Đài Loan bị giật đồng minh quý giá, Mỹ lo sốt vó sợ căn cứ Trung Quốc "mọc" sát lưng

Minh Khôi |

El Salvador có thể là một quốc gia nhỏ nhưng Mỹ đang lo ngại nước này có thể cung cấp cho Trung Quốc một cảng biển có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Mỹ lo căn cứ Trung Quốc xuất hiện

El Salvador chính thức cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh hôm thứ Ba, 21/8.

Trong khi Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh dụ dỗ đồng minh của họ bằng những đề nghị viện trợ hào phóng thì phía Mỹ nhận thấy động thái mới này không đơn thuần là một vụ gây sức ép lên đảo Đài Loan, mà còn là bước đi củng cố an ninh và kế hoạch chiến lược của Trung Quốc Đại lục ở khu vực.

Đại sứ Mỹ tại El Salvador bà Jean Manes viết trên Twitter hôm 21, thể hiện Mỹ lo ngại với quyết định của đất nước vùng Trung Mỹ.

"Không nghi ngờ gì, chuyện này sẽ tác động lên quan hệ giữa chúng tôi với chính phủ [El Salvador]. Chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ người dân Salvador," bà cho hay.

Hồi tháng trước, bà Manes cảnh báo Trung Quốc có ý định biến cảng thương mại La Union ở phía đông El Salvador thành một "căn cứ quân sự".

Theo bà, "đây là một vấn đề chiến lược, và chúng ta cần để mắt đến tình hình diễn ra".

Với bờ biển giáp Thái Bình Dương, El Salvador có diện tích chỉ bằng nửa Đài Loan và là đất nước nhỏ nhất Trung Mỹ. Nước này phát triển kinh tế chủ yếu nhờ xuất khẩu cà phê, đường, hàng dệt may và trang phục, lắp ráp sản phẩm. 1/3 trong tổng dân số 6.5 triệu của El Salvador có mức sống dưới nghèo.

Phần lớn cảng vận tải La Union vẫn chưa được sử dụng kể từ khi hoàn thành năm 2008, do thiếu lưu lượng hàng hải khiến nó khó thu hút đầu tư hơn.

Nelson Vanegas, chủ tịch Ủy ban điều hành cảng, cho biết hồi tháng 7 rằng ít nhất ba công ty - từ châu Á, châu Âu và Mỹ - có dự định đầu tư vào La Union. Thủ tục đấu thầu tìm chủ đầu tư dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới.

Hôm 21/8, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói Đài Bắc đã từ chối đề nghị của El Salvador về cấp vốn phát triển bến cảng do lo ngại địa điểm không phát triển bền vững. Ông Wu không chỉ rõ tên cảng biển đề cập là La Union.

Trung Quốc ít có khả năng sớm xây căn cứ ở El Salvador

Cũng trong tháng 7, bộ trưởng kinh tế El Salvador Luz Estrella Rodriguez hé lộ Bắc Kinh tỏ ra hào hứng với việc đầu tư để làm hồi sinh cảng La Union, ngoài ra Trung Quốc sẵn sàng rót tiền vào nhiều lĩnh vực khác của El Salvador.

Bà Rodriguez cho hay các công ty Trung Quốc - như tập đoàn nhà nước Citic Group - đã tiếp xúc với các quan chức Salvador trong vài năm qua để tìm kiếm cơ hội kinh doanh không chỉ liên quan đến bến cảng, mà còn về sân bay quốc tế và đường sắt.

"Hoàn toàn tự nhiên khi Trung Quốc có ý định xây dựng cảng ở El Salvador. Cảng này nằm ở trung tâm vùng Trung Mỹ, đóng vai trò trạm trung chuyển thương mại và vận tải kết nối Bắc Mỹ với Nam Mỹ," ông Xu Shicheng - nhà nghiên cứu tại Viện châu Mỹ-Latin, thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc - nhận xét.

"Người Mỹ muốn cáo buộc [cảng biển] sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự bởi vì họ cũng có hiện diện quân sự quy mô lớn trong khu vực, nhưng trên thực tế Trung Quốc không có hiện diện quân sự tại đây," Xu nói.

Đài Loan bị giật đồng minh quý giá, Mỹ lo sốt vó sợ căn cứ Trung Quốc mọc sát lưng - Ảnh 2.

Ngoại trưởng El Salvador Carlos Castaneda (trái) cùng đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chúc mừng lễ ký kết văn kiện thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hia nước tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, hôm 21/8 (Ảnh: AP Photo/Mark Schiefelbein)

Cơ sở quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh - đặt tại Djibouti - đi vào hoạt động từ năm ngoái. Trung Quốc cũng bị nghi ngờ đang phát triển một cơ sở tương tự tại cảng Gwadar mà nước này thuê từ chính phủ Pakistan trong thời hạn 40 năm.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng ít có khả năng Trung Quốc thiết lập một cảng quân sự ở El Salvador.

Collin Koh, chuyên gia về các vấn đề hải quân ở Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore, nói rằng còn quá xa vời để Bắc Kinh nhận thấy "căn cứ tiềm năng" ở cảng La Union, nhưng rõ ràng Trung Quốc muốn giành quyền quản lý và hỗ trợ phát triển các cảng ở nước ngoài, nằm tại những địa điểm chiến lược, để phục vụ lợi ích dài hạn của họ.

"Xây căn cứ ở khu vực này sẽ kéo theo rủi ro Mỹ phản ứng mạnh mẽ, dù chúng ta vẫn có thể chấp nhận ý tưởng Quân giải phóng nhân dân (PLA) đôi lúc sẽ sử dụng các cơ sở hạ tầng của cảng [La Union]," ông Koh bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại