Su-30MKI và Su-30MKK sẵn sàng không chiến nảy lửa: Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ "nếm trái đắng"?

Vy Lam |

Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định Su-30MKK là phiên bản mạnh nhất trong gia đình Su-30.

Su-30MKI vs Su-30MKK

Theo EurAsian Times, trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Trung-Ấn vẫn còn ở mức cao, chúng ta không thể loại bỏ khả năng sẽ nổ ra một cuộc không chiến giữa các tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ và Su-30MKK Trung Quốc, bởi đây là những phi cơ đóng vai trò xương sống trong không quân hai phía.

Cuộc đối đầu giữa Su-30MKI và Su-30MKK cũng sẽ là phép thử đối với công nghệ Nga.

Các chuyên gia của EurAsian Times cho biết, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có rất nhiều khí tài quân sự Nga trong kho vũ khí, tiêu biểu là các tiêm kích Su-30.

Su-30MKI và Su-30MKK sẵn sàng không chiến nảy lửa: Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ nếm trái đắng? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: economictimes

Không quân Ấn Độ đã di chuyển các phương tiện tác chiến quan trọng, bao gồm tiêm kích Su-30MKI và Mirage 2000, tới các căn cứ tiền tuyến – nơi chúng có thể xuất kích bất ngờ để tiến hành các chiến dịch chống lại Trung Quốc.

Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ các "quân bài" của mình nhưng giới chuyên gia nhận định, họ có thể đã bố trí các tiêm kích Su-30MKK, J-11 hoặc J-16 gần Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã cho ra đời những mẫu tiêm kích Sukhoi nội địa dựa trên thiết kế của Su-30. Đây là mẫu máy bay chiến đấu 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, siêu cơ động, do Tập đoàn hàng không Sukhoi phát triển từ thời Liên Xô. Su-30 có thể tác chiến đa nhiệm trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện các nhiệm vụ không-đối-không và không-đối-đất.

Hiện nay, Su-30MKI và Su-30MKK/MK2 đều lần lượt đóng vai trò quan trọng trong biên chế Không quân Ấn Độ (IAF) và Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Bên nào sẽ chiếm ưu thế?

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đều vận hành các chiến đấu cơ Sukhoi, nhưng truyền thông Ấn Độ cho rằng phiên bản Su-30MKI của New Delhi "ở chiếu trên" so với Su-30MKK/MK2 của Trung Quốc.

Sau khi tiếp nhận lô Su-30MKI đầu tiên, New Delhi và Moscow đã ký thỏa thuận cho phép công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ sản xuất mẫu máy bay này trong nước theo giấy phép để cung cấp cho IAF.

Phiên bản Sukhoi của Ấn Độ được lắp đặt các hệ thống tác chiến điện tử và hàng không tiên tiến của Israel, khiến chúng trở nên khác biệt so với Su-30 nguyên bản. Thêm vào đó, Su-30MKI trang bị nhiều loại tên lửa đa dạng, trong đó có phiên bản gốc R-73/77 của Nga và phiên bản nội địa Astra của Ấn Độ. Bên cạnh đó còn có tên lửa BrahMos do Nga-Ấn hợp tác sản xuất.

Các tên lửa Astra do Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) sẽ cho phép Su-30MKI tăng tầm bắn và khiến nó trở nên đáng gờm hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra, các chuyên gia Ấn Độ cho rằng, phiên bản MKI ứng dụng công nghệ vector lực đẩy, giúp máy bay cơ động hơn nhiều so với phiên bản của Trung Quốc.

Su-30MKI và Su-30MKK sẵn sàng không chiến nảy lửa: Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ nếm trái đắng? - Ảnh 2.

Tên lửa Astra Mk-I của Ấn Độ. Ảnh: Sputnik

So với IAF, PLAAF có 2 phiên bản Su-30, bao gồm Su-30MKK và Su-30MK2. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại hạn chế việc sử dụng công nghệ của Israel và phương Tây lên các chiến đấu cơ của mình, họ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga hoặc nguồn lực trong nước.

Trong khi New Delhi đã có giấy phép sản xuất các tiêm kích Su-30MKI tại Ấn Độ, thì Bắc Kinh lại đi sao chép thiết kế của Nga để cho ra đời hai mẫu J-11 và J-16. Chúng lần lượt dựa trên thiết kế của Su-27 và Su-30.

Hiện tại, IAF có 260 tiêm kích Su-30MKI và dự kiến con số này sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Trước đó, theo EurAsian Times đưa tin, New Delhi đã nhất trí mua thêm 12 chiếc Su-30MKI từ Nga.

Về phần mình, giới chuyên gia Trung Quốc bác bỏ các tuyên bố của Ấn Độ và khẳng định Su-30MKK là phiên bản mạnh nhất trong gia đình Su-30. Biến thể đa nhiệm này được tăng cường năng lực tác chiến chống lại các mục tiêu trên bộ/không/biển.

Su-30MKI và Su-30MKK sẵn sàng không chiến nảy lửa: Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ nếm trái đắng? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MKK của Trung Quốc. Ảnh: Wiki

Trung Quốc còn nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực của Su-30MKK, cho phép nó triển khai nhiều loại vũ khí nội địa như tên lửa chống tàu YJ-12, YJ-18 và các tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực là một trong những hệ thống quan trọng nhất trên bất cứ loại máy bay chiến đấu nào. Ấn Độ đã nhiều lần gặp bế tắc khi tìm cách nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực trên các tiêm kích Mirage 2000, họ vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.

Trong khi đó, Trung Quốc lại giàu kinh nghiệm tự mình nâng cấp các chiến đấu cơ do Nga sản xuất.

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh đã thành công chuyển đổi hệ thống kiểm soát hỏa lực trên Su-30MKK để giờ đây chúng trở nên tương thích với các tên lửa nội địa của Trung Quốc. Đây là những tên lửa từng được quan sát thấy và đưa ra phân tích trước đây, chúng hứa hẹn sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với các đối thủ của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại