Lật tẩy thủ đoạn, chiêu trò của tội phạm "tín dụng đen"

Nhóm PV Nội chính |

Số vụ vi phạm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” giảm rõ từng tháng, hàng năm, đồng nghĩa với việc niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật được củng cố. Hàng chục chuyên án với hàng trăm đối tượng đòi nợ thuê, cho vay tài chính đã bị Công an Hà Nội xử lý trong 3 năm qua.

Những chuyên án bóc gỡ tội phạm “tín dụng đen” điển hình

Trong nhiều những chuyên án bóc gỡ tội phạm “tín dụng đen” mà Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội thực hiện thành công, Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng và các đồng đội tâm đắc nhất với chuyên án triệt phá ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp do Triệu Đình Hoan (SN 1979; trú tại B42 Tt11, KĐT Văn Quán, phường Văn Quán, Hà Đông; 1 tiền án) cầm đầu.

Triệu Đình Hoan cùng một số đối tượng thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Linh (địa chỉ đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông), đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy tính, hoạt động cấp tín dụng…

Thực chất, Công ty Hải Linh thường xuyên cho vay nặng lãi với tỷ lệ lãi suất là 2.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày. Và khi trinh sát Phòng Cảnh sát Hình sự vào cuộc, tiến hành biện pháp nghiệp vụ, xác định các đối tượng đã tổ chức cho nhiều người vay nặng lãi với tổng số tiền lên đến 1.600 tỷ đồng.

Các khách hàng muốn vay tiền đều do Hoan trực tiếp “thẩm định” bằng cách xem tài sản, hoặc thế chấp những giấy tờ có giá trị của doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô tô...

Nếu khách hàng có đủ năng lực tài chính thì Hoan sẽ đồng ý cho vay. Khách vay chỉ cần ghi thông tin cá nhân trong giấy tờ do Hoan soạn sẵn, nhưng không ghi tiền lãi suất trên giấy và thống nhất cứ 10 ngày phải đóng lãi/lần.

Nếu khách không trả đúng kỳ hạn, Hoan sẽ cộng số tiền lãi vào tiền gốc và tiếp tục tính lãi. Khi khách không trả tiền lãi hoặc gốc, các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện liên tục để đòi nợ. Cùng với đó, nhóm này sẽ đến tận nơi ở, chỗ làm việc để thúc ép bắt buộc người vay phải trả lãi.

Tháng 1-2019, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can trong ổ nhóm trên về tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ hơn 11 tỷ đồng, 3 xe ô tô Mecerdes và nhiều tang vật liên quan.

Khác với vỏ bọc kín đáo của Triệu Đình Hoan, Đỗ Văn Quang (tức Quang “rambo”, SN 1984, HKTT tại tổ 20 Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), lại chịu sự trừng phạt của pháp luật do tính hống hách, thích “oai”… trên mạng xã hội.

Trước khi bị lực lượng đặc biệt của Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội bắt giữ, Quang “răm bô” quy tụ nhiều đàn em từ tỉnh ngoài về hoạt động cho vay lãi nặng và nhận đòi nợ thuê.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 231:

- 1.004: Vụ việc phát hiện có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”;

- 7.000: Lượt tổ chức tổng kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ;

- 600: Xử lý trường hợp vi phạm;

- 1, 2 tỷ đồng: Tổng số tiền xử phạt hành chính.

Đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook đăng các hình ảnh xăm trổ, đầu trọc, đeo kính đen, dây chuyền… để khuyếch trương thanh thế.

Những hình ảnh, clip cùng hoạt động có dấu hiệu phạm tội của Quang “răm bô” từng tác động tiêu cực đến một bộ phận người trẻ. Và tất yếu, đối tượng “anh chị” này không thể cứ mãi nhởn nhơ, thách thức.

Đầu năm 2019, Quang cấu kết với Nguyễn Đức Nhân (SN 1986, HKTT tại tổ 6 Giang Biên, quận Long Biên), cũng là “dân” lưu manh, mở hiệu cầm đồ cho vay nặng lãi, tổ chức đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản.

Tháng 4-2019, Nhân nhận hợp đồng đòi nợ 1,1 tỷ đồng. Không phải suy nghĩ lâu, Nhân cùng Quang “răm bô” và một số đối tượng tìm gặp “con nợ” chửi bới, đe dọa và sử dụng điện thoại gọi điện, nhắn tin, cho đàn em theo dõi, khủng bố tinh thần…

Không chịu được sức ép kinh khủng ấy, “con nợ” đã phải xin trả trước 200 triệu đồng. Quá trình này, Quang “răm bộ” đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Những con số biết nói

Hoạt động cầm đồ và kinh doanh tài chính là những ngành nghề, lĩnh vực được pháp luật cho phép, nhưng, mọi tổ chức, cá nhân phải nắm vững và tuân thủ quy định đề ra.

Hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ những dịch vụ kinh doanh có điều kiện này, cũng chính là tiền đề để đảm bảo phòng ngừa sự ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Kế hoạch 231 của Công an Hà Nội đặt ra một trong những tiêu chí đó.

Và theo thống kê, tháng 9-2016, toàn thành phố có 2.391 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Trong đó, có 1.549 cơ sở cầm đồ (1432 cơ sở có phép, 117 cơ sở không phép); 842 cơ sở kinh doanh tài chính (182 cơ sở có phép, 660 cơ sở không phép).

Sau 3 năm triển khai Kế hoạch 231, đến tháng 8-2019, trên địa bàn thành phố có 1.581 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, gồm 980 cơ sở cầm đồ (956 cơ sở có phép, 24 cơ sở không phép) và 601 cơ sở kinh doanh tài chính (241 cơ sở có phép, 360 cơ sở không phép).

So với thời điểm trước khi triển khai Kế hoạch 231, tổng số cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn giảm 810 cơ sở = 33,8% (giảm 569 cơ sở cầm đồ = 36,7% và giảm 241 cơ sở kinh doanh tài chính = 28,6%)...

Có nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng được đúc rút qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 231.

Đó là công tác điều tra cơ bản phải được đặt lên hàng đầu, là biện pháp bắt buộc để xây dựng một “bức tranh toàn cảnh” về hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn toàn thành phố; trên cơ sở đó đánh giá, phân tích số lượng, tính chất, biểu hiện hoạt động của các cơ sở, cá nhân, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức phân cấp quản lý rõ ràng từ cấp thành phố - chủ công là Phòng Cảnh sát Hình sự đến Công an quận huyện thị xã, công an phường xã, đồn, trạm, thị trấn... thiết lập hệ thống quản lý đồng bộ và thống nhất đối với loại hình hoạt động này.

Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp phải thật sự quan tâm, tâm huyết, sát sao đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng; từ khâu rà dựng, phát hiện, đưa ra các biện pháp, đối sách thu thập tài liệu, tổ chức đấu tranh triệt phá đều phải có “dấu ấn” của người lãnh đạo.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm, tuyệt đối không dung túng đối với số cán bộ, chiến sỹ có hành vi “bảo kê”, móc ngoặc với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” hoặc để hoạt động kinh doanh, làm ngơ cho tội phạm hoạt động.

Tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố cần phân loại tố giác và vụ án hình sự, đảm bảo thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và các phòng nghiệp vụ có liên quan, đặc biệt trong những vụ án lớn, nhiều đối tượng, hoạt động trên nhiều tỉnh thành, hoạt động trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi. Việc phối hợp giữa các cơ quan sẽ đảm bảo xử lý nhanh chóng, triệt để đối với loại tội phạm này.

Không thể thiếu ở đây, là sự phối hợp giữa các đơn vị địa phương trong quản lý đối tượng lưu động. Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng giữa các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các địa phương.

Tuyệt đối không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động “tín dụng đen” trên nhiều địa bàn mà không được quản lý.

(Còn tiếp)

Xem bài gốc Tại Đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại