Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam là niềm mơ ước thường trực của các lãnh đạo tại Đại bản doanh cũng như của Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, chiến trường B2 là chiến trường xa hậu phương nhất nên việc tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đưa các trang bị vũ khí có trọng lượng lớn như xe tăng, xe thiết giáp vào đó lại còn khó khăn hơn nữa.

Phải đến cuối tháng 3 năm 1972, những đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mới có mặt tại chiến trường này sau khi vượt gần 2.000 km đường dã chiến. Điều kỳ diệu là vừa có mặt, các chiến sĩ xe tăng đã được giao nhiệm vụ chiến đấu ngay và đã chiến thắng oanh liệt trong trận Lộc Ninh.

Ước mơ đã trở thành hiện thực

Với những ưu thế về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng hộ, xe tăng luôn được đánh giá là lực lượng đột kích quan trọng, nhiều khi là chủ yếu của lục quân.

Vì vậy, đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu trên các chiến trường miền Nam là niềm mơ ước luôn thường trực trong tiềm thức các lãnh đạo tại Đại bản doanh cũng như của Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).

Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do - cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc đưa xe tăng vào chiến trường gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa có điều kiện biến ước mơ thành hiện thực song cấp trên vẫn quyết định đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xe tăng (XT) hành quân bộ vào B2 từ giữa những năm 60 với hai nhiệm vụ: chuẩn bị chiến trường và nếu có điều kiện thì lấy xe địch đánh địch.

Song song với đó, ở hậu phương, sau khi đánh thắng trận đầu ở Làng Vây (2.1968), đặc biệt là sau chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thì việc đưa xe tăng vào chiến trường đã được xúc tiến mạnh hơn.

Tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn XT 297 nhận lệnh hành quân vào B3 (Tây Nguyên). Tiếp đó, hai tiểu đoàn 20 và 21 lần lượt nhận lệnh hành quân vào B2 (Miền Đông Nam Bộ). Thời gian tiếp theo, một số đơn vị nữa tiếp tục lên đường vào B1 (Khu Năm) và bổ sung cho B2, B3.

Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 2.

Lữ đoàn xe tăng 203 huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa.

Sau hơn 3 tháng hành quân, vượt gần 2.000 km đường quân sự làm gấp với bao đèo cao, sông sâu dưới sự ngăn chặn quyết liệt của không quân Mỹ, cuối tháng 3 năm 1972, những đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn XT 20 đã đến vị trí tập kết tại phía tây căn cứ Lộc Ninh.

Vậy là ước mơ đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam - kể cả nơi xa xôi nhất như B2 đã trở thành hiện thực.

Tham gia đánh trận then chốt mở màn chiến dịch - Đoạt cờ "Đánh giỏi"

Thời điểm đầu năm 1972, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ có 2 hướng chính mà quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) hết sức quan tâm và tăng cường phòng thủ. Đó là hướng Đường 22 từ Campuchia qua Tây Ninh về Sài Gòn và hướng Đường 13 từ Campuchia qua Lộc Ninh, Bình Long về Sài Gòn.

Phối hợp với các mặt trận khác trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ với mục tiêu đề ra là giải phóng một phần các tỉnh Binh Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN).

Đồng thời, đây sẽ là bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc.

Căn cứ vào tình hình mọi mặt Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công địch trên hai hướng. Trong đó, hướng Đường 13 là hướng chủ yếu, hướng đường 22 là hướng thứ yếu. Trận then chốt mở đầu chiến dịch sẽ là trận tiến công căn cứ Lộc Ninh.

Căn cứ Lộc Ninh nằm trên một quả đồi, cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 800 mét. Lực lượng VNCH đồn trú ở đây gồm có Sở chỉ huy Chiến đoàn 9, Chi khu quân sự Lộc Ninh, trận địa pháo hỗn hợp, sân bay dã chiến. Tổng quân số khoảng hơn 1.000.

Xe tăng Việt Nam vừa hành quân 2.000 km đã đánh thắng oanh liệt: Điều kỳ diệu xảy ra - Ảnh 4.

Lữ đoàn xe tăng 409 (Quân khu 1) huấn luyện chiến đấu.

Đặc biệt, hệ thống công sự ở đây khá kiên cố, có nhiều hầm bê-tông cốt thép. Xung quanh căn cứ có 5 - 6 lớp rào thép gai xen kẽ bãi mìn chống bộ binh.

Ngoài ra, bảo vệ vòng ngoài căn cứ còn 13 đồn lẻ và có sự chi viện của không quân, pháo binh từ căn cứ Hồng Tâm và Thiết đoàn 1 từ căn cứ Hoa Lư. Đánh giá chung, căn cứ Lộc Ninh là một cụm cứ điểm rất mạnh, quân đông, hệ thống công sự vật cản rất kiên cố, vững chắc.

Để đảm bảo chắc thắng cho trận mở đầu then chốt của chiến dịch, mặc dù xe tăng T-54 chưa vào đến nơi song Bộ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn quyết định sử dụng Sư đoàn bộ binh 5 chủ lực của Miền được tăng cường Đại đội XT10, Đại đội cao xạ tự hành (CXTH) 52 cùng một số phân đội hỏa lực khác tiến công căn cứ này vào ngày 5.4.1972.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh, Bộ Tư lệnh Miền còn tổ chức các đòn đánh nghi binh bên hướng Đường 22, đồng thời bố trí lực lượng đón lõng phục kích quân địch từ căn cứ Hoa Lư về chi viện cho Lộc Ninh.

Vừa hành quân một chặng đường dài vào đến nơi đã nhận lệnh đi chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn xe tăng 20 đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên, bắt tay ngay vào tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.

Một mặt, cán bộ các cấp tham gia đi trinh sát thực địa, một mặt cán bộ chiến sĩ ở nhà trần lưng ra làm công tác kỹ thuật, hiệu chỉnh vũ khí, bổ sung nhiên liệu, đạn dược, đảm bảo cho 9 xe tăng T-54 và 3 xe cao xạ tự hành ZSU-57-2 đều tham gia chiến đấu được.

Có một khó khăn là khi tổ chức cho trưởng xe, lái xe đi trinh sát đường cơ động thì mọi ngả đường đều gặp địch nên bộ đội xe tăng phải đắp bàn cát và tổ chức hiệp đồng với nhau ngay tại vị trí tập kết. Mặc dù vậy, trận đánh vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Ngày 5.4.1972, Trung đoàn 2 của Sư đoàn bộ binh 5 bắt đầu tiến công và thực hiện vây lấn địch trong căn cứ.

Ngày 6.4.1972, Thiết đoàn 1 VNCH từ căn cứ Hoa Lư cơ động về giải vây cho Lộc Ninh rơi vào bẫy phục kích, bị tiêu diệt gọn. Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng bị bắt sống.

Đêm 6.4, rạng ngày 7.4, xe tăng cơ động từ vị trí tập kết lên tuyến triển khai. Máy bay AC130 lên không kích chặn đường. Đại đội CXTH 52 nổ súng bắn rơi 1 máy bay AC130, đảm bảo xe tăng đến đích đúng thời gian quy định.

Đúng 5 giờ sáng ngày 7.4.1972, tận dụng kết quả vây lấn của Trung đoàn 2 và hỏa lực chuẩn bị của pháo binh, Trung đoàn BB 3 và Đại đội XT10, Đại đội CXTH52 đồng loạt tiến công trên 2 hướng vào căn cứ Lộc Ninh.

Hết sức bất ngờ vì sự xuất hiện của xe tăng Quân giải phóng (QGP), tinh thần binh lính VNCH "xuống đến gót chân" nên nhanh chóng tan rã.

Vì vậy, chỉ sau hơn 2 giờ chiến đấu QGP đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Lộc Ninh, tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch - trong đó có Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, chỉ huy trưởng Chiến đoàn 9.

Trận Lộc Ninh là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã thắng lợi rực rỡ, mở ra một trang sử mới trong hoạt động tác chiến tại chiến trường này.

Riêng Đại đội XT10, sau trận này được Bộ chỉ huy Miền tặng cờ "ĐÁNH GIỎI".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại