Viện Sức khỏe Tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị rối loạn dạng cơ thể điển hình. Trước đó, bệnh nhân than phiền có rất nhiều triệu chứng về tiêu hoá, trong đó có đau dạ dày.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết bệnh nhân T.M.H (54 tuổi, Bắc Giang) thường xuyên than phiền bị nóng rát vùng thượng vị, ngực và bị hồi hộp.
Bệnh nhân H đang sống cùng chồng con, gia đình hòa thuận, chồng bệnh nhân hiền lành, các con đều ngoan ngoãn. 2 con đầu của bệnh nhân đã đi làm, con út đang học đại học.
Bác sĩ Vân Anh cho biết, khi khai thác sâu bệnh nhân H có chia sẻ rằng chị không hợp với gia đình bên chồng. Bệnh nhân thường xuyên có mâu thuẫn căng thẳng với mẹ chồng kể cả về những việc nhỏ nhặt. Trong khi đó, chồng bệnh nhân thường không bênh vực và không bảo vệ vợ trước bố mẹ đẻ của mình. Gia đình bệnh nhân hiện đã ở riêng, không sống chung với mẹ chồng, nhưng thỉnh thoảng giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn có mâu thuẫn.
Khoảng 2 năm nay, bệnh nhân bắt đầu ngủ kém, hay trằn trọc, khó vào giấc, ngủ không sâu, thường thức dậy sớm vào khoảng 4h sáng và không thể ngủ lại được.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện nóng rát vùng thượng vị, có lúc cảm giác nóng rát lan cả bụng, lan ra sau lưng, kèm theo đau tức vùng thượng vị, cảm giác thức ăn trào ngược lên họng. Bệnh nhân thường đau hơn khi ăn uống. Bệnh nhân đi đại tiện nhiều lần trong ngày, ăn vào hay mót rặn và đi đại tiện. Có ngày bệnh nhân đi đại tiện 5-7 lần, phân có lúc lỏng, lúc sệt. Chính vì thế, bệnh nhân sợ ăn uống, ăn ít hơn và sút khoảng 7kg/6 tháng.
Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tỉnh, được nội soi dạ dày thực quản, được chẩn đoán viêm dạ dày- trào ngược thực quản và kê thuốc về uống. Lúc đầu bệnh nhân có đỡ, cảm giác dễ chịu hơn, nhưng sau nửa tháng, bệnh nhân lại có cảm giác nóng rát, mót đại tiện như trên, có lúc các biểu hiện cảm giác nặng hơn.
Bệnh nhân đã đi khám ở một số bệnh viện khác, được nội soi dạ dày nhiều lần và đều được kết luận viêm dạ dày. Bệnh nhân điều trị theo hướng bệnh tiêu hóa nhưng sau đó bệnh lại tái phát.
Lo lắng mắc ung thư, bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện khác, kết quả nội soi không có u tại dạ dày, nhưng các biểu hiện của bệnh nhân không thuyên giảm. Bệnh nhân không đi làm được, cảm giác không thoải mái, thường xuyên lo lắng, suy nghĩ về bệnh, cảm giác chán nản, không hứng thú giao tiếp với mọi người, không hứng thú đi chơi.
Bệnh nhân có lúc cảm giác bốc hoả, nóng bừng mặt, dễ cáu gắt. Ban đêm, bệnh nhân ngủ kém, khó vào giấc. Bệnh nhân lên giường lúc 10 giờ tối nhưng gần 1 giờ sáng mới ngủ được, ngủ không sâu, đến khoảng 3-4 giờ sáng, bệnh nhân thức dậy hẳn.
Bệnh nhân được bác sĩ khoa tiêu hóa giới thiệu khám chuyên khoa tâm thần và được chẩn đoán rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Bệnh nhân đi khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần và được chẩn đoán theo dõi rối loạn dạng cơ thể, chỉ định nhập viện điều trị nội trú.
Bệnh nhân được điều trị 4 tháng, thấy các triệu chứng đã hết, bệnh nhân tự ý dừng thuốc. Khoảng 2 tuần nay, thấy các triệu chứng cũ lại xuất hiện, bệnh nhân mới đi tái khám.
Dấu hiệu rối loạn dạng cơ thể
TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, rối loạn dạng cơ thể là một bệnh lý rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc cao. Bệnh nhân có những biểu biện bệnh trên cơ thể tái diễn dai dẳng, mặc dù kết quả âm tính nhiều lần và thầy thuốc đảm bảo rằng các triệu chứng này không có cơ sở bệnh cơ thể, tuy nhiên bệnh nhân vẫn đi khám xét nhiều nơi.
Ví dụ, bệnh nhân có biểu hiện giống bệnh lý về tim nhưng thăm khám tim không sao. Hoặc bệnh nhân có triệu chứng giống bệnh về tiêu hóa nhưng đi khám không ra bệnh. Điều này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu.
"Có bệnh nhân đi khám được bác sĩ báo cơ thể không có tổn thương thì càng thấy đau khổ, cho rằng mình mắc bệnh nan y, mắc bệnh khó chữa nhưng bác sĩ không phát hiện được", bác sĩ Tâm nói.
Theo bác sĩ Tâm, rối loạn dạng cơ thể nguyên nhân phổ biến là do stress, thường chỉ là những stress thông thường trong đời sống xã hội và trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh thường gặp ở những người có nhân cách cầu toàn, chi li và thường phức tạp mọi vấn đề. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất phong phú, xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể.
Bác sĩ Tâm cho biết có những tiêu chuẩn nhất định để nhận dạng rối loạn dạng cơ thể, đó là:
- Có ít nhất hai năm xuất hiện nhiều loại triệu chứng và thay đổi trên cơ thể mà không tìm thấy một giải thích thỏa đáng.
- Liên tục từ chối chấp nhận lời khuyên hoặc lời trấn an của bác sĩ rằng không có bệnh về mặt cơ thể.
- Luôn có xu hướng đi bệnh viện để giải quyết hết những khó chịu của mình. Chính vì thế, người bệnh thường đi khám xét và chạy chữa khắp nơi.
Theo bác sĩ Tâm, các liệu pháp tâm lý là cách điều trị quan trọng nhất đối với bệnh rối loạn dạng cơ thể. Bệnh nhân cần có chỉ định, theo dõi và giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính. Lúc đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Việc phát hiện bệnh muộn có thể gây tốn kém về kinh tế khi bệnh nhân đi khám nhiều chuyên khoa. Thậm chí, bệnh nhân còn có thể bị lo âu, trầm cảm. Bác sĩ Tâm cho rằng, để phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể, việc quản lý stress là điều quan trọng nhất.