong, chuyển sang trắng đục, màu xanh hoặc vàng ngà, đau ở hốc mắt...
Cách phòng ngừa
Cần vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ. Khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh.
Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng, vi khuẩn trôi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh.
Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá. Nên tiêm vacxin phòng cúm hàng năm. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.