"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".
Phan Kế Bính (1875-1921)
TRÒ CHƠI DÂN GIAN (TIẾP)
13. Đốt cây bông
Cây bông bằng thuốc pháo, nhưng người làm có khéo chế thuốc thì khi đốt mới đẹp. Lúc đốt, trước còn bắn ra hoa cà, hoa cải, kế đến có những pháo thăng thiên nổ ra cả màu sắc, rồi thuốc chạy đi chung quanh, lúc thì thành ra hình chú tiểu leo cây cau, vịt lặn, lúc thì thành ra hình bốn chữ "thái bình thiên hạ", cũng là một xảo thuật của An Nam ta vậy.
14. Bơi chải
Gần hồ hoặc gần sông thì thi bơi chải, năm sáu chiếc thuyền hoặc mươi chiếc, họ hay làm đầu rồng đuôi tôm bằng giấy để trên đầu thuyền và dưới đuôi thuyền, gọi là thuyền rồng. Mỗi thuyền độ chín, mười người cầm một cái bơi chèo, và có một người đứng đuôi thuyền cầm lái.
Người thuyền nào mặc áo sắc riêng thuyền ấy. Giữa sông hoặc giữa hồ có cắm một lá cờ và treo một bánh pháo. Thuyền sắp đều một hàng. Có người cầm trống, hễ nghe mấy tiếng trống hoặc phất cờ thì đua nhau mà bơi. Thuyền nào bơi mau ra chỗ cắm cờ, đốt bánh pháo, nhổ được lá cờ đem vào thì được giải.
15. Chọi trâu
Tục chọi trâu ở vùng Hải Dương thường có. Chung quanh phải bắc gióng cho trâu khỏi sổng ra ngoài. Khi chọi thì hai người dắt hai con trâu đực đến cho nó húc nhau, con nào được thì người chủ được giải.
16. Chọi gà
Người chọi gà cũng lắm công phu. Trước khi đem đi chọi, nào vỗ về, nào nắn bóp, nào chườm mào, nào mài cựa, lại phải luyện tập cho nó có can đảm. Khi đánh chọi, đã vẽ một cái vòng, hễ con nào chạy ra ngoài là thua. Giống gà chọi thường ham đánh nhau, có khi chọi nhau đến chết mới thôi chớ không chịu chạy. Người có gà chọi, ngoài cái giải của làng, thường lại đánh cuộc với nhau to lắm, có khi cuộc đến hai, ba trăm bạc.
17. Chọi chim
Chọi chim thường chọi bằng chim họa mi, mở cửa lồng cho hai con mổ nhau, mỗi một cái mổ là một nước, con nào mổ nhiều nước hơn là được giải.
Tục này ở thành phố Hà Nội hay có, cuộc cũng to.
18. Thả chim
Thả bằng chim bồ câu, hội nào có cuộc thả chim thì tứ xứ đem đến thả. Đàn nào bay cao nhất là được giải. Mỗi con chim, họ buộc một ống sáo nhỏ, khi chim bay kêu ve ve cả lên. Chim bồ câu này rất khôn, dẫu ở đâu xa đem đến thả, nó bay cao rồi nó cũng bay về nhà nó, cho nên quân gia thường dùng để thông tin.
19. Thả diều
Diều làm bằng giấy, mỗi cái diều cắm hai ba cái sáo nhỏ gọi là sáo còi, to gọi là sáo cồng sáo chiêng. Lúc thả, một người cầm dây vừa chạy vừa giật, hễ diều nào bay cao hơn thì được giải.
20. Cây đu
Chôn ba cụm tre chụm đầu làm một, treo cây đu tự trên dòng xuống, ở dưới có bàn đạp. Ai muốn đánh đu thì chân đứng vào bàn đạp, hai tay nắm hai bên đu mà rún rẩy, đưa mình lên trên không. Lại có một thứ đu nữa gọi là đu bát tiên có tám khung, mỗi khung có chỗ ngồi, hễ đủ tám người ngồi thì đu quay tròn đi, hình như cái chong chóng vậy.
21. Đáo đĩa
Họ thường cắm mấy cây nứa ở dưới nước cạnh bờ sông bờ ao, trên giải một cái nia, quây cót chung quanh mà để hở mặt trước cửa. Trên nia kê chếch một cái đĩa, rồi treo giải độ vài tiền kẽm ở đó. Trẻ con đứng trên bờ ném từ đồng kẽm vào đĩa, tợ hồ đánh đáo, hễ đồng tiền trúng vào nằm trong đĩa thì được giải, không thì mất.
22. Leo cột
Cột dài độ mười lăm, mười tám thước, trên nhỏ dưới to, bào thật nhẵn, lại bôi mỡ cho trơn. Trên đầu cột treo giải, hoặc vuông nhiễu, hoặc con vịt, hoặc cái quạt tàu, ai trèo lên đến nơi giật giải đem xuống thì lại được thêm giải khác nữa.
23. Bịt mắt bắt dê
Làm một cái chuồng rộng, chung quanh bắc gióng cho dê khỏi chạy ra ngoài. Trong thả độ dăm bảy con dê, mỗi chỗ đào một cái hố, và bỏ ngổn ngang các đoạn chuối. Ai vào bắt dê phải bịt mắt cho kỹ, cứ nghe tiếng dê đuổi mà theo bắt, thỉnh thoảng vấp phải đoạn chuối ngã, hoặc sa vào hố thì thiên hạ lại cười ầm lên, ai bắt được con dê nào thì cho.
24. Quàng vai bắt chạch
Chạch thả vào chum hoặc vào vại, rồi hai người, một người đàn ông một người đàn bà, mỗi người một tay quàng vai nhau, còn mỗi người một tay thì thò vào chum hoặc vại mà bắt chạch. Chạch trơn khó bắt mà đàn ông đàn bà quàng vai nhau, thiên hạ lấy làm thích.
25. Nhảy bị
Người đứng vào trong bị, buộc thắt miệng bị lại rồi nhảy đi. Hễ nhảy thì lại ngã lăn quèo ra, thiên hạ cười ầm cả lên, ai nhảy không ngã thì được giải.
26. Thổi cơm thi
Có nơi đến ngày hội thì thổi cơm thi. Mỗi người bắc một cái bếp, một cây tre non, và một con dao, vừa vót tre vừa thổi, lấy tre ấy mà đun bếp, hễ ai thổi chín trước thì được giải. Lại có nơi vừa ăn mía vừa thổi cơm, lấy bã mía mà trở bếp.
Còn nhiều cách chơi nữa như bắt lợn, bắt vịt, thi chạy, kéo co, chui qua thùng nước, v.v. Nói rút lại thì toàn là trò chơi cho thiên hạ vui cười mà thôi.
27. Tuyên lời khánh chúc
Các làng mở hội, thường có một cuộc tuyên lời khánh chúc. Lời khánh chúc là một bài tràng thiên từ phú, đại để tả hết cái cảnh trong làng mình, cùng là kể lại ý dân xã nhờ thần ủng hộ mà nên thịnh vượng phát đạt, rồi thì chúc tụng công đức thần mà cầu cho dân được an hưởng thái bình.
Đọc lời khánh chúc cũng có treo giải thưởng, giải đầu độ dăm đồng bạc, bốn bao trà tàu, hoặc một vuông nhiễu điều, giải nhì độ hai bao trà, cái quạt tàu, hoặc một vuông nhiễu điều, còn giải ba giở đi gọi là giải hàng thì chỉ một vài ngòi bút, và một tập giấy hoa tiên, v.v.
Khi đọc, dân làng cắt một người thông thái cầm trống, hễ sai một chữ hoặc sai một tiếng thì cắc một tiếng, mỗi một tiếng cắc bỏ một thoi vàng làm thẻ, hễ nhiều thẻ sai thì không được. Ai đọc từ đầu đến cuối, trơn tru gãy gọn mà không sai một tiếng nào mới được giải nhất, sai một vài tiếng được giải nhì, sai dăm ba tiếng được giải ba, còn sai quá mười tiếng thì thôi.
Đọc lời khánh chúc, bất cứ người trong làng, người hàng tổng hàng huyện hoặc người ngoài cũng được. Nhưng dân tình phần nhiều là thiên tư, người ngoài giỏi đến đâu cũng không lấy được giải, chung quy lại con nhà quyền thế trong làng lấy giải mà thôi.
28. Rã đám
Hội chừng hai mươi ngày hoặc một tháng, rồi đại tế một tuần thì rã đám. Hôm rã đám lại rước thần vị về miếu, gọi là rước hoàn cung. Rước hôm ấy cũng như hôm mới rước về đình.
***
Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình.
Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước xách tế bái lắm thì hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng thì chịu làm sao cho được?
Vả lại đã gọi là hội thì trừ ra việc đóng góp việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn thì ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em thì bỏ công bỏ việc để ở nhà đi hội, vậy thì chẳng những vô ích, mà lại hại thêm cho làng nữa.
Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng trong làng là sính mở hội, vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điếm, bài phu điếm, hoặc gá bạc để lấy hồ, v.v. Họ mượn tiếng sự thần mà kỳ thực là cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, động nói đến việc sự thần thì không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt mà chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật thì bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!
Trong cuộc hội hè của ta, lại lắm lúc tục rất dã man nực cười: trước mặt thiên hạ mà cởi trần đóng khố để vào đánh vật, sao mà thô tục làm vậy?
Lại có một việc rất nực cười và rất là bêu nhuốc dân phong, như làng nọ thờ dâm thần, cứ đến ngày rã đám thì buổi tối tế một tuần, trong khi đang tế tắt hết đèn nến, đình miếu tối mù, rồi đàn bà đàn ông, bất cứ ai, đùa lẫn nhau một lát, có câu tục ngữ rằng: "Bơi Đăm, rước Dá, hội Thầy, Vui thì vui vậy chẳng tầy Dã La". Cái vui ấy thực là cái vui mạt!
Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên lập tức bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết, thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tỉnh bớt những cách phiền phí, chỉ hội trong ba ngày tưởng đã là nhiều.
Dân đàn em cũng nên biết rằng: phàm sự gì đã có lợi hại can hệ đến mình, thì mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu mà ai bảo xôi ừ xôi, ai bảo thịt ừ thịt thì là hèn hạ quá. Mà dẫu ai có viện thần quyền để đè nén mình thì cũng nên biết rằng: thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận. Sách có chữ rằng:
"Tiên chí lực ư dân, nhi hậu thần giáng chi phúc", nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho, vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao?
* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.