Dấu ấn đậm nét trong lịch sử quân sự hiện đại
Chia sẻ quá trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 cho rằng:
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử cách mạng của dân tộc, đặc biệt đóng góp rất nhiều cho lịch sử xây dựng quân sự của nước nhà suốt thời gian dài phục vụ trong quân đội với tư cách một người lính, một vị tướng.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ảnh: TTXVN
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông Lê Đức Anh có sáng kiến, chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang phù hợp với chiến trường Nam Bộ. Vào thời điểm những năm 1949-1950, ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn cầm cự để tổng phản công, vì vậy chúng ta xây dựng các đơn vị chủ lực quy mô lớn cấp đại đoàn (sư đoàn).
Nhiều người cũng muốn áp dụng điều này tại miền Nam, trong khi đó ông Lê Đức Anh kiên quyết đề nghị chỉ xây dựng lực lượng vũ trang đến mức tiểu đoàn.
Thực tiễn sau đó tại Nam Bộ cho thấy, việc xây dựng lực lượng vũ trang đến cấp trung đoàn, liên trung đoàn không phù hợp và buộc phải quay trở lại xây dựng lực lượng vũ trang cấp tiểu đoàn như đề xuất của ông Lê Đức Anh.
Trên thực tế, các tiểu đoàn đã thể hiện đạt hiệu quả chiến đấu, công tác tốt trong suốt thời gian dài từ năm 1951-1954 tại chiến trường Nam Bộ sau lưng địch, nơi địch tập trung bình định, xây dựng thành hậu phương cho chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".
Đánh giá vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh trong thời kỳ chống Mỹ, Đại tá Hồ Sơn Đài nhắc lại: Năm 1964, ông Lê Đức Anh trở lại miền Nam trên một chiếc tàu không số, giữ chức Tham mưu trưởng Miền và cùng Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang chiến đấu trên chiến trường B2, đánh thắng hai cuộc tiến công chiến lược của Mỹ năm 1965-1966 và năm 1966-1967.
Ông Lê Đức Anh có sáng kiến tổ chức lại chiến trường ở vùng không dân thành một tổ chức quân sự theo lãnh thổ, biến các cơ quan dân sự kháng chiến thành các đơn vị hành chính huyện-xã, mạnh dạn lấy vũ khí từ các kho đang lưu giữ dọc biên giới Việt Nam-Campuchia trang bị cho các nhân viên dân sự.
Nhờ vậy, chúng ta tạo ra một thế trận chiến tranh nhân dân rộng lớn và có chiều sâu. Quân và dân miền Nam đã đánh thắng được các cuộc hành quân có vũ khí tối tân của Mỹ, đỉnh cao là cuộc hành quân Junction City năm 1967.
Khi về làm Tư lệnh Quân khu 9 trong bối cảnh hết sức khó khăn của cách mạng sau Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Anh cùng Chính ủy Võ Văn Kiệt đề ra chủ trương xốc lại tinh thần đoàn kết nội bộ, đưa lực lượng vũ trang trở lại địa bàn, tiến công địch, không để địch giành quyền chủ động lấn chiếm, bình định, tạo sự chuyển thế to lớn trên chiến trường khu 9 và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên thư ký giúp việc cho Đại tướng giai đoạn 2000-2007 và là người thực hiện cuốn Hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, những quan điểm, quyết định của Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh dù đi ngược lại ý kiến số đông, nhưng hoàn toàn đúng đắn.
Năm 1973, tại Quân khu 9, ông Lê Đức Anh chỉ đạo giữ vững thế tiến công liên tục, chủ động tấn công địch vi phạm Hiệp định Paris, không để mất đất, mất dân và tạo nên chiến công hiển hách là đánh thắng 75 tiểu đoàn địch ở Chương Thiện.
Sau này, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ghi nhận sự đúng đắn về quyết định của ông Lê Đức Anh và phong quân hàm vượt cấp cho ông từ Đại tá lên Trung tướng.
Một dấu ấn trong đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh là thời kỳ ông làm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Trong suốt gần 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, ông đã đánh giá chính xác tình hình ở địa bàn, đề ra phương thức, phương châm, biện pháp tiến hành đấu tranh phù hợp thực tiễn và quy luật khách quan, giúp bạn vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện áp dụng trên chiến trường chống lại cuộc chiến tranh du kích phản cách mạng của quân Pol Pot.
Đại tá Khuất Biên Hòa cho rằng: Có thể nói, sự lớn mạnh, vững vàng ngày nay của Campuchia có sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả, chí tình, chí nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam.
Những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đã cho thấy phẩm chất tuyệt vời của quân đội, nhân dân, dân tộc Việt Nam với người đứng đầu được Đảng, Nhà nước giao trọng trách chỉ huy, lãnh đạo là Đại tướng Lê Đức Anh.
Người chiến sỹ cộng sản suốt đời phục vụ cách mạng
Nghỉ hưu vào năm 2001, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh vẫn làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí ngay cả khi bị xuất huyết não lần thứ 3 vào cuối năm 2017, sức khỏe suy sụp và liên tục phải điều trị trong bệnh viện.
Có thể nói, suốt cuộc đời gần một thế kỷ, người chiến sỹ cộng sản kiên trung Lê Đức Anh với 81 năm tuổi Đảng đã thể hiện một ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng phụng sự sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và Hoàng hậu tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Phu nhân thăm chính thức Campuchia, ngày 8/8/1995, tại Phnom Penh. Ảnh: Cao Phong/TTXVN
Là người có nhiều năm gần gũi với Đại tướng Lê Đức Anh qua quá trình làm việc, Đại tá Khuất Biên Hòa cho biết, Đại tướng là một người kiệm lời nhưng sâu sắc. Đại tướng Lê Đức Anh ngay cả sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục đóng góp với Đảng, Nhà nước những ý kiến rất chính xác cho các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt trong các chính sách đối ngoại.
Vào thời kỳ đổi mới, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người đề ra đường lối đối ngoại “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ”, thể hiện đường lối đối ngoại sắc sảo, cơ bản của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, bên cạnh sự thông tuệ của một vị tướng, nhà lãnh đạo, điều làm cho những người xung quanh nhớ về Đại tướng là một con người có tính nhân hậu, nhân văn, giản dị, khiêm tốn và đặc biệt là tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh cho thấy ông có được một tư chất thiên phú ít người có được là sự mẫn tuệ, sáng suốt, có khả năng nhìn trước, suy đoán trước được sự việc một cách chính xác.
“Bên cạnh đó, ý chí, nghị lực của cụ (Đại tướng Lê Đức Anh) rất lớn. Trưa nào ngủ dậy, cụ cũng lên trên ban công tập thể thao khoảng 2 giờ đồng hồ trên máy tập, sau đó tắm nước nóng rồi mới làm việc buổi chiều. Ngày nào cũng như ngày nào, không bỏ ngày nào dù mùa hè hay mùa đông”, Đại tá Khuất Biên Hòa nhớ lại.
Cùng chung tình cảm trân trọng khi nhớ về người chỉ huy cũ trong thời kỳ làm chuyên gia trên đất Campuchia, Đại tá Hoàng Thương, nguyên chuyên gia cao cấp cho Bộ Quốc phòng Campuchia của Đoàn chuyên gia 478 xúc động chia sẻ: Tư lệnh Lê Đức Anh là một người đặc biệt đức độ, tôn trọng và yêu thương cấp dưới.
Tướng Lê Đức Anh rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và có khả năng làm việc nhanh nhạy, kiên quyết. Khi nghe báo cáo của cấp dưới, Tướng Lê Đức Anh thường lắng nghe, ghi chép thành 2 tờ giấy (một tờ cho những việc cần làm ngay, một tờ cho những việc chưa cần gấp), rồi sau đó ông lập tức triển khai giải quyết ngay những việc cần làm.
Đại tá Hoàng Thương nhớ lại: Một lần, tôi cùng Tướng Lê Đức Anh lên thăm một trạm xá của Sư đoàn 330 ở Pailin, chứng kiến cảnh bộ đội bị sốt rét rất nhiều mà không có thuốc, thiếu đường vận chuyển thương binh.
Tướng Lê Đức Anh tỏ rõ vẻ đau lòng và ngay sau khi trở về đã triệu tập cán bộ hậu cần, chuyên gia y tế và Sư trưởng Sư 330 để bàn bạc, chỉ đạo, triển khai ngay việc cung cấp thuốc cho bệnh xá, mở đường đưa thương binh trở về tuyến sau.
Từng có thời gian giúp việc, phục vụ bên Đại tướng Lê Đức Anh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài có những cảm nhận đặc biệt về Đại tướng, một người có tư duy sắc sảo, biện chứng, có hệ thống, đặc biệt mẫn cảm về chính trị và quân sự, do đó ông luôn có cách nhìn rất chiến lược về mọi diễn biến của thời cuộc.
Trong suốt chặng đường dài các cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh cho thấy ông là một người có tư duy sắc sảo, khả năng nhận biết và đánh giá thực tiễn chính xác, thường đưa ra được những quyết định đúng, kịp thời.
Những quyết định của ông tác động đến tiến trình, diễn biến của đất nước theo hướng tích cực và nhiều khi làm thay đổi cục diện của cách mạng trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Đại tá Hồ Sơn Đài chia sẻ, ấn tượng sâu sắc của ông khi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh chính là lời dặn dò của Đại tướng về tính trung thực của công tác nghiên cứu lịch sử. Theo Đại tướng Lê Đức Anh, sử học phải có thiên chức phục dựng những gì nó đã diễn ra trong quá khứ, không được để sai lạc đi.
“Nếu chưa đủ dữ liệu, tư liệu phục dựng nó thì khoan hãy làm, để chờ người khác, người thế hệ sau viết lại, làm lại. Đã viết thì phải chính xác, để không làm sai lạc nhận thức của người đương thời về những gì đã từng xảy ra trong quá khứ”, Đại tá Hồ Sơn Đài nhớ lại lời căn dặn của Đại tướng Lê Đức Anh.
Gắn bó cuộc đời suốt chặng đường dài lịch sử dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh luôn có những đề xuất, sáng kiến quan trọng cho cách mạng Việt Nam, cả trên cương vị một vị tướng và cương vị người lãnh đạo đất nước.
Và phía sau tính cách quyết đoán, sắc sảo của một nhà quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh còn là một người anh, người bạn giàu tình cảm, nhân văn, với những ấn tượng khó phai trong tâm trí những người từng gắn bó với ông.
https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-tuong-le-duc-anh-nha-quan-su-xuat-sac-suot-doi-phuc-vu-cach-mang-20190428071209815.htm