Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì?

B.T sưu tầm, sách Việt Nam phong tục |

Nước ta, mỗi làng thờ thần là có sự tích riêng, mở hội thì làng nào theo sự tích làng ấy, nhưng đại khái cũng chẳng khác bao nhiêu. Nhất là khi mở hội, đại hội.

"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".

Phan Kế Bính (1875-1921)

Các trò thì nơi dùng trò này, nơi dùng trò khác, nhưng đại khái các trò chơi như sau này:

1. Hát bội

Hát bội có rạp, hoặc bắc giàn dưới gốc cây to; hoặc hát tại nơi đình điếm. Phường hát bội độ chừng mười một, mười hai người, một vài anh đánh trống đánh phách, một vài anh vẽ hề đóng tướng, cũng dùng điển này tích nọ ra trò, mà nhất là hay pha tán nhảm, làm cho thiên hạ nực cười.

Ở ngoài có một người viên chức cầm trống chầu, hễ hát câu nào hay, hoặc pha câu nào vui thì cắc một tiếng. Phường nào hát giỏi được thưởng nhiều, phường nào hát dở được thưởng ít, có khi hát khoán cứ mỗi buổi tối là mấy đồng bạc gì đó.

2. Hát tuồng

Hát tuồng hát bội chỉ khác nhau là hát tuồng thì hát một cách nghiêm chỉnh, người nhiều đồ tốt ít tán nhảm, thường dùng những điển tích đánh nhau như điển: Tam quốc, Bình Đông, Bình Tây, v.v.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 2.

 3. Trò quỷ thuật

Quỷ thuật có nhiều cách làm cho kinh nhân nhĩ mục. Ví như một chậu nước không, bọn ấy phù chú một lúc, rồi thả câu vào giật lên được cá. Lại như một cái chén không, họ trùm mảnh vải lên cái chén ấy, một lúc mở ra có đầy chén rượu. Lại như họ úp một cái bu không, trùm vải kín, phù chú một lúc, mở ra thành đầy một bu chim.

Lại như họ leo dây múa rối: dùng một sợi dây to buộc trên lưng chừng hai cái cột tre, căng đầu nọ đến đầu kia, dài độ mươi thước, rồi một người tay cầm cái sào đi trên sợi dây ấy, vừa đi vừa múa, miệng thì hát, có khi vừa đi vừa tung ba con dao, hoặc ba quả lăn.

Đại để thuật này này thuật Tả Từ đời Tam quốc.

4. Trò dưới nước

Bắc rạp dưới nước, phường hát ngồi trong rạp trống phách hát hỏng, một người đứng dưới nước cầm máy, làm cho các người gỗ đi chạy trên mặt nước, hoặc đánh nhau, hoặc làm hai con rồng chọi nhau, hoặc làm ông Lã Vọng câu cá, có cá nhảy ra đớp mồi, giật lên được cá.

5. Hát quan họ

Hát quan họ là một bên giai một bên gái, hát đối đáp với nhau, như kiểu hát trống quân, tục này ở vùng Bắc Ninh hay có.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 3.

6. Bắt bài

Mười hai hoặc mười tám, hai mươi bốn ả đào mỗi đứa mặc một màu áo, hoặc xanh hoặc đỏ, đầu đội mũ cài trâm, thắt lưng ra ngoài, mỗi vai cầm một cái đèn bóng, tay múa miệng hát, lượn đi lượn lại, có dịp, có dàng.

7. Múa bông

Phường múa bông có nhiều cấp: Một cấp là đầu họ đội chếch một cái đèn, nhảy lên nhảy xuống, khi nghiêng khi ngả, tay thì múa miệng thì hát mà đèn vẫn không đổ được. Một cấp là họ dùng một cái chai để nằm ngang trên đầu cái que, trên cái chai lại để một cái trứng gà, rồi họ chống cái que ấy lên mũi mà múa, mà chai và trứng gà không đổ.

Một cấp nữa là họ để úp một cái đĩa lên đầu cái que, rồi họ quay cho cái đĩa cứ xoay tròn trên đầu que, thỉnh thoảng tung lên tung xuống mà đĩa không đổ. Một cách nữa là miệng họ ngậm một cái chân bàn (bàn viết nhỏ của ta) để hơi chếch ngược một góc, rồi hai tay họ cắp nách, lượn đi lượn lại được.

Trò ấy ở Nam kỳ thường có.

8. Tổ tôm điếm

Làm một cái rạp thực rộng, trong rạp năm góc có năm điếm, ở khoảng giữa là chỗ chia bài, có giá cắm bài nọc. Mỗi điếm cũng có một cái giá cắm bài. Một người hoặc hai ba người chung nhau một điếm, đánh to đánh nhỏ, tùy hẹn ước với nhau.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 4.

Đánh bài có trống có đồng la làm hiệu, có đầy tớ chạy bài, ăn cây bài, hoặc dậy khàn, dậy thiên khai, hoặc ù, đều có hiệu trống riêng, ví như ăn thì đánh một tiếng, phỗng thì đánh luôn hai tiếng, dậy khàn thì đánh ba tiếng, dậy thiên khai thì đánh bốn tiếng, ù thì đánh luôn một hồi, không ăn thì đánh một tiếng đồng la, còn xem chưa chắc rằng ăn hoặc ù hoặc phỗng hay không thì đánh một tiếng tùng một tiếng cắc, v.v. Hễ đánh sai tiếng trống thì dẫu ù cũng không được ăn tiền, mà còn nhiều khi phải đền.

Ai ù được luôn ba ván đầu gọi là liên tam tiệp hoặc ai ù được chi chi, bạch định, thập hồng thì làng có giải thưởng. Người được giải thì đốt pháo ăn mừng.

9. Bài phu điếm

Bài phu cũng có rạp như tổ tôm điếm, nhưng chỉ có bốn điếm mà thôi. Cách đánh cũng lấy tiếng trống tiếng đồng la làm hiệu, ai đổ lớn cũng có giải thưởng nhưng không vui bằng tổ tôm.

10. Cờ người

Cờ người mỗi bên có mười sáu quân là mỗi bên có một tướng, hai sĩ, hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã, năm tốt, bàn cờ vẽ giữa sân đình, hai bên có hai cái rạp để chỗ cai cờ ngồi. Trước mặt cai cờ dàn bày rất nghiêm chỉnh. Mỗi nước cờ có một cái ghế để cho tướng cờ và quân cờ ngồi.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 5.

Tướng và quân, bên giai bên gái mỗi bên mười sáu người, cắt toàn trạc mười hai, mười ba tuổi cho chí mười tám, hai mươi tuổi là cùng. Bên cờ giai mặc toàn một sắc áo, bên cờ gái cũng mặc toàn một sắc áo, ai vào quân gì phải cầm một cái biển quân cờ ấy, cai cờ sắp thành hàng rồi thì để cho thiên hạ vào đánh.

Ai muốn đánh cờ, trước phải khảo trịch, hễ cao cờ mới được vào đánh. Trước khi đánh, mỗi bên một người cầm lá cờ nhỏ vào lễ thần, rồi giở ra mới đánh. Ai đi nước nào thì phất ngọn cờ mà chỉ bảo con cờ, con cờ phải theo ngọn cờ mà đi. Mỗi bên có một vài đứa nhỏ cầm trống cầm đồng la để giục người đánh cờ, hễ ai chậm đi thì chúng nó khua trống khua đồng la vào mang tai cho rối trí lại.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 6.

Phía trong có dân làng cầm trịch, ai đi nhầm một nước cũng là thua.

Ai đánh được thì được giải thưởng, ai thua thì có kèn trống rước ra, nghĩa là làm cho sỉ nhục, coi như đưa ma người chết vậy. Hôm cuối cùng là hôm phá giải cờ, ai giữ được giải đến hôm ấy thì có thưởng to.

Thiên hạ lắm kẻ vì đánh cờ thua xấu hổ sinh thù, cho nên có làng ai được cờ thì phải cho tuần đưa về đến tận nhà.

11. Cờ bỏi

Xã nào to thì mở cờ người, xã nào nhỏ thì mở cờ bỏi. Cờ bỏi thì viết con cờ vào đèn lồng, hoặc làm như hình cái thẻ mà cắm vào nước cờ, ai đánh thì xách đèn mà đi hoặc rút thẻ mà cắm, cũng có giải thưởng, nhưng không vui bằng cờ người.

12. Đánh vật

Đánh vật phải là phường đô vật mới đánh được, có miếng có mẹo, phải luyện tập từ trước. Khi vào vật, mỗi người đứng mỗi bên, hai bên đều cởi trần đóng khố. Có người cầm trống; hễ nghe trống mới được vào vật.

Dân gian xưa thường chơi cờ người, tổ tôm, đấu vật... mỗi kỳ lễ hội, vậy quỷ thuật là gì? - Ảnh 7.

Thoạt mới vào thì đôi bên còn vờn nhau từng miếng, rồi lăn vào bá cổ nhau, anh thì kéo cẳng, anh thì nắm khố, một hồi lâu, ai ngã nằm xuống dưới thì thua. Dân làng hồi trống thì đôi bên đều phải buông nhau ra, cùng vào lễ tạ trước sân đình rồi ai được thì lĩnh thưởng.

***CÒN TIẾP

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại