Tính đến khi bị bắt trong trong ngôi nhà gỗ ở một khu rừng ở Montana vào tháng 4/1996, Ted Kaczynski (còn được gọi là Unabomber do sở thích cài bom của hắn) đã thoát khỏi cuộc truy lùng gắt gao của lực lượng thực thi pháp luật Mỹ tới hơn 17 năm.
Từ năm 1988-1995, cựu Giáo sư toán học với chỉ số IQ của một thiên tài đã chuyển 16 gói chất nổ tự chế tới các trường đại học, công ty, nhà riêng và địa điểm công cộng trên khắp nước Mỹ khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Nỗ lực truy nã Unabomber đã trở thành một trong những cuộc truy lùng tội phạm kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vào lúc cao điểm, có tới 150 nhân viên điều tra, chuyên gia phân tích và các đặc vụ của FBI, Cục phòng chống Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Chất nổ (ATF) và Cơ quan Thanh tra Bưu chính Mỹ cùng tham gia chiến dịch này.
Những cuộc tấn công “trong bóng tối”
Các cuộc tấn công khủng bố của Unabomber bắt đầu từ ngày 25/5/1978, khi một kiện hàng được bọc bằng giấy màu nâu được phát hiện tại Đại học Illinois ở Chicago.
Kiện hàng này sau đó được gửi lại địa chỉ gửi ban đầu là một Giáo sư ở Đại học Northwestern. Tuy nhiên, vị Giáo sư này cho biết, ông không gửi kiện hàng trên và chuyển nó cho lực lượng an ninh của trường.
Kiện hàng sau đó phát nổ khiến nhân viên an ninh có nhiệm vụ mở nó ra kiểm tra bị thương.
Đến cuối năm 1979, 2 quả bom khác cũng đã phát nổ, trong đó có một quả nổ tại Đại học Northwestern và một quả khác phát nổ trên chuyến bay của hãng American Airlines từ Chicago đến Washington D.C.
Tiếp đó, vào đầu năm 1980, một kiện hàng chứa bom khác cũng đã phát nổ khiến Percy Wood, Chủ tịch United Airlines bị thương nặng.
Các nhân viên điều tra FBI, dưới sự hỗ trợ của Cục phòng chống Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Chất nổ (ATF) và Cơ quan Thanh tra Bưu chính Mỹ đã thành lập nhóm truy nã Unabomber và xác định, mục tiêu ưa thích của hắn là các trường đại học và các hãng hàng không.
Tuy nhiên, nỗ lực truy tìm Unabomber gặp rất nhiều khó khăn do những khối chất nổ mà tên này chế tạo cực kỳ phức tạp.
Dù đã kiểm tra kỹ lưỡng từng thành phần trong những khối chất nổ nói trên, nhóm truy nã Unabomber vẫn không thể phát hiện ra bất kỳ đầu mối nào giúp xác định danh tính của hắn.
Các nhân viên điều tra cho biết, Unabomber chế tạo bom từ những thứ hết sức đơn giản như gỗ, dây câu cá, băng dính - tức là những thứ có sẵn và rất dễ kiếm. Tuy nhiên, hắn lại cực kỳ cẩn thận, không tạo ra bất kỳ dấu vết nào trên các quả bom mà hắn chế tạo.
Nhân viên điều tra tội phạm hàng đầu của FBI James R. Fitzgerald cho biết, các kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm cho thấy, Unabomber tỉ mẩn lột hết vỏ các quả pin và sử dụng một loại keo đặc biệt do hắn tự chế bằng cách nấu chảy móng chân hươu trong quá trình chế bom.
“Dĩ nhiên hắn chẳng để lại dấu vết gì, không dấu vân tay hay ADN hết”, ông Fitzgerald nói.
Unabomber tiếp tục thực hiện nhiều vụ đánh bom khác với những quả bom có sức công phá mạnh hơn. Vào năm 1985, chủ một cửa hàng máy tính tại Sacramento, California đã trở thành nạn nhân đầu tiên thiệt mạng sau khi bị thương bởi quả bom của Unabomber.
Chân dung Ted Kaczynski do các họa sĩ phác thảo. Ảnh: History
Sai lầm chết người
Bước đột phá đầu tiên trong vụ Unabomber đến vào năm 1987, khi một người phụ nữ đến đồn cảnh sát trình báo rằng, bà nhìn thấy một người đàn ông ở bãi đỗ xe bên ngoài một cửa hàng máy tính ở Salt Lake City ngay trước thời điểm một vụ nổ xảy ra tại đó.
Từ mô tả của bà, các họa sĩ đã phác họa được chân dung của Unabomber là một người đàn ông có râu, đeo kính râm và mặc áo có mũ trùm kín đầu. Liên tiếp 6 năm sau đó, Unabomber ngừng thực hiện các vụ tấn công.
Hắn chỉ bắt đầu đánh bom trở lại vào giữa năm 1993 và mục tiêu của hắn là giáo sư tại các trường Đại học ở San Francisco, New Haven và Connecticut. Unabomber thực hiện thêm các 2 vụ đánh bom chết người vào tháng 12/1994 và 4/1995.
Đến tháng 6/1995, Unabomber gởi một “bản tuyên ngôn” dài 35.000 chữ tới các tờ báo danh tiếng như New York Times và Washington Post…Trong đó, hắn lên tiếng phản đối các cuộc cách mạng công nghiệp và lên án những tội ác của công nghệ hiện đại.
Sau các cuộc tranh luận nảy lửa về việc có nên đăng tải “bản tuyên ngôn” của Unabomber hay không, Giám đốc FBI Louis Freeh và Tổng Chưởng lý Mỹ Janet Reno đã đồng ý để các tờ báo làm điều này. Họ cho rằng, việc này sẽ giúp tìm ra danh tính của tên tội phạm khét tiếng.
Quyết định này là rất chính xác bởi sau khi “bản tuyên ngôn” được đăng tải, một phụ nữ tên là Linda Patrik cho biết, bà nhận thấy ngôn ngữ trong “bản tuyên ngôn” khá tương đồng với những gì Ted Kaczynski - anh trai của chồng bà - gửi cho em trai là David Kaczynski.
Sau khi David Kaczynski gửi những bức thư của Ted Kaczynski cho FBI, các nhân viên điều tra nhanh chóng so sánh và đưa ra quyết định bắt giữ Ted Kaczynski vào ngày 3/4/1996.
Tại ngôi nhà gỗ của hắn, họ tìm thấy rất nhiều bằng chứng cho thấy Ted Kaczynski chính là Unabomber, trong đó có cả một quả bom khác cùng rất nhiều những vật liệu chế tạo bom và quan trọng hơn cả là bản gốc của “bản tuyên ngôn”.
Căn nhà gỗ nơi Ted Kaczynski sử dụng để chế tạo bom. Ảnh: History |
Các nhân viên điều tra FBI cho biết, một lý do khiến họ bỏ lọt Ted Kaczynski dù máy tính của họ từng liệt hắn vào danh sách khả nghi là vì các nhà điều tra tin rằng, họ đang tìm kiếm một người hơn Ted Kaczynski tới 10 tuổi vào thời điểm hắn thực hiện vụ tấn công đầu tiên.
Jim R. Freeman, đặc vụ FBI tại văn phòng San Francisco tham gia vào việc truy bắt Ted Kaczynski nhớ lại: “Chúng tôi tin rằng, hắn đến từ Chicago và tìm cách chạy trốn sang phía Tây.
Thật khó để chúng tôi nghĩ đến việc một tên tội phạm như Ted Kaczynski lại đang theo học ở Harvard khi hắn mới 16 tuổi”./.