Đại dương diễn biến cực đoan: Nóng lên không ngừng khiến giới khoa học lo ngại

Nguyễn Hằng |

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, đại dương trên thế giới đang nóng lên hơn 13 % so với dự kiến của giới chuyên gia.

Các đại dương đang có tốc độ nóng dần lên nhanh hơn dự đoán trước đây của các chuyên gia. Đây chính là một trong những ngòi nổ kích thích sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu này được các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR) tiến hành.

Các nhà khoa học kết hợp các dữ liệu cũ và mới rồi sau đó thiết lập mô hình khí hậu. Kết quả là tình trạng nóng lên ở các đại dương năm ở thời điểm năm 1992 đã gần gấp đôi mức đo được vào năm 1960. Xu hướng thay đổi này gây ra các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán kéo dài.

Gần 60 năm qua, tình hình đại dương nóng lên đã tăng đáng kể với ước tính nhanh hơn 13 % so với trước đây.

"Sát thủ" nguy hiểm gây tổn hại khí hậu

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, dựa trên phân tích sự thay đổi nhiệt độ đại dương kể từ năm 1960. Kết quả chỉ ra rằng, Trái Đất đã nóng lên liên tục trong vòng 56 năm qua.

Các hoạt động sử dụng các nhiên liệu hóa thạch của con người tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gây ra những tác dụng phụ "nguy hiểm" như việc phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển ngày càng tăng.

Đại dương diễn biến cực đoan: Nóng lên không ngừng khiến giới khoa học lo ngại - Ảnh 1.

Nhiệt độ của các đại dương đang tăng nhanh. Ảnh: Science Learning Hub

Tốc độ gia tăng khí thải CO2 chiếm tới hơn 40 %, đặc biệt kể từ năm 1980 đến nay, "sát thủ" CO2 đã gây nên việc gia tăng nhiệt độ trong bầu khí quyển, kích thích hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học cho biết, khoảng 90 % khí thải nhà kính được lưu trữ trong các đại dương. Điều này có nghĩa là từ việc nghiên cứu sự thay đổi của đại dương, chúng ta có thể thấy được cục diện khí hậu trong tương lai thay đổi như thế nào.

Những con số "tố giác" các đại dương đang nóng lên

Những thay đổi về nhiệt độ dù nhỏ nhất ở các đại dương cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Tuy nhiên, để đo được nhiệt độ tổng thể ở các đại dương là một trong những nhiệm vụ không hề đơn giản.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một hệ thống phao đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ nan giải này. Cụ thể, từ năm 2005, các chuyên gia đã triển khai sử dụng một loại thiết bị cảm biến mới (được gọi là hệ thống phao Argo).

Đại dương diễn biến cực đoan: Nóng lên không ngừng khiến giới khoa học lo ngại - Ảnh 2.

Hệ thống phao nổi giúp các nhà nghiên cứu thu thập chính xác nhiệt độ của các đại dương. Ảnh: The Guardian

Khoảng 3.500 phao nổi được phân phối khắp các đại dương, những nơi được chủ động tăng hay giảm tùy thuộc vào độ sâu của các vùng nước. Khả năng thu thập dữ liệu chính xác của những chiếc phao này có thể tới vị trí sâu đến 2.000 mét.

Khi nổi lên bề mặt biển, các phao Argo sẽ gửi dữ liệu không dây tới các vệ tinh để phân tích. Do đó, chúng ta có thể nhận được các thông tin về nhiệt độ của các đại dương khá nhanh và chính xác.

Trước đây, việc gắn kết các dữ liệu từ các cảm biến khác nhau là một trở ngại lớn cho kết quả chính xác về sự thay đổi nhiệt độ qua thời gian của đại dương.

John Fasullo, chuyên gia làm việc tại NCAR tham gia nghiên cứu cho biết, nhiệt độ có thể đã được các đại dương hấp thụ trong vòng 50 năm qua lớn hơn so với dữ liệu từ các báo cáo trước đây.

John nhận định: "Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến khí hậu tạo ra hiệu ứng nhà kính và kết quả là nước biển ngày một dâng cao."

Nhà khoa học của NCAR, Kevin Trenberth, đồng tác giả của nghiên cứu nhận xét: "Nói cách khác, hành tinh đang nóng lên nhiều hơn so với chúng ta nghĩ".

Đại dương diễn biến cực đoan: Nóng lên không ngừng khiến giới khoa học lo ngại - Ảnh 3.

"Sóng ngầm" nhiệt độ đang âm ỉ sôi sục dưới lòng đại dương. Ảnh: Internet

Kết quả nghiên cứu cho hay, từ năm 1990 đến nay, việc nóng lên ở các đại dương đã thâm nhập tới độ sâu 700 m.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các vùng biển ở phía Nam đã ấm lên một thời gian nhưng gần đây là ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương đang bắt đầu nóng lên thấy rõ.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ trên mặt biển đang tiếp tục tăng cao, nhất là khi có sự cộng hưởng tăng nhiệt ở đáy đại dương. Các đại dương đang ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết và khí hậu thông qua những cơn mưa dữ dội.

Quá trình này là một phần lý do khiến cho năm 2016 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận trên bề mặt trái đất, chiếm "ngôi vương" kỷ lục của năm 2015.

Kết quả nghiên cứu về sự gia tăng nhiệt độ ở các đại dương càng cho thấy sự tác động khủng khiếp của con người làm biến đổi khí hậu.

Nhận thức chính xác và kịp thời về sự thay đổi bất thường của nhiệt độ ở các đại dương giúp chúng ta có thể tìm ra các giải pháp ứng phó và hạn chế và thích ứng được với các tình trạng thời tiết cực đoạn có xu hướng ngày càng gia tăng và thất thường.

Nguồn: Dailymail, The Guardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại