Theo Washington Post, siêu dự án Vành đai và Con đường trị giá nghìn tỉ USD của Trung Quốc luôn được nước này miêu tả một cách tích cực là một dự án có ý nghĩa chiến lược quan trọng trên toàn cầu, thế nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó.
Nhiều ý kiến cho rằng Vành đai và Con đường sẽ không đem lại lợi ích như mong muốn cho cả Trung Quốc và các quốc gia vay vốn đầu tư của Bắc Kinh. Điển hình là bài học nhãn tiền của Sri Lanka, do không thể trả khoản nợ khổng lồ nên chính phủ nước này đã phải chấp nhận cho Trung Quốc thuê một cảng biển chiến lược trong vòng 99 năm để cấn trừ nợ.
Hiện nay nhiều quốc gia tại các khu vực châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với nguy cơ sập bẫy nợ khi vay những khoản tiền lớn từ Trung Quốc.
Hôm thứ 3 (21/8) vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa tuyên bố hủy 2 dự án lớn do Bắc Kinh tài trợ và xây dựng, do nước này hiện không đủ khả năng chi trả các chi phí quá cao cho Trung Quốc.
Washington Post cho rằng từ quyết định của ông Mahathir, lãnh đạo nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ bắt đầu tự hỏi liệu những khoản đầu tư của Trung Quốc có thực sự tốt như họ tưởng hay không.
Dự án thế kỷ
Về mặt quy mô và tham vọng, thì Vành đai và Con đường là một "dự án thế kỷ" - theo mô tả của Bắc Kinh. Tuy nhiên một số người lại so sánh dự án này với Kế hoạch Marshall - hay kế hoạch phục hưng châu Âu của Mỹ (dù Vành đai và Con đường có quy mô lớn hơn rất nhiều).
Vành đai và Con đường chỉ là một cụm từ gói gọn để nói về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, với mục tiêu kết nối Bắc Kinh với các đối tác thương mại của mình.
Công nhân làm việc trong một dự án thuộc Vành đai và Con đường. Ảnh: AP.
Trên thực tế, dự án này đã mở ra mạng lưới con nợ của Bắc Kinh trên khắp thế giới, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng tại các quốc gia vay nợ nước này.
Không chỉ đem lại lợi ích hay ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế, mà Trung Quốc cũng có động cơ chính trị rất rõ ràng khi đề ra sáng kiến Vành đai và Con đường, theo một báo cáo mới được công bố tuần trước của Lầu Năm Góc.
Cụ thể, thông qua việc thắt chặt các mối quan hệ kinh tế, Trung Quốc có thể "định hướng lợi ích của các quốc gia khác để phù hợp với nước này, và ngăn chặn sớm sự đối đầu hoặc những lời chỉ trích về cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm", theo Lầu Năm Góc.
Mặc dù vậy, rất nhiều đối tác nước ngoài của Bắc Kinh đã tình nguyện tham gia dự án Vành đai và Con đường - mà phần lớn là vì các khoản vay Trung Quốc thường ít bị giới hạn hơn nhiều so với các khoản vay từ phương Tây.
Malaysia đi đầu phong trào?
Về phía Malaysia, Thủ tướng Mahathir Bin Mohamad đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm Najib Razak khi nói đến các dự án thuộc Vành đai và Con đường trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh.
Ngoài tội danh "rửa tiền" trong bê bối rút ruột Quỹ Đầu tư phát triển Malaysia Berdah (Quỹ 1MDB), giờ đây ông Razak còn bị người kế nhiệm lên án là đã "quá lơi lỏng" trong các thỏa thuận với Trung Quốc, khiến Malaysia mắc nợ Bắc Kinh quá nhiều.
Nhằm giảm thiểu gánh nặng nợ nần cho đất nước, Thủ tướng Mahathir vừa qua đã quyết định hủy 2 dự án đầu tư khủng của Trung Quốc.
Theo Washington Post, quyết định gần đây của Malaysia cho thấy siêu dự án của Trung Quốc cũng có nguy cơ đổ bể.
Nhiều dự án có vốn đầu tư "khủng" trên Vành đai và Con đường sau khi hoàn thiện lại trở thành những "con voi trắng" thừa thãi, không đem lại lợi ích kinh tế như những lời hứa hẹn của Bắc Kinh.
Sri Lanka đã vay một khoản lớn từ Trung Quốc để xây dựng một sân bay có thể phục vụ 1 triệu hành khách mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay người ta chỉ biết đến địa điểm này với danh hiệu "sân bay quốc tế vắng khách nhất thế giới". Sân bay này ế khách đến nỗi số tiền thu về từ việc cho thuê các kho vận tải còn nhiều hơn tiền dịch vụ và vé máy bay.
Cảng nước sâu Hambantota, một dự án khác của Bắc Kinh tại Sri Lanka thuộc Vành đai và Con đường, giờ đây đã thuộc quyền quản lý của một công ty Trung Quốc trong vòng 99 năm, sau khi cảng này không thu hồi đủ số tiền vốn bỏ ra để trả nợ cho Trung Quốc.
Malaysia vừa qua đã 'mạnh dạn' hủy 2 dự án vay vốn đầu tư của Trung Quốc được kí kết từ thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Ảnh: AP.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 3 vừa qua của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Sri Lanka không phải là con nợ duy nhất của Trung Quốc gặp vấn đề này. Nhiều quốc gia khác trên thế giới như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan cũng đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ thuộc dự án Vành đai và Con đường.
Đối với giới chuyên gia, thì đây không phải là sai lầm, mà là một đặc điểm trong kế hoạch của Trung Quốc. Họ gọi đó là chính sách "ngoại giao bẫy nợ", và Bắc Kinh đang bắt nạt những con nợ nhỏ của mình bằng chính sách này.
Thậm chí một số người còn dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng các công trình thuộc siêu dự án Vành đai và Con đường để phục vụ mục đích quân sự trong tương lai, nhất là khi các công trình ấy không hề đem lại lợi ích kinh tế.
Rõ ràng là sự mập mờ của Trung Quốc trong dự án Vành đai và Con đường hiện nay đang là mối quan ngại khá lớn đối với các nước đang và sắp tham gia dự án này.
Kể từ khi dự án được triển khai, Bắc Kinh chưa từng công bố danh sách các dự án hay chi tiết về các khoản đầu tư của họ.
Hơn nữa, những giai đoạn quan trọng trong quá trình thực hiện thỏa thuận - như tuyên bố đấu thầu dự án - cũng không được công bố rộng rãi như thường lệ.
Tất nhiên Vành đai và Con đường của Trung Quốc không chỉ toàn "voi trắng". Theo các chuyên gia, một số dự án như đường ống dẫn dầu tại Myanmar và tuyến đường sắt tại Kenya có triển vọng thu về số tiền xứng đáng với số vốn đầu tư đã bỏ ra.
Hơn nữa, chắc chắn nhiều quốc gia sẽ tiếp tục tới gõ cửa Trung Quốc để được vay vốn dễ dàng. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang đối diện với khủng hoảng tài chính trầm trọng do xung đột với Mỹ, có thể sẽ là quốc gia kế tiếp trở thành "bạn" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quyết định của Malaysia cho thấy Bắc Kinh hiện nay cũng đang đối diện với rất nhiều áp lực trong và ngoài nước. Nếu các con nợ đồng loạt tuyên bố vỡ nợ, thì chắc chắn nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Theo Foreign Policy, ban đầu, chính phủ Trung Quốc đã dự định đầu tư 5.000 tỉ USD trong vòng 10-15 năm cho dự án Vành đai và Con đường. Nếu kế hoạch ấy được thực hiện thì khoản tiền Trung Quốc cho vay sẽ chiếm một phần rất lớn trong GDP của nước này.
Như vậy, nếu con nợ của Bắc Kinh tuyên bố vỡ nợ, thì ngay cả những khoản tiền được coi là nhỏ cũng sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt cả về kinh tế và chính trị.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục vung tiền mạnh tay và khiến các con nợ của mình khánh kiệt, thì chắc chắn các quốc gia khác sẽ dần mất thiện cảm và tránh xa các khoản vay hào phóng của họ. Hơn nữa Trung Quốc cũng sẽ chịu thiệt đủ đường nếu không thể hồi vốn từ các con nợ của mình.