Trong khi đó, Washington gần như đồng thời cung cấp cho Saudi Arabia các tổ hợp phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD.
Hai hoạt động trên tưởng như không có liên quan tới nhau, nhưng là động thái quan trọng liên quan tới những vấn đề quan trọng hơn là những hợp đồng vũ khí đơn thuần. Đó có thể là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Quyết định cứng rắn của Washington
Theo chuyên gia quân sự Anh Oliver Steward, việc Mỹ đình chỉ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 liên quan tới hợp đồng mua tên lửa S-400 của Ankara là dễ hiểu.
"Có 2 lý do chính trong vụ việc này. Thứ nhất, Mỹ lo sợ công nghệ hàng không tiên tiến nhất sẽ rơi vào tay đối thủ. Tiếp đó, Washington đã có hoài nghi về việc Ankara liệu có tiếp tục là đồng minh thân cận ở khu vực Cận Đông đủ để Mỹ chuyển giao công nghệ F-35", ông O. Steward nhận định.
Việc tạm dừng cung cấp thiết bị F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể là động thái nắn gân Ankara của Washington.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm, dù có bỏ hợp đồng S-400 Triumf với Nga hay không? động thái trên của Mỹ sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa. Tuy nhiên, Ankara không hoàn toàn hủy bỏ các hợp tác lâu dài với Mỹ và phương Tây trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong khi đó, chuyên gia vũ khí quốc tế, Daniel Darling nhận định, việc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 chỉ là nấc thang đầu tiên, Washington còn nắm kịch bản nhiều bước đi tiếp theo để chống lại Ankara:
"Hiện tại, Mỹ mới chỉ thực hiện quyết định tạm đình chỉ việc cung cấp các thành phần của máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu cần, tuân theo quy định Mục 231, đạo luật trừng phạt đối thủ tiềm tàng – CAATSA, Mỹ hoàn toàn có thể mở rộng lệnh trừng phạt vũ khí nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ như máy bay chiến đấu F-16, trực thăng Chinook, UH-60 và nhiều trang bị khác…".
Trong khi đó, trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể chọn Su-57E hoặc Su-35S có Nga để thay thế cho F-35, giới chuyên gia quân sự quốc tế coi đây là bước đi không thật khả thi.
Chuyên gia O. Steward cho rằng, khác với Mỹ và phương Tây, các thỏa thuận vũ khí với Nga không bị ràng buộc bởi chính trị, nhưng việc Ankara là thành viên NATO và đã nhiều thập kỷ trang bị và sử dụng vũ khí Mỹ và phương Tây chính là rào cản cho việc này.
Su-57E có thể là sự lựa chọn thay thế, nhưng không hẳn phù hợp với Ankara. |
"Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trên nền tảng công nghệ Mỹ qua nhiều thập kỷ, đặc biệt làm máy bay F-16. Việc duy trì các đơn vị không quân hoạt động phụ thuộc nhiều vào các đối tác Mỹ và phương Tây", ông O. Steward nhận xét. Những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể khiến sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu.
Ngoài ra, một vấn đề khác là Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình F-35 từ năm 2002. Việc rút khỏi chương trình là việc làm không hề khôn ngoan.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, mấu chốt của vấn đề có thể được giải quyết khi cả hai bên nhượng bộ thông qua các cam kết giữ bí mật công nghệ của Ankara và những hợp đồng quân sự lớn với Mỹ và phương Tây.
NATO và Mỹ vẫn không thể thiếu Thổ Nhĩ Kỳ
Theo chuyên gia O. Steward, một trong những động thái được thực hiện gần như đồng thời với việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua S-400 là việc Mỹ đồng ý cung cấp cho Saudi Arabia các tổ hợp THAAD trị giá hàng tỷ USD.
"Động thái này cho thấy Mỹ đã chuyển hướng coi Saudi Arabia là đồng minh chính tại Cận Đông. Những vấn đề phát sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Washington phải cân nhắc coi Riyadh là đối tác đảm bảo quyền lợi chính trong khu vực", ông O. Steward nói. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực lên Ankara.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là Thổ Nhĩ Kỳ luôn có vai trò quan trọng trong NATO. Nếu Ankara yêu cầu NATO triệt thoái khỏi lãnh thổ nước này sẽ khiến NATO gặp vấn đề nghiêm trọng.
Đáng chú ý nhất trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là căn cứ không quân Incirlik. Đây là bàn đạp chính để không quân Mỹ và NATO tiến hành các chiến dịch trong khu vực Cận Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhiều hơn khi cân bằng được quan hệ với các "ông lớn". |
"Dù có bất đồng liên quan tới tên lửa S-400, nhưng cam kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO vẫn không bị ảnh hưởng. Ankara luôn có chính sách đặc biệt trong quan hệ với EU nhờ vị trí địa lý đặc biệt", chuyên gia Daniel Darling nhận xét. Vấn đề căn cứ Incirlik chắc chắn đã được Ankara tính tới, nhưng đó là đòn trả đũa của các bước leo thang căng thẳng tiếp theo.
Theo chuyên gia Daniel Darling, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất biết cách "đi giữa các ông lớn". Thế giới đang chuyển dịch theo hướng đa cực với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga.
"Tổng thống Erdogan theo dõi cả động thái của người đồng cấp Mỹ Donald Trump và cách ông ấy nhìn nhận về NATO. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng chú ý tới sự thay đổi của cán cân quyền lực toàn cầu. Ankara sẽ có nhiều lợi ích hơn khi cân bằng được các mối quan hệ chiến lược", chuyên gia Daniel Darling nhận định.