Tội phạm ngoại - Những dấu hiệu "lâm sàng"

Đào Trung Hiếu |

Đất nước hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế. Hòa cùng dòng người nhập cảnh Việt Nam tham quan du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư hay thăm thân, lao động…có những băng nhóm tội phạm mang theo những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng trong khi việc chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã chia sẻ với ANTG cách nhận biết những biểu hiện "bất minh"của tội phạm "ngoại", để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Chuyên án vắt qua 2 năm

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tá Ngô Minh An - (Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội) không thể quên những tháng ngày "so găng" với tội phạm "ngoại".

Ấy là lúc ông giữ chức vụ Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội, trực tiếp chỉ huy các mũi trinh sát "cất vó" nhiều tốp tội phạm đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… khi chúng nhập cảnh vào Việt Nam với thiết bị làm giả thẻ tín dụng để sử dụng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Tội phạm ngoại - Những dấu hiệu lâm sàng - Ảnh 1.

Đối tượng người nước ngoài gây án tại Việt Nam bị bắt giữ.

Ông kể: "Có chuyên án chúng tôi "đánh" ròng rã 2 năm, lần lượt đón bắt các nhóm tội phạm quốc tế khi chúng đặt chân vào Việt Nam gây án.

Để chủ động về thông tin, lực lượng hình sự Thủ đô đã triển khai rất thành công các biện pháp nghiệp vụ ngoại biên, vươn tầm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhờ vậy chúng tôi chủ động đón lõng từng nhóm ngay từ lúc chúng rời quê nhà đi gây án. Có đợt chúng tôi "mắc màn" chờ "địch" ở Nội Bài, nhưng chúng lại xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Lập tức các tổ trinh sát của chúng tôi vào Nam triển khai các công việc cần thiết, rồi âm thầm theo chân chúng ra Hà Nội. Mọi hành tung của các đối tượng chuyên án đều không ra khỏi tầm mắt của trinh sát cho đến lúc "hạ màn".

Tất cả các nhóm tội phạm "ngoại" bị bắt trong chuyên án đều sững sờ, không hiểu vì sao sa lưới. Có đối tượng khen Công an Việt Nam quá giỏi khi mà chúng từng "đi chợ" (gây án - PV) ở Mỹ, Pháp, Anh… nhiều lần mà không bị phát hiện.

Điều rút ra từ chuyên án năm xưa của Hình sự số 7 Thiền Quang, là phải xây dựng được một thế trận lòng dân thực sự hiệu quả.

Quá trình làm án, nhờ công tác thông báo phòng ngừa được triển khai tới từng cửa hàng bán đồ điện tử đắt tiền trong thành phố, nên khi xuất hiện những tốp "khách Tây" mua hàng bằng thẻ tín dụng giả, chúng tôi có ngay thông tin và triển khai những công việc cần thiết để vạch trần tội lỗi của chúng".

Tội phạm nước ngoài gia tăng

"Quốc tế hóa" là một đặc điểm của tình hình tội phạm thời kỳ mở cửa hội nhập.

Trong điều kiện toàn cầu hóa, lợi dụng chính sách mở rộng hợp tác đa phương, toàn diện với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam, nhiều nhóm tội phạm người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta để gây án trên rất nhiều lĩnh vực.

Thượng tá Ngô Văn Đáp - (Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội) cho biết: "Bên cạnh những chiêu trò như lừa đổi tráo tiền, đô la giả, trộm cắp tài sản, sản xuất, buôn bán ma túy… thì hiện nay tình trạng người nước ngoài sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam đang rất "nóng".

Trong đó, nổi lên thủ đoạn ghi lén mã pin, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng ATM qua thiết bị đọc trộm dữ liệu Skimming gắn vào ổ đọc thẻ hay bàn phím tại các cây rút tiền.

Sau khi lấy được thông tin, chúng tổ chức làm giả thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng bằng thiết bị hiện đại rồi sử dụng để rút tiền tại các máy ATM, hoặc sử dụng thẻ giả để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ.

Tính chuyên nghiệp ở chỗ chúng có sự phân công vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng rất rõ ràng.

Các ổ nhóm thường chia thành nhiều tốp nhỏ nhập cảnh theo đường chính ngạch, hoặc tiểu ngạch vào Việt Nam.

