Vì sao "lính cứu hỏa" lão luyện của TQ không có mặt trong đàm phán thương mại với Mỹ?

Minh Khôi |

Hoạt động của Vương Kỳ Sơn trong vài tháng qua cho thấy vai trò của ông trong hệ thống ngoại giao của Bắc Kinh đã bị "tô hồng", cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Stapleton Roy nhận định.

Vương Kỳ Sơn là một trong những đồng minh quan trọng và thân tín nhất của ông Tập Cận Bình. Dù  không còn trong Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất của Trung Quốc, ông vẫn được Quốc hội Trung Quốc bầu vào vị trí Phó Chủ tịch nước. Ông còn là thành viên Ủy ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, do ông Tập đứng đầu.

Nổi tiếng là người có kinh nghiệm và kiến thức rộng lớn về thương mại, tài chính và quan hệ Mỹ - Trung, ông Vương cũng có quan hệ thân thiết với nhiều quan chức Mỹ.

Nhưng tháng trước, ông Vương đã bác bỏ thông tin ông Tập Cận Bình giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung cho ông.

Theo một nguồn tin, ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh, ông không tham dự sâu vào việc đưa ra quyết sách các vấn đề liên quan tới Washington, đặc biệt là cuộc chiến thương mại đang leo thang hiện nay.

Cũng theo nguồn tin này, việc chỉ định ông Vương giữ chức Phó Chủ tịch nước nhằm thực hiện các ưu tiên trong nước của ông Tập hơn là chính sách toàn cầu đầy tham vọng. Ông Tập sẽ dùng ông Vương để củng cố quyền lực của mình, nguồn tin lý giải với SCMP.

Vì sao lính cứu hỏa lão luyện của TQ không có mặt trong đàm phán thương mại với Mỹ? - Ảnh 1.

Ông Vương Kỳ Sơn được coi là một trong những đồng minh thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Wall Street Journal.

Hồi tháng 5, trong khi các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, đã có thông tin rằng ông Vương có thể đến Mỹ trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm cơ sở chung để giải quyết vấn đề giữa 2 nước.

Nhưng kế hoạch đã không thành hiện thực sau nhiều vòng đàm phán không thành công giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình và phía Mỹ.

Theo các chuyên gia, sẽ rất mạo hiểm nếu ông Vương Kỳ Sơn đến Mỹ bởi đây có thể là một thất bại. Giáo sư Robert Sutter, trường Đại học George Washington cho biết. "Có thể ông ấy biết điều này. Bây giờ không phải thời điểm thích hợp", ông Sutter nói thêm.

Cheng Li, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brooking, cũng có chung nhận định.

"Bắc Kinh cần chắc chắn, chuyến đi của ông Vương Kỳ Sơn sẽ là một thành công lớn, nhưng trong điều kiện hiện tại, quá khó khăn để đưa ra bất kỳ các dự đoán nào", Li nói.

Trong thời gian qua, các hoạt động của ông Vương chỉ là gặp các quan chức nước ngoài, đại diện doanh nghiệp và các nhà phân tích từ các viện nghiên cứu.

Stapleton Roy, Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc những năm 1990, cho biết các hoạt động của ông Vương trong vài tháng qua cho thấy vai trò của ông trong hệ thống ngoại giao của Trung Quốc đã bị "tô hồng".

Bắc Kinh cũng đã chính thức thông báo, Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn sẽ là người sang Mỹ chịu trách nhiệm nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình chỉ kể từ cuối tháng 6.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác hiểu biết về các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ cho hay, ông Vương Kỳ Sơn vẫn có thể đóng vai trò gián tiếp quan trọng trong các cuộc đàm phán.

Nguồn tin cho biết ông Vương Kỳ Sơn là người lãnh đạo đối thoại chiến lược giữa Bắc Kinh và Mỹ trong nhiều năm và gần gũi với ông Tập Cận Bình và lời khuyên của ông vẫn có thể ảnh hưởng đến Chủ tịch Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại