Theo tư vẫn của bác sỹ Nguyễn Quang Trung (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) trên VnExpress , nguyên nhân phổ biến gây cơn đau thắt ngực là các bệnh lý tại tim, mạch, phổi, dạ dày - ruột, cơ - xương, ngoài ra còn có nguyên nhân tâm lý.
Trong số bệnh nhân vào viện cấp cứu vì đau ngực, chỉ ít người có các vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Cơn đau thắt ngực liên quan tới nhồi máu cơ tim sẽ có những đặc điểm gợi ý điển hình. Bạn cần đi khám ngay nếu có các biểu hiện sau:
- Đau từ ngực lan sang cả hai tay hay hai vai.
- Đau ngực lan sang tay phải hoặc trái hay vai.
- Đau ngực do gắng sức.
- Đau ngực kèm thở nhanh, buồn nôn hay vã mồ hôi, những lần đau sau nặng hơn lần trước.
Người có dấu hiệu đau ngực lan sang tay phải hay vai có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao nhất trong các trường hợp trên, gấp 4,7 lần so với bình thường.
Đau thắt ngực là thuật ngữ dùng để chỉ cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, xảy ra khi khả năng cung cấp máu của động mạch vành không đủ để nuôi tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này làm hẹp động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt là khi gắng sức.
Khi cơn đau thắt ngực xuất hiện, bạn sẽ cảm giác như đang có một áp lực rất lớn đè ép lên vùng ngực, đặc biệt là vùng ngực trái và sau xương ức, thời gian đau kéo dài từ vài phút đến vài giây. Thậm chí, cơn đau có thể lan ra cổ, hàm, vai, cánh tay hoặc vùng lưng.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Critical Care (Mỹ), nam giới thường xuất hiện các triệu chứng đau thắt ngực nặng hơn phụ nữ và mức độ tăng lên khi gắng sức. Đáng lo ngại, nhiều phụ nữ bị bệnh đã mô tả triệu chứng chỉ là khó chịu ở ngực, cổ hoặc lưng – đây là những dấu hiệu rất dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.
Đặc biệt, nếu cơn đau thắt ngực kéo dài trên 20 phút thì khả năng người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim. Đây là trường hợp cấp cứu, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để xử trí kịp thời.
Khi các triệu chứng đau thắt ngực xuất hiện, bạn cần dừng lại, ngồi xuống ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và nghỉ ngơi. Tiếp đó, hãy dùng các thuốc chống đau thắt ngực như nitrogLycerin nếu trước đó đã được bác sỹ kê đơn.
Bạn cần gọi ngay cấp cứu khi xuất hiện các trường hợp dưới đây:
- Cơn đau ngực mới xuất hiện hoặc mức độ nặng.
- Xảy ra đi kèm với triệu chứng khó thở.
- Kéo dài hơn vài phút.
- Đau ngực nặng hơn khi đi bộ, leo cầu thang, hoặc những hoạt động gắng sức khác
- Cơn đau ngực làm bạn sợ hãi hoặc lo lắng.