Tốp kỹ thuật vào trước tiến hành việc gắn thiết bị Skimming để thu thập thông tin thẻ ngân hàng, rồi chuyển giao cho tốp làm thẻ giả. Sau cùng thẻ được chuyển cho nhóm tỏa đi các nơi để rút tiền.

Khi thấy "động", có nhóm bị bắt hay nghi ngờ đã bị phát hiện, chúng lập tức xuất cảnh. Một chiêu thức khác đó là thực hiện thanh toán "khống" hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ tín dụng giả thông qua máy chấp nhận thẻ POS.

Để làm được việc này, chúng thường cấu kết với tội phạm trong nước, thông qua những kẻ phiên dịch. Trong nhiều vụ án, chính đám phiên dịch này có vai trò cầu nối và trực tiếp tham gia điều phối hoạt động phạm tội.

Đồng bọn người Việt của chúng thường mở ra các doanh nghiệp bình phong, các cửa hàng buôn bán hàng hóa để đủ điều kiện ký các hợp đồng lắp đặt máy quẹt thẻ POS.

Sau đó báo cho tội phạm "ngoại" mang thiết bị làm giả thẻ tín dụng vào Việt Nam, tổ chức in thẻ giả từ thông tin chủ thẻ chúng chiếm đoạt được qua rất nhiều cách khác nhau, hoặc mua ở trên mạng từ các nhóm hacker.

Gần đây lại rộ lên thủ đoạn đăng ký, sử dụng thiết bị POS không dây (hoạt động qua thẻ sim) để thanh toán khống tại khu vực chống lấn sóng ở giáp biên.

Nhận được tiền, chúng lập tức rút ra hoặc chuyển tiếp cho các đầu mối tín dụng đen, đổi tiền ở các chợ biên giới để chuyển ra nước ngoài.

Thủ đoạn này rất khó phát hiện và ngăn chặn vì đối tượng hoạt động lưu động, dễ dàng tẩu tán hoặc bỏ trốn nếu bị phát hiện.

Hoạt động trộm cắp cước viễn thông, lừa đảo giả danh cơ quan chấp pháp thông qua giao thức VoIp (gọi điện thoại trên nền Internet), tổ chức đánh bạc trên mạng, tổ chức truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy… cũng đang diễn ra nhức nhối.

Điển hình như vừa qua, Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… triệt phá thành công tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia, với tổng số đại lý lên đến gần 300 đối tượng…

Thực tiễn công tác điều tra án người nước ngoài hiện nay ghi nhận sự gia tăng hoạt động của các nhóm tội phạm người Trung Quốc, Indonesia, Malaysia tại các tỉnh phía Bắc.

Ở phía Nam và miền Trung, là các đối tượng ở các nước Đông Âu như Nga, Bungari, Ruamani, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh... tại các trung tâm đô thị lớn hay khu du lịch".

Vướng trong phát hiện, xử lý

Theo Trung tá Dương Văn Duẩn - (Công an quận Long Biên, Hà Nội), khó khăn lớn trong phòng ngừa tội phạm "ngoại" trước hết từ việc quản lý lưu trú. Các đối tượng thường thuê chỗ ở biệt lập như chung cư cao cấp, biệt thự, căn nhà độc lập… ở các khu đô thị mới, nơi ít người để ý, khó quan sát.

Tội phạm ngoại - Những dấu hiệu lâm sàng - Ảnh 2.

Ngoài cổng đi đóng về khép, thường có lắp camera giám sát, cửa nhà và cửa sổ thường xuyên đóng kín, che rèm để tránh sự quan sát của người xung quanh.

Tại các khu du lịch, các thành phố lớn, chúng thường trà trộn vào các khu vực có đông người nước ngoài cư trú, làm việc để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.

Việc ăn ở, sinh hoạt khép kín, tự phục vụ về ăn uống vệ sinh hoặc chỉ thuê người dọn dẹp vệ sinh, người nấu ăn, nhưng hạn chế cho họ tiếp xúc với khu vực làm việc.

Quá trình hoạt động các đối tượng ít ra ngoài, ít tiếp xúc với người xung quanh. Việc khai báo tạm trú không đầy đủ.

Các đối tượng thường chỉ khai báo đối với một vài thành viên, những tên khác khi nhập cảnh thường khai báo tạm trú tại khách sạn, sau đó di chuyển về địa điểm hoạt động mà không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương nhằm tránh bị để ý.

Chủ nhà cho thuê cũng thường chỉ làm việc với đầu mối phiên dịch. Khi ký hợp đồng và giao nhà xong họ ít khi đến kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra tạm trú chỗ ở của người nước ngoài liên quan đến công tác phiên dịch, trong khi trình độ ngoại ngữ của cán bộ nhiều khi không đủ để giao tiếp. Đối với các ngôn ngữ không phổ biến, việc tìm phiên dịch rất khó, lại liên quan đến kinh phí thuê mượn.

Cũng chính rào cản ngôn ngữ, khiến cho người dân địa phương rất khó nắm bắt được thông tin từ những người ngoại quốc có mặt trên địa bàn.

Ngoài ra, tâm lý bàng quan, thờ ơ với các hiện tượng diễn ra trong đời sống khiến nhiều người không quan tâm, không chủ động trình báo cơ quan chức năng những nghi vấn của mình về những người hàng xóm nước ngoài.

Kể về những khó khăn rất lớn trong hoạt động điều tra tội phạm nước ngoài, Thượng tá An nói: "Phát hiện tội phạm "ngoại" đã rất khó khăn.

Khi phá án, việc xác minh nhân thân, dựng lý lịch người phạm tội mất rất nhiều thời gian, vì phụ thuộc vào sự phối hợp của cơ quan chức năng nước ngoài, trong khi việc điều tra được quy định rất rõ về thời hạn.

Quá trình điều tra, nhiều khi có thông tin tội phạm hiện đang ở nước ngoài, việc gửi công hàm để yêu cầu, kiến nghị hợp tác xử lý… nhưng thường thì không nhận được hồi âm.

Trên thực tế, tôi chưa thấy có trường hợp một nước nào đó tự bắt công dân của mình để giao cho nước khác xử lý về hành vi phạm tội đối với nước đó. Vì vậy, hoạt động phòng chống tội phạm người nước ngoài gặp nhiều khó khăn".

Phòng ngừa chủ động

Theo Thượng tá An, việc tổ chức tốt công tác phòng ngừa tội phạm quốc tế gây án trên lãnh thổ Việt Nam sẽ giảm thiểu được rất nhiều chi phí về nhân lực, tài chính cho hoạt động điều tra tội phạm. Nhưng công tác này không thể chỉ "khoán trắng" cho một ngành mà được.

Vì mọi loại tội phạm luôn bước ra từ một ngôi nhà, một địa bàn nào đấy, nên rất cần có sự hỗ trợ, chung tay góp sức của người dân.

Nếu người dân có ý thức cảnh giác phòng gian, thì sẽ giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện thông tin tội phạm để kịp thời có đối sách giải quyết.

Bên cạnh đó, chính quyền và các lực lượng tại cơ sở cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, cảnh giác trong việc kiểm tra lưu trú, giám sát hoạt động của người nước ngoài.

"Dù kín đáo hay tinh vi đến mấy, nhưng các nhóm tội phạm "ngoại" vẫn bộc lộ những sơ hở không thể khắc phục được.

Chính hoạt động có biểu hiện lén lút, bất thường như tập trung nhiều người tại chỗ ở, bật đèn thâu đêm, tiêu thụ nhiều thực phẩm, thông qua chủ nhà, người môi giới để ký hợp đồng lắp nhiều đường truyền Internet tốc độ cao, thường là các gói cước dùng cho doanh nghiệp… đều là những dấu hiệu cho thấy có những hành vi mờ ám đang diễn ra.

Người dân cần để ý theo dõi và báo tin cho lực lượng Công an cơ sở để theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Các chủ cửa hàng bán đồ điện tử đắt tiền, vàng bạc đá quý khi bán hàng cho khách nước ngoài mà thấy móc ví lôi ra cả "vốc" thẻ tín dụng, quẹt liên tục mới trả đủ tiền cho đơn hàng, thì hãy nghĩ đến khả năng đó là thẻ tín dụng giả.

Bởi vì bọn tội phạm sẽ không thể biết hạn mức tín dụng của những cái thẻ tín dụng mà chúng làm giả từ thông tin tài khoản của người khác.

Khi đó, hãy bí mật gọi điện cho Công an phường hoặc cơ quan điều tra (có đường dây nóng niêm yết trên mạng) để kịp thời có mặt, kiểm tra hành chính để làm rõ những dấu hiệu "bất minh".

Trên thực tế, chúng tôi đã triệt phá được nhiều nhóm tội phạm "ngoại" lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả, nhờ sự cảnh giác của người dân" - Thượng tá An tư vấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại