Liệu Mỹ có ủng hộ can thiệp quân sự vào Niger hậu đảo chính?

Trung Hiếu |

Công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga đã hoan nghênh cuộc đảo chính quân sự tại Niger và đề nghị giúp đỡ các thủ lĩnh đảo chính. Trong bối cảnh đó, liệu Mỹ có tính tới khả năng can thiệp quân sự vào quốc gia Tây Phi này?

Sức ép từ Mỹ và Pháp - liệu sẽ dẫn tới can thiệp?

Sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự tại Niger, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã tới quốc gia này, yêu cầu được gặp cựu tổng thống vừa bị quân đội lật đổ và hiện đang bị quản thúc tại dinh Tổng thống. Bà Nuland đã bị khước từ và đã gặp gỡ một số lãnh đạo của cuộc đảo chính ở thủ đô Niamey của Niger.

Liệu Mỹ có ủng hộ can thiệp quân sự vào Niger hậu đảo chính? - Ảnh 1.

Lãnh đạo phe đảo chính quân sự tại Niger vẫy chào những người ủng hộ trong một cuộc tập hợp ở thủ đô Niamey. Ảnh: Facebook.

Thứ trưởng Nuland đe dọa Mỹ sẽ ngừng cung cấp viện trợ cho Niger, đồng thời yêu cầu phe đảo chính tại đây phải phục chức cho cựu Tổng thống Mohamed Bazoum.

Bà Nuland ra đi trắng tay. Tuy nhiên, Niger vẫn đứng trước mối đe dọa can thiệp quân sự, có thể từ Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi ( ECOWAS ) hoặc từ quân Mỹ và Pháp đóng tại Niger, hoặc từ cả hai nhóm.

Mỹ đã huấn luyện hầu hết các lãnh đạo của cuộc đảo chính Niger và hiện duy trì một lực lượng gồm khoảng 1.500 quân ở đất nước này. Mặc dù Niger yêu cầu Pháp rút 1.100 binh sĩ của mình về, Pháp vẫn không tuân thủ. Niger hiện chưa yêu cầu Mỹ rút quân khỏi nước này nhưng đó vẫn là một khả năng nếu tình hình tại đây xấu đi hơn nữa.

Niger chiếm khoảng 5% sản lượng urani thế giới. Pháp có tới 20% lượng urani nhập từ Niger - nhà cung cấp urani số 2 cho Pháp.

Nếu việc sản xuất urani tại Niger ngừng lại trong bất cứ khoảng thời gian đáng kể nào (do tình trạng thiếu điện sau đảo chính hoặc các nguyên nhân khác), áp lực sẽ gia tăng lên các nước xuất khẩu urani khác và giá urani nhiều khả năng sẽ gia tăng.

Hiện tại không phận Niger đã bị đóng. Đường bộ bị phong tỏa, việc nhập lương thực, thuốc men và các mặt hàng khác cũng bị chặn.

ECOWAS trước đó đã đe dọa can thiệp quân sự nhưng không phải tất cả 15 nước thành viên của khối này đều ủng hộ hành động quân sự.

Các mối đe dọa sát sườn nhất với Niger sẽ là các đội quân của Mỹ và Pháp đang đồn trú tại quốc gia Tây Phi này. Các lực lượng này có thể được tăng cường thêm. Lực lượng quân sự Mỹ ở Niger nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lênh châu Phi thuộc quân đội Mỹ.

Về mặt chính thức, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Niger là dựa trên khoản 127e điều 10 Bộ luật Mỹ cho phép quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động đặc biệt để chống khủng bố. Cơ sở pháp lý này không cho phép quân đội Mỹ tham gia bất cứ vai trò nào trong quản trị nội bộ của nước sở tại.

Hiện nay lực lượng Mỹ tại Niger không bị đe dọa và phía Mỹ chưa thể công bố tình huống bất trắc nào về an ninh quốc gia.

Lo ngại của Mỹ và việc cân nhắc can thiệp

Cả Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nuland đều tuyên bố rằng một trong các mối quan ngại của họ là khả năng các lực lượng quân sự của hãng Wagner (Nga) di chuyển vào Niger.

Hiện tại chưa có chiến binh Wagner nào ở Niger nhưng nhà sáng lập của hãng này, Yevgeny Prigozhin, gần đây đã tham gia hội nghị Nga - châu Phi ở Saint Petersburg, hoan nghênh cuộc đảo chính ở Niger và ít nhất theo cách gián tiếp, đã đề cập cung cấp các dịch vụ an ninh của hãng này cho Niger.

Công ty Wagner hiện nay kinh doanh hoạt động quân sự ở Mali, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Libya. Trong số này, Mali là một thành viên của khối ECOWAS.

Trong khi đó, quân đội Niger là một trong các lực lượng vũ trang được trang bị kém nhất châu Phi. Không quân của nước này chỉ có... 2 máy bay phản lực (chiến đấu cơ Su-25 do Nga sản xuất) và một số lượng rất ít máy bay trực thăng. Quân đội Niger phụ thuộc nhiều vào xe bán tải Toyota gắn súng máy mặc dù họ có sở hữu một số xe thiết giáp chở quân.

Ở Niger có nhiều nhóm thánh chiến Hồi giáo đang hoạt động, trong đó có một số nhóm liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và IS .

Tại Niger cũng tồn tại mâu thuẫn sắc tộc. Chẳng hạn, tộc Fula (đa phần là dân du mục, chuyên chăn gia súc) hay va chạm với các nông dân định canh định cư về các khu vực gặm cỏ của gia súc. Có khoảng 3,6 triệu người Fula.

Tộc Tuareg, dân số khoảng 2,6 triệu người, cũng du mục, đã tiến hành ít nhất 2 cuộc nổi dậy trong các năm gần đây.

Trong các ngày qua, Rhissa Ag Boula - một thủ lĩnh của người Tuareg, đã lên tiếng cực lực phản đối cuộc đảo chính quân sự, yêu cầu khôi phục lại chính quyền được bầu theo phương thức dân chủ.

Boula đứng đầu Hội đồng Kháng chiến vì nền cộng hòa, và ủng hộ sự can thiệp quân sự từ phía ECOWAS.

Mỹ ủng hộ chính quyền được bầu một cách dân chủ và các lãnh đạo của chính quyền đó. Tuy nhiên, Mỹ khó tìm lý do để biện minh cho hành động can thiệp vũ trang trừ phi chứng minh được có mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Ngoài ra, sự can thiệp của Mỹ cũng sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mức độ tín nhiệm đối với Mỹ ở châu Phi và những nơi khác trên thế giới, vì khi ấy Mỹ có nguy cơ bị xem là thực hiện hành động thực dân nhằm vào một nước nghèo. Nếu Mỹ phối hợp với Pháp để tiến hành can thiệp thì hình ảnh của Mỹ càng có nguy cơ xấu hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại