Dấu ấn nổi bật trong điều tra xử lí tội phạm năm 2019

Nguyễn Thành |

Trong kết quả chung về đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân năm 2019, có thể đánh giá những dấu ấn nổi bật trong việc điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm ma túy và tội phạm “tín dụng đen”.

Vụ đưa, nhận hối lộ triệu USD: Dấu ấn điều tra án tham nhũng

Thời gian qua, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, trong đó có các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đến nay, đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc, khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án, kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án /98 bị can, xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo.

Đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đang tập trung điều tra làm rõ để xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.

Đó là vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), quận 1, TP Hồ Chí Minh, liên quan đến dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng...

Từ thực tiễn khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án lớn rút ra nhiều kinh nghiệm quý và tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, không có vùng cấm, được nhân dân đồng tình, ghi nhận, ủng hộ rất cao.

Đặc biệt, qua việc điều tra, truy tố, xét xử vụ đại án xảy ra tại MobiFone và AVG cho thấy dấu ấn đặc biệt của hiệu quả điều tra. Với số tiền đưa và nhận hối lộ lên hàng triệu USD, nó thực sự lập kỷ lục, dấu mốc trong ngành tố tụng.

Nhà nước ta coi tội tham ô, nhận hối lộ là hai tội danh nặng nhất trong nhóm tội về tham nhũng. Bộ luật Hình sự từ năm 1986 đã quy định hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ.

Tuy nhiên, có thực tế là trong suốt mấy chục năm thi hành pháp luật hình sự, tử hình về tham ô thì đã có nhưng tử hình về tội nhận hối lộ thì chưa bao giờ có.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về tội phạm tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, yêu cầu số một mà Trung ương đặt ra là phải thu hồi tài sản, hai là phát hiện hành vi tham nhũng.

Tham nhũng thường lẩn vào quản lý kinh tế, vi phạm về quản lý kinh tế thì mới có hành vi tham nhũng được. Do đó, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế thường gắn với nhau.

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, trong các vụ án tham nhũng thường rất khó điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ. “Tham ô dễ làm bởi còn có sổ sách, các đối tượng lấy tiền để chia nhau. Nhưng, việc đưa hối lộ và nhận hối lộ rất khó điều tra.

Báo chí đưa tin kết thúc điều tra vụ MobiFone/AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới điều tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền, chỉ có người đưa, người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó...

Đây là yêu cầu mà tới đây trong công tác điều tra chúng tôi sẽ cố gắng” - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay.

Cùng nói về vấn đề này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu từ lời khai nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ triệu đô như vậy là không đơn giản.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, chất lượng điều tra án tham nhũng đang có nhiều khởi sắc.

Bằng chứng là trong vụ đại án xảy ra tại MobiFone, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã phải thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD...

Kết quả này là chưa từng có trong điều tra các vụ án tham nhũng. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ông mong có sự chia sẻ động viên vì “án tham nhũng khó hơn cả án ma túy”.

Thực tiễn đó cho thấy, việc điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan tới nhiều trường hợp là cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là con số rất lớn so với nhiều khóa gần đây.

Xóa các đường dây tội phạm ma túy lớn

Năm 2019, lực lượng Công an nhân dân phối hợp các lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây ma túy, mua bán, vận chuyển với số lượng rất lớn.

Theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh, quy mô lớn, tính chất phức tạp.

Gần đây đã xuất hiện những thủ đoạn mới như đối tượng người nước ngoài thành lập doanh nghiệp để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức sản xuất, vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam rồi đi nước thứ ba.

Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, tình trạng thanh thiếu niên xài ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke, khu căn hộ quản lý khép kín... diễn ra phức tạp, phát hiện nhiều dạng ma túy mới (toàn quốc hiện có trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý).

Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của tội phạm ma túy, Bộ Công an xác định “tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm khác”, do đó, đã tập trung lực lượng, biện pháp để đấu tranh triệt xóa, đặc biệt là đấu tranh bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm ma túy lớn, bắt giữ những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Mục tiêu đặt ra là, không để Việt Nam trở thành một địa bàn tiêu thụ, trung chuyển, vận chuyển, sản xuất ma túy. Các mục tiêu đó đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Dấu ấn nổi bật trong điều tra xử lí tội phạm năm 2019 - Ảnh 1.
Dấu ấn nổi bật trong điều tra xử lí tội phạm năm 2019 - Ảnh 2.

Tang vật các vụ vận chuyển ma túy bị triệt phá.

Trấn áp tội phạm núp bóng “tín dụng đen”

Đấu tranh loại bỏ hoạt động “tín dụng đen” là điểm nhấn trong việc ra quân thiết lập lại trật tự xã hội, gắn việc xóa bỏ các băng, ổ nhóm hình sự.

Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn ra phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh loại tội phạm này và đạt được những kết quả tích cực.

Các hoạt động “tín dụng đen” truyền thống như núp dưới vỏ bọc các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, cơ sở cho thuê xe tự lái... đã giảm về mức độ hoạt động, không còn công khai, trắng trợn như trước.

Tuy nhiên, biến tướng của “tín dụng đen” qua mạng internet, các đối tượng lợi dụng nền tảng công nghệ như thông qua các trang mạng, các ứng dụng điện thoại, tin nhắn quảng cáo, mạng xã hội... để tiếp thị, quảng cáo với những thông tin không đầy đủ nhằm gài bẫy người dân, lấy lãi suất rất cao.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay ngang hàng theo hướng siết chặt quản lý, đưa loại hình này vào danh sách các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm ngăn chặn hoạt động biến tướng, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro.

Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với những ngành nghề kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến “tín dụng đen”.

Về phía Bộ Công an, đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt. Kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng xét xử Điều 201 Bộ luật Hình sự nhằm thống nhất quan điểm xử lý đối với tội phạm này.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được đẩy mạnh.

"Mới gần đây thôi, tết đến nơi rồi, vừa mới xử mấy vụ và bổ sung thêm mấy vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.

Và còn tiếp tục xử lý. Vụ AVG vừa rồi là điển hình nói lên rất nhiều điều, ngoài xử lý số lượng nhiều thì còn cán bộ cao cấp, 2 Ủy viên Trung ương, 2 cựu Bộ trưởng, ra trước tòa thái độ ăn năn, hối lỗi...

Chưa bao giờ chúng ta xử được tội nhận hối lộ, chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, việc xử lý nghiêm các vụ án có tính răn đe, cảnh tỉnh lớn và nhiều vụ đang còn làm tiếp.

"Tất cả các bị cáo lúc đầu thì cãi, cho là thế nọ thế kia, xuyên tạc đánh đấm, đấu đá nội bộ... song sau đó đều tâm phục khẩu phục..." - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viện dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại