Đàm phán thương mại, TQ chưa kịp vớt vát đã bị Mỹ "vỗ mặt": Cuộc chiến ngày càng dữ dội!

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Xem ra phía Mỹ đã gây khó khăn thực sự cho Trung Quốc, và Washington vẫn còn có thể tiếp tục khiến đối phương khó khăn, khó xử hơn nữa trong cuộc đối đầu thương mại này.

Đàm phán Mỹ-Trung thất bại toàn tập?

Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày đàm phán thương mại mà không đạt được kết quả cụ thể gì. Không có thông cáo chung. Không thấy có thỏa thuận về tiếp tục đàm phán trong tương lai gần. Cũng chẳng thấy hai bên thể hiện công khai thái độ gì mà chỉ thấy họ đều im lặng. Phải chăng là thất bại trên mọi phương diện?

Ngay từ đầu, mọi dấu hiệu đều chẳng thuận lợi chút nào đối với vòng đàm phán thương mại này giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này được biểu hiện trên 3 phương diện.

Thứ nhất, đây là đàm phán cấp thấp chứ không phải ở cấp có thể quyết định ngay tại bàn đàm phán. Vì thế, thực chất vòng đàm phán này chỉ là đề cập và trao đổi chứ không phải thỏa thuận và quyết định.

Thứ hai, đàm phán vừa mới bắt đầu thì phía Mỹ thực hiện áp thuế quan bảo hộ thương mại thêm 16 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc buộc phải đáp trả Mỹ tương ứng.

Đáng lẽ đàm phán để giải quyết bất hòa thì hai bên làm cho bất hòa trầm trọng thêm. Đáng lẽ đàm phán để hạ hỏa xung đột thương mại thì hai bên làm cho xung đột thương mại thêm quyết liệt.

Thứ ba, lần trước, đàm phán thương mại ở cấp quyết định chính sách, đạt được thỏa thuận, phía Mỹ tuyên bố tránh được xung đột thương mại với Trung Quốc mà rồi chẳng bao lâu sau đó chính phía Mỹ lại phát động cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc.

Như thế có nghĩa là chuyện tiến hành đàm phán và đạt được kết quả đàm phán không chi phối quyết định chính trị của Mỹ.

Cho nên, vòng đàm phán thương mại thứ hai này giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nói là đã thất bại ngay từ khi nó chưa được tiến hành. Có thể phía Trung Quốc kỳ vọng ở đó để vớt vát, chứ đối với phía Mỹ nó hoàn toàn không đóng vai trò quyết định gì tới diễn biến tiếp theo của cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nó chỉ có giá trị chính trị nhất định khi cho thấy hai bên vẫn muốn giữ cầu quan hệ hợp tác, chứ không muốn làm găng và đối địch nhau đến mức độ đổ vỡ, duy trì dư địa cho nhượng bộ lẫn nhau khi cần, khi có thể hoặc khi buộc phải nhượng bộ nhau mà giữ được thể diện và không bị coi là yếu thế hay thất thế trước phía bên kia.

Trong chừng mực đó, vòng đàm phán thương mại này thất bại nhưng không đến nỗi hoàn toàn vô nghĩa đối với cả hai bên.

Đàm phán thương mại, TQ chưa kịp vớt vát đã bị Mỹ vỗ mặt: Cuộc chiến ngày càng dữ dội! - Ảnh 3.

Đáng lẽ Mỹ-Trung đàm phán để giải quyết bất hòa, thì hai bên lại làm cho bất hòa trầm trọng thêm. Ảnh: Market Watch.

Thất bại nhưng không hoàn toàn vô nghĩa

Từ vụ việc này có thể rút ra được một số nhận thức sau về thực trạng và triển vọng của quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Thứ nhất, Mỹ sẽ còn tiếp tục làm găng nữa với Trung Quốc trong khuôn khổ chuyện đối đầu thương mại hiện tại.

Tùy thuộc vào diễn biến tình hình đối nội ở Mỹ và mức độ đối sách đáp trả của Trung Quốc, mà phía Mỹ sẽ dấn thêm xung đột thương mại với Trung Quốc trên phương diện mức độ và thời điểm.

Đằng sau chủ ý này xem ra có sự hiện diện của quan điểm ở phía Mỹ cho rằng Washington có nhiều con chủ bài đắc dụng hơn Bắc Kinh, tức là phía Mỹ đã gây khó khăn thực sự cho Trung Quốc và vẫn còn có thể tiếp tục khiến đối phương khó khăn, khó xử hơn nữa.

Thứ hai, giảm thâm hụt trong cán cân trao đổi thương mại của Mỹ với Trung Quốc chỉ là một trong nhiều mục tiêu mà phía Mỹ theo đuổi với cuộc đối đầu thương mại đã phát động nhằm vào Trung Quốc.

Trên danh nghĩa chính thức, phía Mỹ coi đó là mục tiêu chính, trong thực chất lại hoàn toàn không phải như vậy. Đằng sau đó là cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ nhằm không để bị Trung Quốc vượt về sức mạnh kinh tế, ảnh hưởng thị trường và ưu thế nổi trội về khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng như công nghệ cao.

Từ đó có thể thấy là cuộc xung đột thương mại này không thể tránh khỏi, chuyện tương tự như thế còn xảy ra trong tương lai và thương mại không phải là lĩnh vực hợp tác duy nhất có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Đàm phán thương mại, TQ chưa kịp vớt vát đã bị Mỹ vỗ mặt: Cuộc chiến ngày càng dữ dội! - Ảnh 5.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn vô hiệu hóa trật tự thương mại thế giới hiện tại để gây dựng cơ chế trao đổi thương mại mới như một cuộc chơi mới mà Mỹ đóng vai trò dẫn dắt và chi phối, tức là chuyển từ "với Mỹ" sang "theo Mỹ".

Ông Trump biết rằng Mỹ chỉ thực hiện được tham vọng lớn này khi khuất phục được Trung Quốc. Bởi thế, triển vọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động rất quyết định tới trật tự kinh tế và thương mại chung của cả thế giới trong tương lai.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại