Dấu hiệu cảnh báo có cục máu đông trong cơ thể: Ai là người cần lưu ý?

Lam Chi |

Dưới đây là nguyên nhân hình thành cục máu đông, những biểu hiện và đối tượng dễ mắc.

Shutterstock

Shutterstock

Khi bạn bị chảy máu, quá trình đông máu sẽ giúp cầm máu lại. Đông máu là tình trạng xảy ra khi tiểu cầu (một loại tế bào máu) và protein trong huyết tương (chất lỏng của máu) kết hợp với nhau và tạo thành cục máu đông trên vết thương và sẽ biến mất khi vết thương đã lành.

Tuy nhiên, khi cục máu đông hình thành trong mạch máu có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch hoặc động mạch và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cục máu đông làm tắc nghẽn tĩnh mạch sâu trong cơ thể gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis - DVT). Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể hình thành trong bất kỳ tĩnh mạch sâu nào nhưng phổ biến nhất ở cẳng chân, đùi, xương chậu hoặc cánh tay.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 900.000 người dân quốc gia này bị huyết khối tĩnh mạch sâu mỗi năm. Đây là tình trạng có thể gặp ở bất cứ ai, không chỉ riêng ở người già hoặc những người đang có sẵn các bệnh lý nặng.

“Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra cả ở những bệnh nhân trẻ tuổi, những người không có vấn đề sức khỏe rõ ràng”, tiến sĩ Vincent Varghese, bác sĩ tim mạch của Trung tâm Tim và Phổi Deborah (New Jersey, Hoa Kỳ), cho hay.

“Do đó, điều quan trọng là mỗi người cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cũng như nhận biết dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm”, vị tiến sĩ cho biết thêm.

Cục máu đông hình thành thế nào?

Tiến sĩ K. Francis Lee, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Tĩnh mạch Nâng cao tại Springfield, Massachusetts, cho biết cơ thể con người luôn điều chỉnh sự cân bằng giữa quá trình thúc đẩy cục máu đông (hình thành huyết khối) và phá vỡ chúng (làm tan huyết khối). “Cơ thể sẽ điều chỉnh 2 vấn đề này để đáp ứng với tình trạng phát sinh”, tiến sĩ Lee nói.

Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ có thể phá vỡ sự cân bằng nội môi này. “Các yếu tố nguy cơ có thể là các sự kiện ‘kích hoạt’ thường gặp như chấn thương (gãy xương), phẫu thuật, ít vận động trong thời gian dài, nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc ung thư”, tiến sĩ Lee nói.

Hệ thống tĩnh mạch được coi là hệ thống dòng chảy thụ động với áp suất thấp - các cơ ở chân và tay chủ động bơm máu qua hệ thống tĩnh mạch quay trở về tim và phổi. Tiến sĩ Varghese cho biết: “Khi một người không thể di chuyển (chẳng hạn như sau một cuộc phẫu thuật lớn), các cơ ở chân và tay sẽ không vận động đủ để bơm máu một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến lưu lượng máu bị chậm lại và có thể hình thành cục máu đông”.

Máu đặc lại xung quanh các vật chất không thuộc về tĩnh mạch - vì vậy những thứ như mảnh vụn mô, collagen hoặc chất béo được giải phóng vào hệ thống máu sau chấn thương hoặc phẫu thuật cũng có thể khiến máu đông lại. Theo Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ, tổn thương thành tĩnh mạch có thể giải phóng các chất tự nhiên thúc đẩy quá trình đông máu.

“Cũng có một phản ứng viêm tổng thể có thể kích hoạt dòng chảy đông máu và dẫn đến sự phát triển của cục máu đông,” tiến sĩ David Nation, bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại Texas nói.

Một số loại thuốc (thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone) và các bệnh (suy tim, bệnh thận, ung thư) có thể dẫn đến tình trạng máu đặc lại do nhiều cơ chế khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngoài ra còn có hàng loạt các nguyên nhân di truyền có thể tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, từ đó gây ra đau tim hoặc đột quỵ ở những bệnh nhân rất ít tuổi.

Tiến sĩ Lee nói: “Nếu trong gia đình có người ở độ tuổi từ 20 - 40 bị đột quỵ, đau tim hoặc sảy thai liên tiếp, hãy cẩn trọng với yếu tố di truyền và nên đi kiểm tra để phát hiện sớm huyết khối tĩnh mạch sâu”.

COVID-19 có thể gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Dấu hiệu cảnh báo có cục máu đông trong cơ thể: Ai là người cần lưu ý? - Ảnh 1.

Ảnh: The Star

Cho tới nay, cơ chế vì sao COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu vẫn chưa được hiểu đầy đủ, tuy nhiên có một vài giả thuyết.

Tiến sĩ Nation nói: “Virus tạo ra trạng thái viêm, có thể dẫn đến đông máu một cách dễ dàng. Virus cũng có thể gây ra tổn thương nội mô trực tiếp ở phổi - tổn thương các tế bào lót bề mặt bên trong mạch máu - giải phóng các tín hiệu vào dòng máu để kích thích sự hình thành cục máu đông”.

Có giả thuyết cho rằng virus có thể kích hoạt trực tiếp sự đông máu thông qua các tương tác trong dòng máu. Huyết khối tĩnh mạch sâu thường phổ biến hơn ở bệnh nhân COVID-19 nặng và ít phổ biến ở những trường hợp nhẹ. Tiếp đó, việc nằm bất động trong hàng tuần tại phòng chăm sóc đặc biệt có thể khiến lưu lượng máu chảy chậm hơn và kết quả là tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

“Những người bị hoặc đang phục hồi COVID-19 cần chú ý tới nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, đồng thời biết về các triệu chứng, cách khắc phục, chủ yếu bằng thuốc chống đông máu” tiến sĩ Lee nói.

Thuốc kháng đông dự phòng thích hợp cho hầu hết các trường hợp, trừ những người có chống chỉ định với loại thuốc này.

Tiến sĩ Lee cho biết thêm: “Chỉ định cụ thể, loại và liều lượng sử dụng thuốc chống đông máu cần được kê bởi bác sĩ điều trị của bạn”.

Đối với những người mắc COVID-19 nhưng tự điều trị tại nhà với các biểu hiện nhẹ, tiến sĩ Lee cho rằng không cần dùng thuốc chống đông máu. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của huyết khối tĩnh mạch sâu - mới phẫu thuật, chấn thương, nằm bất động lâu do bệnh nặng, tiền sử gia đình - bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc dự phòng chống đông máu.

Phòng tránh hình thành cục máu đông

Cho bạn đang ở trạng thái sức khỏe bình thường hay đang hồi phục sau chấn thương thể chất, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng, cách tốt nhất để tránh bị huyết khối tĩnh mạch sâu là loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của bệnh.

Biết các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm sưng, đau ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc cánh tay. Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm khó chịu ở hông, đùi hoặc lưng, đánh trống ngực không rõ nguyên nhân, sốt, chóng mặt, ho ra máu hoặc mệt mỏi và khó chịu.

Tiến sĩ Lee nói: “Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về việc hình thành cục máu đông nguy hiểm. Nhận biết dấu hiệu càng sớm để từ đó có cách ứng phó kịp thời sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh”.

Tập thể dục thường xuyên

Dấu hiệu cảnh báo có cục máu đông trong cơ thể: Ai là người cần lưu ý? - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và là một trong những điều quan trọng nhất mà bất cứ ai có thể làm để ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch sâu. Có rất nhiều bài tập mà bạn có thể áp dụng, kể cả bạn là một người bận rộn hoặc phải ngồi làm việc thường xuyên, như đi dạo quanh nơi làm việc, đặt bàn chân xuống mặt sàn và nhấc các ngón chân lên không trung và giữ im trong vòng 3 giây - điều này có thể cải thiện tuần hoàn tốt hơn.

Hãy lưu ý đến các loại thuốc

Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai và hóa trị, có thể làm tăng nguy cơ đông máu. Tiến sĩ Lee nói: “Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các lựa chọn chống đông máu dự phòng, và dùng thuốc đúng theo chỉ định để tối đa hóa hiệu quả”.

Không hút thuốc lá

Thuốc lá làm hạn chế lưu lượng máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, để phòng tránh hình thành cục máu đông, ngoài các biện pháp ở trên, mỗi người nên uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Mất nước có thể tăng nguy cơ đông máu. Thêm vào đó, mọi người nên giữ cân nặng ở mức độ vừa phải, hạn chế rượu bia và các chất kích thích.

Nguồn Huffpost, NHS

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại