Dàn trận UAV ở biên giới, Trung Quốc hay Ấn Độ đang 'hụt hơi'?

Minh Thu |

Trong bối cảnh Trung – Ấn vẫn chưa thể giải quyết tranh chấp trên dãy núi Himalaya, UAV đang chứng minh vai trò quan trọng tại khu vực này.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hồi tuần trước, truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ nước này đã lên kế hoạch mua thêm máy bay không người lái (UAV) Heron từ Israel và thậm chí UAV Predator của Mỹ cũng đang nằm trên bàn thảo luận.

Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng các UAV trong một thời gian dài dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC), nơi vốn được xem là đường biên giới chia cắt Trung - Ấn.

Hồi đầu tháng Bảy, Bắc Kinh còn cho công bố hình ảnh về hoạt động của quân đội Ấn Độ ở thung lũng Galwan, một trong những điểm nóng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn. Dường như những bức ảnh này do các UAV Trung Quốc ghi lại.

“UAV có thể dễ dàng tiếp cận những khu vực mà con người không thể tới được và giám sát những địa điểm quan trọng mà con người không thể tuần tra. Ấn Độ hiện ở tình thế bất lợi cả về chất lượng và số lượng UAV so với Trung Quốc”, nhà phân tích quân sự Zhou Chenming nhận định.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hiện là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Độ. Trong đó, quân đội Ấn Độ sử dụng các UAV Heron và Seacher từ IAI để làm nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Còn UAV Harpy và Harop được sử dụng cho nhiệm vụ chống bức xạ.

Cụ thể, Heron là UAV chiến đấu hoạt động trong thời gian dài ở độ cao tầm trung với có chiều dài 8,5 m. UAV Heron có thể chở theo khối lượng thiết bị và vũ khí lên tới 250 kg. Tốc độ di chuyển tối đa là 200 km/h và có thể bay liên tục trong 52 giờ đồng hồ. Ngoài ra, trần bay tối đa là 10.000 m. Trong khi đó, các UAV Searcher chỉ có trần bay tối đa là 6.100 m

Trên thực tế, LAC trải dài hàng nghìn kilomet dọc dãy núi Himalaya có độ cao lớn nhất thế giới. Độ cao trung bình của các khu vực ở Himalaya là trên 4.000 m, và một số nơi đạt tới trên 8.000 m. Do đó, đây là khu vực khắc nghiệt đối với hoạt động của các UAV.

Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 70 UAV Heron. Vào năm 2018, UAV Heron từng vượt qua LAC nằm gần cao nguyên tranh chấp Doklam và rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2017, một UAV khác của Ấn Độ cũng gặp phải tình cảnh tương tự, nhưng loại UAV gặp nạn không được công bố.

Ngoài việc trang bị các UAV mua từ nước ngoài, Ấn Độ cũng đã tự phát triển các UAV nội địa gồm Rustom I và Rustom II. Song cho tới nay, hai loại UAV này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Trái lại, Trung Quốc lại đang là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới. Một trong những UAV được quân đội Trung Quốc sử dụng nhiều nhất là UAV trinh sát/ tấn công GJ-2.

Hiện vẫn chưa có con số cụ thể UAV GJ-2 nằm trong biên chế quân đội Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã bán 48 chiếc UAV GJ-2 cho Pakistan theo phiên bản xuất khẩu mang tên Wing Loong II.

UAV GJ-2 dài 11 m, có thể chuyên chở khối lượng thiết bị và vũ khí nặng tới 480 kg. UAV có thể mang theo 12 tên lửa hoặc bom, di chuyển với tốc độ tối đa 380 km/h, tốc độ hành trình là 200 km/h và trần bay tối đa là 9.000 m.

Những chi tiết kỹ thuật này cho thấy, UAV GJ-2 Trung Quốc có kích cỡ lớn hơn, di chuyển nhanh hơn và trang bị nhiều vũ khí hơn so với UAV Heron do Israel sản xuất và quân đội Ấn Độ đang sử dụng.

Ngoài UAV GJ-2, quân đội Trung Quốc còn cho triển khai các UAV trinh sát tầm xa/tấn công như CH-4. CH-4 từng trải qua các bài thử nghiệm ở cao nguyên Tây Tạng vào năm 2018 và phiên bản nâng cấp sử dụng trên những khu vực địa hình núi cao BZK-005C cũng đã từng xuất hiện ở sân bay Lhasa ở Tây Tạng vào năm 2017.

UAV BZK-005C được thiết kế tối ưu cho hoạt động hạ cánh xuống các đường băng đất mềm và sức chở là 300 kg.

Hồi đầu năm nay, UAV BZK-005C đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng. Vào thời điểm đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin các UAV này đã thực hành tấn công khi bắn hàng loạt loại bom dẫn hướng và tên lửa vào các mục tiêu nằm dưới mặt đất.

Ngoài các UAV tấn công cỡ lớn, quân đội Trung Quốc còn sử dụng UAV phục vụ những mục đích khác.

Hình ảnh từng được truyền hình quốc gia Trung Quốc tiết lộ cho thấy, một nhóm trinh sát đã sử dụng máy bay trực thăng 4 cánh quạt (quadcopter) chỉ dài 20 cm để thực hiện diễn tập xâm nhập vào ban đêm trên độ cao lớn. Còn các lữ đoàn pháo binh Trung Quốc dùng UAV hạng nhẹ để phát hiện mục tiêu nằm cách xa hàng chục kilomet.

Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc còn dùng UAV để vận chuyển thực phẩm, thuốc men và đạn dược tới những vị trí mà các phương tiện quân sự thông thường không thể tiếp cận được.

“Đối với Ấn Độ, chương trình mua sắm UAV còn diễn ra chậm và số lượng UAV còn ở mức giới hạn. Hiện không có UAV tối tân nào giá rẻ trừ hàng của Trung Quốc. Do đó, xét về phương diện UAV ở biên giới, Ấn Độ hiện bị Trung Quốc vượt xa”, ông Zhou nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại