Giới phân tích cho rằng, cuộc hội đàm này chỉ mở đường cho cuộc gặp gỡ đàm phán ở cấp cao hơn chứ không hy vọng sẽ có những bước tiến triển lớn...
Từ ngày 22 đến 23/8, cuộc đàm phán mậu dịch Trung – Mỹ lần 4 sẽ diễn ra tại Washington. Khác với 3 lần trước, cuộc đàm phán lần này chỉ diễn ra ở cấp thấp: trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn, còn phía Mỹ là Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass.
Đây là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến hành trừng phạt lẫn nhau bằng việc tăng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Giới phân tích cho rằng, cuộc hội đàm này chỉ mở đường cho cuộc gặp gỡ đàn phán ở cấp cao hơn để dẫn tới việc kết thúc tình trạng đối đầu về mậu dịch hiện nay trước khi hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp gỡ nhau tại các Hội nghị thượng đỉnh APEC và G20 tổ chức vào tháng 11 tới đây.
Ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc
Cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp thứ trưởng này diễn ra đúng lúc quan hệ kinh tế và mậu dịch hai bên ở vào thời điểm tồi tệ nhất: ngày 23/8 Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế suất tăng thêm 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, Trung Quốc cũng trả đũa với mức độ và quy mô tương tự ở cùng thời điểm với hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc.
Đồng thời, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) từ ngày 20/8 cũng tổ chức cuộc điều trần kéo dài 6 ngày về đề nghị của ông Donald Trump tăng thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.
Ông Nicholas Lardy ở Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng: cuộc gặp lần này chỉ nhằm mở đường cho một cuộc gặp cấp cao hơn, mục đích chủ yếu là thăm dò xem những điều kiện cho cuộc đàm phán cấp cao sau đây là gì.
Về nguyên nhân diễn ra cuộc hội đàm cấp Thứ trưởng này, tờ "The Wall Strett Journal" ngày 20/8 đưa tin, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị cho cấp dưới phải nhanh chóng ổn định trở lại quan hệ Trung – Mỹ, vì nếu cuộc Chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài sẽ có thể phá hoại sự chuyển hình kinh tế và kế hoạch trở thành siêu cường thế giới của Trung Quốc.
Nhưng, Tân Hoa xã lại nhấn mạnh, cuộc hội đàm này do Mỹ đưa ra lời mời. Một tài khoản Wechat chính thức của chính phủ mang tên "Bullpiano" giải thích, do phía Mỹ phải điều chỉnh lập trường trước áp lực của chiến tranh thương mại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ
Tuần trước, khi trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng nói, rất khó dự đoán cuộc đàm phán lần này có giành được tiến triển hay không, nhưng ông cho rằng: "Dù sao ngồi vào đàm phán vẫn tốt hơn là không".
Tuy nhiên ông Larry Kudlow một lần nữa cảnh báo chính phủ Trung Quốc "đừng coi nhẹ quyết tâm và sự kiên trì tiến hành chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump" và nói:
"Trung Quốc biết rõ yêu cầu của Mỹ là gì. Đó là: hủy bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan cùng những hạn ngạch, đình chỉ việc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và chấm dứt việc cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật". Những đòi hỏi này của phía Mỹ được duy trì từ ban đầu, trước sau như một, không thay đổi.
Trong khi đó, lập trường và thái độ của phía Trung Quốc lại thay đổi liên tục. Lúc đầu, vào tháng 3, sau khi Mỹ tiến hành điều tra chuẩn bị tiến hành tăng thuế đối với sản phẩm thép và nhôm, Trung Quốc chưa kịp ra tay thì Trung Quốc đã xuất chiêu trước, tăng thuế đánh vào thịt lợn, hoa quả và nhôm phế liệu nhập từ Mỹ; đồng thời tuyên bố mạnh mẽ "không sợ chiến tranh", "không tiếc mọi giá", "sẽ theo đuổi đến cùng"…
Từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6, hai bên tiến hành 3 vòng đàm phán, ông Trump bày tỏ không hài lòng về kết quả; ngày 15/6, Mỹ tuyên bố chuẩn bị tăng thuế theo Khoản 301, ngày hôm sau Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa cùng quy mô.
Ngày 6/7 khi cuộc Chiến tranh thương mại chính thức bùng nổ với việc 2 bên tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau, phía Trung Quốc tuyên bố "ăn miếng trả miếng", một quan chức Trung Quốc cao cấp tuyên bố "nguyên tắc đàm phán của Trung Quốc là không dễ dàng cúi đầu".
Thế nhưng, các biện pháp thuế quan của Donald Trump ngày càng nặng hơn: đòn đầu 50 tỷ còn chưa thực hiện xong, lại tuyên bố tiếp tăng thuế với 200 tỷ hàng hóa Mỹ nữa, thậm chí còn muốn đánh thuế đối với tất cả 500 tỷ.
Đến nay, những tác động mà Chiến tranh thương mại gây ra vượt ngoài mọi dự đoán của Trung Quốc, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, kinh tế trong nước bị "trọng thương" sa sút mạnh.
