Đang đi đường người đàn ông bỗng liệt nửa người, không nói được

N. Huyền |

Trước khi nhập viện 30 phút, đang đi trên đường anh Đ.V.D (32 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, liệt hoàn toàn nửa người phải, không nói được.

Bệnh nhân ngay lập tức được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Ngay khi tiếp nhận thăm khám, nhận thấy tình trạng bệnh nhân liệt nửa người phải, thất ngôn, kết quả chụp CT não không thấy tổn thương do xuất huyết não, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ đầu.

Ngay lập tức, bệnh viện đã khởi động quy trình điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp, xử trí dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân.

Sau tiêm thuốc 30 phút, cơ lực của bệnh nhân cải thiện, tỉnh táo trở lại, nửa người phải dần cử động được. Sau điều trị phục hồi chức năng 3 ngày, bệnh nhân đã phục hồi, nói chuyện, đi lại được.

Đang đi đường người đàn ông bỗng liệt nửa người, không nói được - Ảnh 1.

Bệnh nhân D. đã qua cơn nguy kịch

Bởi đột quỵ do nhồi máu não là bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu thế giới chỉ sau ung thư, tim mạch. Tỷ lệ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.

Bác sĩ CKI. Nguyễn Ngọc Tuyền – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Đây là một trong những ca bệnh khá trẻ tuổi bị đột quỵ não chúng tôi tiếp nhận trong thời gian gần đây. Đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người trẻ bị tai biến chiếm từ 25 - 30% trong tổng số những ca bệnh tai biến mạch máu não, một con số đáng báo động trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Tại Trung tâm Đột quỵ (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp người trẻ bị đột quỵ não.

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm cho biết, bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi gia tăng PGS. TS Duy Tôn cho rằng, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Điều đáng nói, theo PGS. TS Mai Duy Tôn phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.

“Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, PGS. TS Mai Duy Tôn cho hay.

Trước đây khi chưa có phương pháp tiêu sợi huyết, bệnh nhân nhồi máu não có thể tử vong hoặc nếu được cứu sống phải chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, méo mồm… gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động thường ngày, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình.

Phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch khi được sử dụng kịp thời sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần phẫu thuật hay can thiệp, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, phục hồi sức khỏe nhanh chóng, hạn chế các di chứng.

Các bác sĩ cũng lưu ý “thời gian” là “chìa khóa” quyết định thành công và đem lại “cơ hội sống” cho bệnh nhân bởi thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch Alteplase có tác dụng tối ưu với bệnh nhân nhồi máu cấp tính trước trước 4.5 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ”.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

Người trẻ nên tạo nếp sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh, tránh stress trong cuộc sống, công việc, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe…

Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết.

Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.

Nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.

Nhồi máu não phân biệt với xuất huyết não – dạng tai biến mạch máu não khi mạch máu não vỡ ra, máu đột nhiên tràn vào mô não, gây tổn thương, phù não, tụ máu làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh và giết chết tế bào não.

Hiện nay, các phương pháp điều trị đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều cơ sở y tế đều hướng đến tái thông mạch máu trong khoảng thời gian ngắn nhất sau khi nhồi máu não. Trong đó, phương pháp tiêu huyết khối được triển khai sâu rộng tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện hàng đầu tuyến tỉnh.

Hiệu quả điều trị tối ưu đối với bệnh nhân có thời gian nhồi máu não dưới 3.5 giờ, thậm chí có thể kéo dài tới 4.5 giờ tính từ thời điểm khởi phát bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại