1. Phân biệt, tính chất, đặc điểm của dâm dương hoắc
1.1. Dâm dương hoắc lá nhỏ
Có thân hình trụ tròn, nhỏ và dài, khoảng 20cm, màu vàng lục, thân mọc lá đối nhau. Lá thứ nhất, thứ 2, sang lá thứ 3 là bắt đầu ra lá kép, phiến lá nhỏ hình trứng, tròn, dài từ 3 - 8 cm, rộng 2 - 6 cm, 2 bên có gai nhọn hình răng cưa, màu vàng, bề mặt phía trên màu vàng lục, bề mặt phía dưới màu xám lục. Không có mùi, vị hơi đắng.
1.2. Dâm dương hoắc có lá hình mũi tên
Phiến lá hình trứng, dài, giống mũi tên, đầu lá nhọn dần thành gai, cuống lá hình mũi tên, hai bên không đối xứng nhau. Bề mặt bên dưới có lớp lông thưa, ngắn, hoặc gần như không có lông.
1.3. Dâm dương hoắc lông mềm
Mặt dưới lá và cuống lá bị phủ một lớp lông mềm dày đặc như nhung.
1.4. Dâm dương hoắc lá to
Lá khá to, dài từ 4 - 10 cm, rộng từ 3,5 - 7cm, đầu lá dài mà nhọn, phiến lá tương đối mỏng.
Cả 4 loài trên, loại nào ít cuống nhiều lá, màu vàng lục, lành lặn không rách nát là loại tốt.
Dâm dương hoắc, vị thuốc bổ thận
2. Tính vị và công dụng của dược liệu dâm dương hoắc
Dâm dương hoắc tính ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận; có công dụng bổ thận dương, cường gân cốt, trừ phong thấp; phù hợp với các bệnh liệt dương, di tinh, gân yếu xương mềm, phong thấp sưng đau, tiểu tiện nhiều lần, chân tay tê bại, tăng huyết áp...
Theo các nghiên cứu hiện đại, dâm dương hoắc có chứa các chất thúc đẩy quá trình sản sinh tinh dịch, nên gây hưng phấn về tình dục. Ngoài ra, dâm dương hoắc còn có tác dụng tốt đối với hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ nội tiết, có tác dụng kiềm chế nhất định đối với chứng lão suy; Tác dụng ức chế đối với các liên cầu trùng màu vàng kim, song cầu trùng viêm phổi, trực trùng lao hạch...
Thuốc sắc của dâm dương hoắc còn có tác dụng hạ huyết áp và giảm ho, long đờm, hỗ trợ điều trị bệnh hen, tăng cường chức năng phòng vệ miễn dịch thông thường đối với cơ thể, nâng cao khả năng thực bào của bạch cầu, thúc đẩy sự chuyển hóa của các tế bào lympho.
Cây và vị thuốc tiên mao
3. Bài thuốc từ dâm dương hoắc
3.1. Bổ thận cường dương, cứng gân cốt, chống lão suy
Dâm dương hoắc 18g, tiên mao 15g, ba kích 15g, nhục thung dung 12g, sơn thù nhục 12g, tỏa dương 12g. Sắc uống.
Hoặc dùng bài: Dâm dương hoắc 35g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7-10 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 - 20ml.
3.2. Chữa tiểu đêm nhiều lần
Dâm dương hoắc 15g, ích trí nhân 15g, đỗ trọng 10g, thỏ ty tử 10g, hà thủ ô chế 15g, thục địa 10g, lộc giác sương 10g, bổ cốt chỉ 10g, câu kỷ tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 phần uống trong ngày.
3.3. Chữa chân tay tê bại, đau mình mẩy
Dâm dương hoắc 100g, uy linh tiên 100g, quế tâm 50g, thương nhĩ tử 50g. Các vị trên, tán bột mịn, mỗi lần uống 4g, chiêu thuốc bằng rượu.
Hoặc dùng bài: Dâm dương hoắc 125g, uy linh tiêm 45g, bạch hoa sà 30g. Các vị trên, tán bột mịn, luyện mật ong, hoàn viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 8g.
3.4. Chữa khí hư, bạch đới
Dâm dương hoắc 18g, phục linh 18g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
3.5 Chữa suy nhược cơ thể , liệt dương, lưng đau, gối mỏi
Dâm dương hoắc 12g, thục địa 10g, nhục thung dung 10g. Sắc nước uống.
Hoặc dùng bài: Dâm dương hoắc 125g, đông trùng hạ thảo 25g, nhung hươu 15g, tam thất 12g. Các vị trên sấy khô, tán bột mịn, mỗi lần uống 8g, chiêu thuốc bằng rượu.
3.6. Chữa đau nhức răng
Dâm dương hoắc 35g, sắc nước ngậm.