Nhận định trên do tờ Telegraph của Anh đưa ra. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến sự không tương đồng trong hiệu quả chi tiêu giữa quân đội Nga và quân đội Anh là do giá thành nhân công và sản xuất ở Nga rẻ hơn ở Anh và điều này giúp Nga chi nhiều tiền hơn cho các công tác hiện đại hóa và đầu tư cho quân đội.
Trong bối cảnh Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Anh Nick Carter mới đưa ra các cảnh báo về việc ngân sách quốc phòng Anh không đủ để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa xuất phát từ Nga, tờ The Telegraph đã tiến hành so sánh chi tiêu quân sự của Anh và Nga, cũng như cách thức hai quốc gia này phân bổ ngân sách quân sự.
“Trong bối cảnh chi phí quân sự của hai quốc gia này gần như là tương đồng nhau, quy mô quân đội Anh và Nga rõ ràng là rất khác nhau”- tờ Telegraph nhấn mạnh. Theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ngân sách quân sự của Nga trong năm 2016 là 46,6 tỷ USD, còn của Anh là 52,5 tỷ USD.
Dù chi phí quân sự của Anh cao hơn nhưng quân số của quân đội Anh thấp hơn quân số của quân đội Nga (152 nghìn quân so với 831 nghìn quân). Liên quan đến số lượng kỹ thuật quân sự, quân đội Nga sở hữu khoảng 270 nghìn đơn vị vũ khí, còn của Anh là khoảng 82 nghìn đơn vị. Nga có 2.700 xe tăng và 4.900 xe bộ binh bọc thép, của Anh tương ứng chỉ là 227 và 623.
“Giới lãnh đạo quân sự Anh tuyên bố rằng chất lượng của phần lớn trang thiết bị vũ khí trong quân đội Nga không thể so sánh với vũ khí của quân đội Anh và rằng Anh chỉ quan tâm đến sức mạnh tầm cỡ quốc tế chứ không quan tâm đến số lượng.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc vượt trội về số lượng cũng tạo cho quân đội Nga nhiều lợi thế, trong khi chất lượng vũ khí Nga đang ngày càng được cải thiện”- tờ Telegraph phân tích.
Do đó, ngân sách quân sự của Điện Kremlin cho phép Nga tiến hành hiện đại hóa quân đội ở quy mô sâu rộng, trong khi chính giới lãnh đạo quân sự Anh thừa nhận rằng Quân đội Anh đang lạc hậu khoảng 20 năm.
Theo cộng sự của Viện Nghiên cứu Quân sự Thống nhất của Anh Igor Sutiagin, nguyên nhân của chênh lệch giữa các con số so sánh giữa quân đội Nga và quân đội Anh có thể là do các con số về ngân sách quân sự của Nga là không chính xác.
Bộ máy quân sự của Nga chủ yếu được tài trợ bởi các cơ quan dân sự chứ không phải quân sự: trong các lĩnh vực như phòng thủ dân sự, lương hưu và trợ giúp cựu chiến binh, việc cung cấp tài chính được thực hiện bởi các bộ ngành khác.
“Quy mô thực sự của các chi phí quân sự Nga có thể cao hơn ngân sách quốc phòng từ 30-50%”- chuyên gia Igor Sutiagin nhận định.
Nguyên nhân thứ hai là do giá thành nhân công và sản xuất ở Nga là khá thấp. Thêm vào đó, việc mua sắm vũ khí chủ yếu do Bộ Quốc phòng Nga thực hiện.
"Có ý kiến cho rằng các công ty tư nhân không thể đảm nhiệm các công việc quốc phòng vì không đảm bảo tinh thần trách nhiệm và sự tin cậy”. Do đó, theo Telegraph, Nga không trả tiền cho các loại vũ khí theo giá thị trường.
“Theo quan điểm của phía Nga, việc chi trả 3 tỷ USD để mua tàu là điều bất thường. Tàu nào có thể có giá thành đó?”- chuyên gia đặt câu hỏi.
Một chuyên gia khác là Fenella Macgerty của Trung tâm Jane's Defence Budgets lại cho rằng, giá thành nhân công và sản xuất rẻ cho thấy Nga có thể chi tiêu đến 30% ngân sách quân sự cho mua sắm vũ khí, còn con số này của Anh chỉ có thể là 17%.
Điều này có nghĩa là nếu như Anh giành phần lớn chi tiêu quân sự để chi tiêu cho duy trì hoạt động của nhân viên, cho các chiến dịch và nhu cầu khác thì Nga có thể chi phần lớn kinh phí cho hiện đại hóa và đầu tư vào quân đội.
Theo Telegraph, đây là những khác biệt đáng kể khiến chi phí cho quân đội của Nga hiệu quả hơn của Anh.