Cuộc đảo chính tại Niger đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Mỹ có thể tiếp tục duy trì sự hiện diện của 1.100 binh sỹ ở quốc gia này – điều mà giới chức Mỹ và các nhà phân tích cho là chìa khóa để chống lại phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel hay không.
Khói bốc lên hôm 27/7 ở Niamey khi những người ủng hộ lực lượng an ninh Niger tấn công trụ sở của đảng của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP
Trong một thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng Niger chống khủng bố và điều hành 2 căn cứ quân sự tại đây, trong đó có 1 căn cứ chuyên sử dụng máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và một nhánh của tổ chức Al Qaeda trong khu vực.
Sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26/7 và cấm túc ông trong dinh tổng thống, chính quyền quân sự Niger đã thu hồi thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp – quốc gia có từ 1.000 đến 1.500 binh sỹ tại quốc gia này, đồng thời yêu cầu Paris nhanh chóng rút quân.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền quân sự Niger vẫn chưa đưa ra yêu cầu tương tự với phía Mỹ và cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ làm điều này, Reuters dẫn nguồn tin từ 2 quan chức Mỹ cho biết.
Nhưng trong bối cảnh Khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) chuẩn bị nhóm họp những ngày tới để chuẩn bị cho kịch bản can thiệp quân sự và phe đảo chính tại Niger đề nghị tập đoàn quân sự Wagner của Nga hỗ trợ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang lo ngại khả năng mất đi chỗ đứng tại một phần của châu Phi - nơi Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Nga và Trung Quốc.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Căn cứ máy bay không người lái của chúng tôi ở Niger đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại lực lượng khủng bố trong khu vực. Nếu căn cứ này đóng cửa thì đây sẽ là một cú sốc lớn”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không chính thức coi việc quân đội tiếp quản quyền lực ở Niger là một cuộc đảo chính để từ đó hạn chế việc hỗ trợ quân sự cho nước này. Nhưng tuần trước Mỹ đã tạm dừng một số chương trình hỗ trợ nước ngoài cho Niger, trong đó có tài trợ giáo dục, đào tạo quân sự, hỗ trợ năng lực chống khủng bố. Hiện các hoạt động huấn luyện của Washington tại quốc gia này vẫn đang bị đình trệ.
Trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã từ chối bình luận về sự hiện diện trong tương lai của quân đội Mỹ. Được biết, Washington đã chỉ khoảng 500 triệu USD để huấn luyện và trang bị cho lực lượng vũ trang của Niger.
Rủi ro đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ
Theo giới phân tích, rủi ro đối với Mỹ và phương Tây là rất lớn, ở cả Niger và khu vực Sahel rộng lớn hơn. Báo cáo năm 2023 của Chỉ số Khủng bố Toàn cầu cho biết Sahel hiện là “tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố” và số người thiệt mạng do các vụ khủng bố cao hơn cả con số ở Nam Á, Trung Đông và Bắc hi gộp lại. Tỷ lệ tử vong do khủng bố tại Sahel chiếm 43% trong tổng số 6.700 ca tử vong trên toàn cầu năm 2022 – một mức tăng đáng lo ngại so với năm 2007 khi tỷ lệ này chỉ chiếm 1%.
Gần 3.000 binh sỹ của 4 quốc gia NATO là Mỹ, Pháp, Italy và Đức, hiện đang đóng quân ở Niger có thể gặp rủi ro nếu chính quyền quân sự Niger chính thức tiếp quản đất nước và đặc biệt nếu họ được sự hỗ trợ từ lực lượng Wagner của Nga. Căn cứ máy bay không người lái lớn của Mỹ, được xây dựng với kinh phí 110 triệu USD cũng có nguy cơ bị nhắm mục tiêu.
Thách thức tiếp theo là Washington có thể mất quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn ở Niger – quốc gia sản xuất uranium lớn thứ 7 thế giới vốn là chìa khóa quan trọng cho việc phát triển năng lực hạt nhân. Cuối cùng, 2,7 triệu người dân có khả năng phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong và sau cuộc đảo chính, tạo ra làn sóng di cư lớn.
Nhưng điều khiến Washington lo ngại nhất, có lẽ là khả năng lực lượng Wagner hiện diện tại quốc gia này theo yêu cầu của chính quyền quân sự Niger. Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trước đó bác bỏ thông tin cho rằng tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga tham gia cuộc đảo chính quân sự tại Niger. Nhưng theo ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên ECOWAS phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh, Wagner vẫn có thể hưởng lợi từ tình hình dù không tham gia đảo chính.
Một quan chức trong chính phủ Mỹ cho rằng, nếu Wagner chỉ điều một số lượng nhỏ binh sỹ đóng quân ở thủ đô Niamey của Niger thì điều này khó có thể ảnh hưởng đến sự hiện diện quân sự của Mỹ. Nhưng nếu hàng nghìn binh sỹ Wagner được triển khai tại quốc gia này thì sẽ có nhiều vấn đề lo ngại liên quan đến sự an toàn của các quân nhân Mỹ.
Bất chấp mối lo ngại trên, quan chức Mỹ vẫn cho rằng không có bất cứ mối đe dọa nào có thể buộc họ phải rời khỏi Niger, trừ khi chính phủ của quốc gia này yêu cầu Washing làm như vậy.
Theo giới phân tích, việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Niger là thách thức lớn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức một số cuộc điện đàm với Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland đã gặp một số thành viên của phe đảo chính ở Niger vào ngày 7/8. Cuộc gặp được mô tả là “thẳng thắn và khá phức tạp”.
Mỹ đã thực hiện bước đầu tiên trong việc thể hiện sự phản đối cuộc đảo chính bằng cách tạm dừng một số chương trình viện trợ, nhưng lại đi sau Pháp một bước. Là quốc gia có sự hiện diện lâu dài ở Sahel Pháp đã đình chỉ tất cả viện trợ ngân sách và hỗ trợ phát triển cho Niger cũng như hai nước láng giềng, Mali và Burkina Faso từng tuyên bố phản đối bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Niger.