Hình minh họa.
Bệnh nhi mắc bệnh dại là T.H., sinh năm 2018, trú tại bon Jâng Kriêng, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó (khoảng 40 ngày) bệnh nhi bị 1 con chó của hàng xóm cắn 1 vết thương ở gót chân trái, có xây xước nhẹ và chảy máu. Sau khi bị cắn, bệnh nhi không xử lý vết thương, không tiêm vaccine phòng bệnh dại. Sau khi cắn bệnh nhi, con chó đã cắn thêm một số người và bị chết sau 6 ngày.
Đến ngày 29-31/7/2023, bệnh nhi bị sốt nhẹ và tự điều trị bệnh tại nhà. Sáng ngày 1/8/2023, bệnh nhi có biểu hiện sợ gió, sợ nước và sợ người lạ, người nhà đã đưa đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk R’Lấp.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi có triệu chứng tăng tiết nước bọt, hốt hoảng và được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại, tiên lượng nặng và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông để theo dõi và điều trị tiếp.
Đến 8h42 cùng ngày, bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, được các bác sĩ theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng không qua khỏi nên đã cho xuất viện và bệnh nhi đã tử vong vào chiều cùng ngày trên đường về nhà.
Qua điều tra tại cộng đồng, cán bộ y tế còn phát hiện thêm 3 trường hợp bị phơi nhiễm gồm có Đ.H. (anh trai của T.H.), sinh năm 2014; Đ.T. (anh trai của T.H.), sinh năm 2017 và Đ.H. (hàng xóm của T.H.), sinh năm 2013. 3 trường hợp phơi nhiễm này đều có yếu tố bị cùng 1 con chó cắn bệnh nhi T.H. nhưng đều không xử lý vết thương ngay sau khi bị chó cắn, không tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.
Hiện, 3 trường hợp này đang có triệu chứng sốt nhẹ và đã được tiêm 1 liều vaccine đầu tiên trong ngày 1/8/2023. Trường hợp bị bệnh dại và 3 trường hợp bị phơi nhiễm đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pastuer TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm.
Hiện nay, qua giám sát của cán bộ y tế tại 14 hộ gia đình xung quanh khu vực nhà bệnh nhi T.H., đã ghi nhận có khoảng 40 con chó được các gia đình nuôi nhưng chưa được tiêm phòng vaccine dại, không được quản lý, rọ mõm khi ra đường.
Để chủ động phòng chống bệnh dại tại huyện Tuy Đức nói chung và xã Quảng Tân nói riêng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức phối hợp với Trạm Y tế xã tiến hành điều tra, giám sát, xác minh ca bệnh và các yếu tố dịch tễ liên quan tại khu vực ghi nhận ca bệnh. Giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh dại tại cơ sở y tế và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc dại để tiến hành cách ly, điều trị, khoanh vùng và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp Trạm Y tế Quảng Tân giám sát, theo dõi các trường hợp bị chó, mèo cắn trên địa bàn, tư vấn và vận động 100% các đối tượng này đi tiêm vaccine phòng chống bệnh dại tại cơ sở y tế để được điều trị, dự phòng bệnh dại...
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật, thường thấy ở chó, mèo. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hiện nay đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng, nếu không có xà phòng phải rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.