Đánh gió hay cạo gió là một trong những phương pháp trị bệnh lưu truyền trong dân gian với ưu điểm dễ thực hiện, an toàn, hiệu quả tức thì. Đánh gió vận dụng lý luận bì phu, học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền, qua thời gian thâm nhập vào dân gian, cách vận dụng được giản lược để các tầng lớp trong xã hội đều có thể thực hiện được.
Cơ chế trị bệnh của đánh gió trong y học cổ truyền
Khi cơ thể bị cảm mạo, hoặc tà khí còn nằm ở phần biểu, tà khí vít tắc làm vệ khí lưu thông không được tắc lại sinh ra các chứng đau nhức nóng. Đánh gió làm sơ thông lạc mạch ở biểu, dinh vệ khí lưu thông, khí hành thì huyết hành dẫn đến hoạt huyết hóa ứ, đồng thời tuyên phát khí ở bì mao nên sơ tán được ngoại tà.
Đánh gió được vận dụng trong các pháp trị như: sơ thông kinh lạc, thư cân lý khí, khu phong tán hàn, thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết, hóa ứ, tiêu thũng, chỉ thống. Đây cũng là cơ sở chính để mang đánh gió từ dân gian trở về nguyên bản y học cổ truyền là một phương pháp trị liệu không dùng thuốc.
Hệ thống kinh lạc bao gồm các kinh lạc nổi, kinh lạc chìm và hệ thống kinh cân. Phương pháp đánh gió tác động chủ yếu lên phần kinh lạc nổi và kinh cân mà biểu hiện trực quan thông qua phần da, các mô dưới da và cơ. Khác với châm cứu tập trung điều chỉnh lên các huyệt cần sự chính xác gần như tuyệt đối, đối tượng đánh gió tác động là vùng cơ thể.
Bệnh theo y học cổ truyền được biện chứng theo bát cương, trị bệnh theo bát pháp (gồm: hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, tiêu, bổ), đánh gió là phương pháp thuộc nhóm trị nhiệt bệnh chủ yếu do ngoại tà xâm nhập; bài xuất nhiệt độc trong cơ thể. Thông qua quá trình thăm khám và chẩn đoán y học cổ truyền, đánh gió cũng là một phương pháp điều chỉnh cơ thể, tạng phủ thông qua kinh lạc của tạng phủ đi qua vùng trị liệu.
Mặc khác, biểu hiện sau khi giác sẽ cung cấp thêm thông tin để củng cố lý luận biện chứng của chẩn đoán. Cụ thể, tổn thương tạng phủ có thể được biểu hiện trong da, vùng đánh gió có những thay đổi màu sắc phản ánh tình trạng bệnh được đề cập trong “Hoàng đế nội kinh tố vấn - bì bộ luận”: vùng da xanh biểu hiện của đau, vùng da đen biểu hiện của tê liệt (tí), vàng hoặc đỏ biểu hiện của nóng, da sắc trắng trong khi đánh gió tức có hàn; do đó cần quan sát tỉ mỉ sự thay đổi màu sắc của da để chẩn đoán bệnh.
Trong những năm gần đây, liệu pháp đánh gió cũng đã nhận được sự chú ý, phạm vi áp dụng liệu pháp cũng dần dần được mở rộng như sốt, nhức đầu, ho, nôn mửa, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, đau vai, phong hàn thấp tý, di chứng tai biến mạch máu não, bong gân cấp tính, đau thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống thắt lưng, suy dinh dưỡng, khó tiêu, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí được dùng trong thẩm mỹ, giảm cân.
Đánh gió cũng tương tự như các phương pháp y học cổ truyền khác, chú trọng điều chỉnh cá thể, mỗi người có một thể chất khác nhau. Theo “Linh khu” phân âm dương có 25 dạng thể tạng, mỗi dạng có cấu trúc da dày mỏng, từng vùng các bó cơ nhiều ít, tạng phủ cương nhu khác nhau nên tùy thể trạng, vùng cần đánh gió khác nhau.
Những điều cần lưu ý
Những điều cần lưu ý khi đánh gió như: không lạm dụng đánh gió liên tục, vì sẽ dễ gây tổn hại các cấu trúc mô da, không chỉ không giúp giảm mệt mỏi mà còn làm tăng gánh nặng bệnh trên cơ thể. Đánh gió gây tình trạng sung huyết tùy mức độ ảnh nhìn chung mất thẩm mỹ.
Những đối tượng không nên đánh gió như: da quá mỏng hoặc da mất độ dàn hồi. Da nổi mẩn đỏ, sưng, nóng, đau như viêm da herpes, mụn, nhọt… hoặc nguy cơ tổn thương cấu trúc da như vết trầy xước, lở loét, nhiễm trùng da.
Giãn tĩnh mạch của chi dưới nên hạn chế, hoặc phải thận trọng trong thao tác chú ý lực nhẹ hơn và hướng của đánh gió nên thực hiện từ dưới lên trên.
Bệnh kéo dài, suy kiệt, huyết áp thấp, hạ đường huyết, suy nhược quá mức và căng thẳng sợ đau. Suy tim, suy thận, xơ gan, phù nề nghiêm trọng. Bệnh nhân hemophilia, giảm tiểu cầu.
Gãy xương hoặc trong quá trình liền xương. Sẹo phẫu thuật cũng nên được đánh gió sau hai tháng.
Bụng dưới của phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt bị trầy xước và vùng bụng của thai phụ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phương pháp đánh gió rất đơn giản, ít tác dụng phụ và tác dụng chữa bệnh cũng rất rõ ràng, đặc biệt là những bệnh nhân khó uống thuốc hoặc không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác có thể phát huy ưu điểm độc đáo của đánh gió.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng đánh gió và phải có một sự hiểu biết cơ bản về y học cổ truyền để có thể trị đúng bệnh và phải tuân thủ các nguyên tắc khi đánh gió để có thể phát huy hiệu quả tốt nhất của phương pháp cũng như các chống chỉ định để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.