7 tháng đầu năm đầu tư tài sản cố định đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, các số liệu kinh tế khác cũng đang đương đầu với cơn gió ngược; riêng tháng 7 chỉ số bán lẻ đã giảm 0,2% so với dự kiến của các nhà kinh tế.
Đến lúc này, bộ phim kích động chủ nghĩa dân tộc "Lợi hại thay, nước ta" bị cấm chiếu, ‘ Made in China 2025 " trở thành từ nhạy cảm; báo chí không được nhắc đến Chiến tranh thương mại và không được công kích cá nhân ông Donald Trump, quay sang lên tiếng khuyên Mỹ hãy "nghĩ vì lợi ích của mình, không nên tiếp tục Chiến tranh thương mại nữa".
Tổng thống Donald Trump tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tại Nhà Trắng hôm 18/5/2018
Tuy nhiên sang tháng 8 thái độ của Trung Quốc lại thay đổi. Từ ngày 5/8, các báo Nhân dân Nhật báo, China Today, "Thời báo Hoàn cầu" đều đăng bài nhằm vào cá nhân ông Donald Trump, một lần nữa chủ nghĩa dân tộc lại được sử dụng trong Chiến tranh thương mại.
Thậm chí, Mai Tân Dục, nghiên cứu viên Bộ Thương mại hôm 4/8 đã viết bài đăng trên tài khoản Wechat "Hiệp khách đảo" của Nhân dân Nhật báo, dẫn lời ông Mao Trạch Đông khi xưa: "Dùng đôi tay cách mạng để đối phó đôi tay phản cách mạng".
Bài viết khiến người ta liên tưởng về một sự bất ổn đang manh nha… Có ý kiến cho rằng, vào lúc này, có được một cuộc đàm phán, dù là cấp thấp cũng là bùa cứu mạng đối với Trung Quốc.
Một số chuyên gia về mậu dịch cũng bày tỏ hoài nghi về cuộc thương thuyết lần này đạt được kết quả. Ông Derek Scissors, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu American Enterprise Institute ở Washington thậm chí cho rằng cuộc gặp gỡ này có thê không đề cập đến chủ đề mậu dịch.
Ông nói: Bộ Tài chính Mỹ không nắm vấn đề mậu dịch, vai trò của Thứ trưởng càng không quan trọng; hai bên có thể chỉ thảo luận về các chủ đề tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ và những hạn chế mới của Mỹ đối với đầu tư của Trung Quốc…
"The New York Times" thì dẫn lời người trong giới cho rằng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu tăng giá đồng Nhân dân tệ. Từ tháng 4 tới nay, đồng tiền này đã giảm 10% trong hối suất với đồng USD.
Hồi tháng 4, 1 USD chỉ đổi được hơn 6 tệ, nay đã đổi được gần 7 tệ. Đồng NDT mất giá đã hạ thấp hiệu quả của hành động trừng phạt tăng thuế nhập khẩu của Mỹ nhằm vào hàng Trung Quốc.
Mặt khác, ngày càng có nhiều hội đoàn thương nghiệp Mỹ bày tỏ phản đối việc chính phủ của ông Donald Trump dự định tiếp tục gia tăng thuế quan đối với Trung Quốc.
Hôm 20/8, Hiệp hội kinh tế thương mại Mỹ (NABE) công bố kết quả điều tra cho thấy hơn 90% các nhà kinh tế thương mại cho rằng thuế quan hiện nay và việc đe dọa gia tăng thuế suất thời gian tới gây ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Mỹ.
Ngày 20/8 theo giờ Washington ông Donald Trump khi tiếp phóng viên Reuters đã nói, ông không hy vọng cuộc đàm phán Mỹ - Trung về kinh tế, mậu dịch trong tuần này đạt được tiến triển; thậm chí mói, ông không có thời gian biểu cho việc chấm dứt tranh chấp mậu dịch với Trung Quốc
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Donald Trump đã "dội gáo nước lạnh" vào những ai còn hy vọng vào kết quả của cuộc hội đàm Vương Thụ Văn - David Malpass.
Sáng 20/8, theo giờ Washington, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Reuters tại Nhà Trắng, ông Donald Trump thẳng thừng: ông không hy vọng cuộc đàm phán Mỹ - Trung về kinh tế, mậu dịch trong tuần này đạt được tiến triển; thậm chí nói, ông không có thời gian biểu cho việc chấm dứt tranh chấp mậu dịch với Trung Quốc. "Cũng như họ, tôi cũng có tính toán lâu dài" – Donald Trump nói.
Donald Trump cũng nhân cơ hội này công kích các tổng thống tiền nhiệm khi nói: "Việc này phải cần có thời gian, bởi người Trung Quốc trong một thời gian dài đã làm rất tốt, họ đã được nuông chiều quá nên sinh hư.
Họ luôn đối diện với những người không biết họ đang làm gì khiến chúng ta lâm vào tình cảnh hôm nay". Ông tin rằng Trung Quốc đang thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Mục đích gây chiến tranh thương mại của Mỹ là sử dụng biện pháp thuế quan để gây sức ép với Bắc Kinh, yêu cầu họ thay đổi chính sách kinh tế mậu dịch để bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt biện pháp trợ cấp công nghiệp và mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài.