Reuters đưa tin, ngày 30/5, quân đội Mỹ đã thử nghiệm đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình phòng thủ tên lửa của nước này nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) của Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Reuters)
Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ đã bắn một quả tên lửa liên lục địa (ICBM) từ khu vực đảo Kwajalein Atoll ở quần đảo Marshall về phía vùng biển phía nam Alaska. Sau đó, hệ thống phòng thủ tên lửa được lệnh khai hỏa, bắn tên lửa đánh chặn thành công mục tiêu từ căn cứ không quân Vandenberg ở California.
Giới chuyên gia so sánh việc đánh chặn cũng giống như dùng một viên đạn để bắn vào một viên đạn khác, đồng thời lưu ý, việc dùng tên lửa để đánh tên lửa thậm chí còn phức tạp hơn nhiều bởi khoảng cách là rất xa.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, đây là lần đầu tiên Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) của Mỹ bắn tên lửa trực tiếp đánh chặn ICBM, đồng thời mô tả sự kiện này như “một thành tựu đáng kinh ngạc”.
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, Phó đô đốc Jim Syring nói: “Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ đất nước. Cuộc thử nghiệm đã chứng tỏ chúng ta có năng lực đáng tin cậy để ngăn chặn một mối đe doạ thực sự”.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ đánh chặn thành công ICBM hôm qua (30/5), hệ thống GMD đã bị đánh giá là thiếu tin cậy. Trong số 17 lần phóng thử đánh chặn tên lửa [không phải loại ICBM-ND] được tiến hành từ năm 1999 đến nay, chỉ có 9 lần tên lửa đánh chặn thành công.
Lầu Năm Góc từng tuyên bố hệ thống trị giá 40 tỷ USD này sẽ là “người bảo vệ chính” mà Mỹ dựa vào để ngăn chặn tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ Triều Tiên hoặc Iran.